Vùng đất phía Bắc huyện Vũ Thư (Thái Bình) được lịch sử ghi nhận với những điều đặc biệt về khoa bảng - đời nào cũng xuất hiện các bậc anh tài ghi danh bảng vàng.
Chỉ riêng tại xã Song Lãng của huyện Vũ Thư, và tính riêng thời Nguyễn, xã này đã có nhiều người đỗ đạt cao, như Tiến sĩ Doãn Khuê, Đình nguyên Hoàng giáp Đỗ Duy Đệ, hơn 200 vị trung khoa từ hương cống, cử nhân, phó trung khoa, sinh đồ, tường sinh, hiệu sinh, tú tài...
Sang Trung Hoa thi đỗ Trạng nguyên
Cho đến nay, các xã phía Bắc huyện Vũ Thư, như: Hiệp Hòa, Xuân Hòa, Song Lãng, Minh Lãng, Đồng Thanh, Tân Lập... vẫn còn lưu giữ nhiều thư tịch cổ cũng như các giai thoại thú vị về các nhà khoa bảng. Số nhiều các xã ấy xưa kia thuộc hương Mần Để nổi tiếng là “Ngoại Lãng sơn diện bách lý, thế thế khôi nguyên” (Ngoại Lãng ngàn dặm núi sông, đời đời có bậc khôi nguyên).
Sự học ở hương Mần Để xưa có lẽ được tính từ Đỗ Đô (1042 - 1170), tức Đạt Mạn thiền sư. Theo sử sách, ông theo cha mẹ về sống ở làng Ngoại Lãng (nay thuộc xã Song Lãng). Cùng với vua Lý Anh Tông, Đỗ Đô là thiền sư thuộc thế hệ thứ ba của thiền phái Thảo Đường.
Năm 1066 triều Lý Thánh Tông, Đỗ Đô được cử sang Trung Hoa tham dự khoa thi Bạch Liên của nhà Tống (khoa thi Tiến sĩ về Phật học), và đỗ Trạng nguyên. Trở về nước, Đỗ Đô được vua Thánh Tông cử làm quan văn tới chức Vệ Đại phu và ban pháp hiệu là Đạt Mạn. Về sau Đỗ Đô xin vua xây dựng và tu hành tại chùa Phúc Thắng tại quê nhà Ngoại Lãng.
Cũng vào thời Lý, có Đặng Nghiễm (1155 - 1236) người làng An Để, xã Hiệp Hoà - người khai khoa của trấn Sơn Nam (nay thuộc các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình...). Năm 30 tuổi ông dự khoa thi Bính Thìn niên hiệu Trinh Phù thứ 10 đời Lý Cao Tông năm 1185 và đỗ Minh Kinh bác học, đứng thứ hai khoa thi sau Bùi Quốc Khái.
Tượng thờ Minh Kinh bác học Đặng Nghiễm tại đền thờ xã Hiệp Hoà (Vũ Thư). |
Sách “Đại Nam nhất thống chí”, chép rằng: “Là người mở đầu khoa hoạn cho các Đại khoa làng khoa cử vùng Sơn Nam. Làm quan tới chức Thị Lang công bộ. Năm 55 tuổi cáo quan về bản quán dạy học. Là người khai mở mệnh mạch văn chương cho mảnh đất này thành dòng chảy mãi về sau”.
Sau khi vua Lý Cao Tông mất, Đặng Nghiễm cáo quan về quê sinh sống và khuyến khích sự học, mở lớp rèn dạy môn sinh. Có tài liệu cho rằng ông có 3 người con cháu đỗ đạt, gồm: Đặng Tảo, Đặng Diễn và Đặng Ma La. Trong đó, Đặng Ma La là vị Thám hoa đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Đặng Diễn khi còn trẻ đã nổi tiếng văn tài kiệt xuất nên được chọn vào học ở Ngự Diên và được nhà vua yêu quý, thường cho hộ giá.
Năm 1231, Đặng Diễn lĩnh chức Ngự Diên bút thư giúp vua soạn các sắc chỉ. Năm 1232 ông đỗ Hoàng giáp, đứng đầu kỳ thi Thái học sinh khoa Nhâm Thìn. Khi Thượng hoàng Trần Thừa mất ông được cử chức Hộ tống Ngự quan để đưa linh cữu về quê an táng. Sau ông được bổ làm Tá thư Tri Quốc tử viên đào tạo nhân tài cho triều đình. Ngoài 40 tuổi ông theo gương các vua Trần từ quan đi tu thiền ở Trúc Lâm Yên Tử.
Đặng Tảo sinh năm Trinh Phù thứ 20, đời vua Lý Cao Tông, đỗ Thái học sinh, làm quan tới Thừa hiến, thăng Phó đô đốc, Nhập thị nội các kiêm Đông các Đại học sĩ cáo thụ Vân ý Vinh lộc đại phu, phong tặng Cao Nghĩa thần.
Kỳ thi chọn Trạng có “1-0-2”
Không chỉ đỗ đạt cao, hương Mần Để cũng nổi tiếng hay chữ. Như Đỗ Nguyên Chương, quê làng An Để (nay thuộc xã Hiệp Hoà) thuở nhỏ theo cha vào kinh, đến khoa Giáp Dần (1314) đời Trần Minh Tông, đỗ Thái học sinh. Ban đầu, ông được bổ làm Tri chế cáo ở Hàn lâm viện, giúp vua thảo chiếu văn bản, sau chuyển sang ban võ giữ chức Đô kỵ uý, được triều đình cấp thực ấp lớn ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương).
Năm 1336, người làng An Để sửa chùa Ông Lâu, ông được mời viết văn bia, trong đó có bài vịnh gồm 16 câu, được Lê Quý Đôn khen và liệt vào hàng “văn chương ưu tú thời Trần”. Ông được dân thôn Trung Quan, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư tôn làm phúc thần, thờ chung với Thành hoàng làng. Bài vị của ông và tấm văn bia ông viết năm 1336 hiện nay vẫn còn.
Vào thời Lê ở Ngoại Lãng xưa còn có những trường anh em đều đỗ và đỗ cao. Tiêu biểu như Trạng nguyễn Đỗ Lý Khiêm. Tương truyền, cha mẹ ông sinh được hai người con trai, Đỗ Lý Khiêm là anh, Đỗ Lý Oánh là em. Cha mất sớm, ba mẹ con Đỗ Lý Khiêm phải sống nhờ ở quán nước ven đường nhưng cả hai anh em đều chăm học, sáng dạ, hiếu thảo nên được nhiều người giúp đỡ.
Khoa thi năm 1499 thời vua Lê Hiến Tông được xem là độc nhất vô nhị khi lựa chọn Trạng nguyên giữa Đỗ Lý Khiêm và Lương Đắc Bằng. |
Khoa thi Kỷ Mùi, niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 (năm 1499) thời vua Lê Hiến Tông. Có giai thoại kể rằng, khi các quan chủ khảo chấm bài thì thấy có 2 bài rất nổi trội, là bài của Lương Đắc Bằng và Đỗ Lý Khiêm. Vì khoa thi chỉ chọn 1 Trạng nguyên nên chấm rất kỹ lưỡng, nhưng chấm đi chám lại cả 2 bài văn sách đều hay như nhau, không xác định được bài nào trội hơn.
Các quan liền tâu lại với nhà vua. Vua cho 2 người làm thêm bài ứng chế, nhưng sau đó 2 bài ấy cũng lại hay như nhau. Vua Hiến Tông liền cho 2 người làm thêm một bài văn “bái mạng”. Đỗ Lý Khiêm trong thời gian ở Thăng Long dự thi có chuyện trò nhiều với Lương Đắc Bằng và thấy đây là người rất tài năng, xứng đáng là Trạng nguyên, nên không có ý so tài nên chỉ làm qua loa cho xong.
Vua xem bài của Lương Đắc Bằng xong, đến bài của Đỗ Lý Khiêm thì thấy bài viết kém hẳn so với các bài trước. Vua đoán biết ông cố ý nhường danh hiệu Trạng nguyên, liền nói lại điều này cho Lương Đắc Bằng. Lương Đắc Bằng nói với vua rằng phẩm chất của mình không sánh được với Đỗ Lý Khiêm, ngôi vị Trạng nguyên nên trao cho Đỗ Lý Khiêm.
Cuối cùng hai người nhường nhau khiến vua và không biết làm sao. Các quan liền nghĩ ra cách vẽ vòng tròn trên sân rồng rồi cho 2 người tung quyển thi, quyển của ai gần tâm vòng tròn hơn sẽ là Trạng nguyên, coi như là ý trời. Kết quả quyển thi của Đỗ Lý Khiêm nằm trong vòng tròn, còn quyển thi của Đắc Bằng nằm ngoài vòng tròn. Thế là Đỗ Lý Khiêm đỗ Trạng nguyên, còn Lương Đắc Bằng đỗ Bảng nhãn.
Đỗ Lý Khiêm làm quan trải 4 triều vua từ Hiến Tông qua Túc Tông, Uy Mục đến Tương Dực. Thời vua Tương Dực, ông dẫn đầu đoàn sứ bộ sang nhà Minh, được vua Minh tiếp đón trọng thị, lại cử một đoàn sứ bộ về Đại Việt cùng đoàn. Đoàn về đến Bằng Tường (Trung Quốc) thì gặp cướp. Đỗ Lý Khiêm dũng cảm chống trả, ông bị trúng tên độc và mất trên đường về.
Vua truy phong cho ông tước Thái bảo hàm Thượng thư, lại phong làm Phúc Thần làng Ngoại Lãng. Đền thờ ông còn ghi: “Cảnh Thống trạng nguyên vọng phiên sơn đẩu/Bằng Tường sứ tử tiết lẫm băng sương” (Đỗ Trạng nguyên năm Cảnh Thống danh vọng như núi cao, như Bắc Đẩu/ Đi sứ tử tiết ở Bằng Tường, tinh thần khí tiết như sương trong). Em trai Đỗ Lý Khiêm là Đỗ Lý Oánh đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh 4 (năm 1508), đời vua Lê Uy Mục và được phong làm Phúc thần làng Văn Lãng.
Đời đời xuất hiện anh tài
Hương Mần Để xưa, Song Lãng nay cũng là quê hương của vị Tiến sĩ nổi tiếng: Doãn Khuê. Doãn Khuê tự là Bảo Quang sinh năm Quý Dậu (1813) tại làng Song Lãng, huyện Vũ Thư. Vốn là người có tư chất thông minh từ nhỏ, được sự giúp đỡ của thầy dạy, khoa thi Đinh Dậu (1837) khi mới 24 tuổi Doãn Khuê đã đỗ cử nhân.
Ngay năm sau khoa Mậu Tuất (1838) ông vào Huế dự kỳ thi Hội. Kết quả kỳ thi không phụ tấm lòng của thầy, Doãn Khuê đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân. Sau khi đỗ đạt ông được bổ chức: Hàn lâm viện biên tu, sau thăng Tri phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Cuối năm 1842 ông được bổ chức Giáo thụ Xuân Trường (Nam Định).
Doãn Khuê được Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị cắt tặng cho vùng đất phía đông tại Sĩ Lâm thuộc bãi sa bồi bờ biển Đại An. Ông đã cùng con trai chiêu tập dân nghèo về đây khai hoang mở đất, xin miễn thuế cho dân rồi cho lập kho “nghĩa thương” giúp người nghèo đói.
Lăng mộ Tiến sĩ Doãn Khuê tại quê nhà xã Song Lãng (Thái Bình). |
Năm 1847 ông bị bệnh nên cáo quan về nhà dạy học. Trong vòng hơn 10 năm (1847 - 1861), ông đào tạo được nhiều học trò xuất sắc, như Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích, Cử nhân Phạm Huy Quang, đều là lãnh tụ phong trào Cần Vương.
Là một vùng đất thi thư, đời đời có người ghi danh khoa bảng nên tại từ đường họ Doãn ở Song Lãng còn ghi câu đối: Địa xuất anh hiền, tiên Trạng nguyên Đỗ công cố địa/ Gia truyền thi lễ, ngã Bảo công biệt tổ thế truyền (Đất sinh hiền tài, trước có Trạng nguyên họ Đỗ/ Truyền đời thi lễ, con cháu Thái Bảo Đại vương về đất này tiếp bước tiên tổ).
Chùa Phúc Thắng – nơi Đạt Mạn thiền sư Đỗ Đô tu hành. |
Theo giới nghiên cứu lịch sử, hương Mần Để xưa là một trong các vùng có truyền thống khoa bảng nổi danh của trấn Sơn Nam. Các nguồn đăng khoa ghi nhận, vùng đất này có các vị đại khoa lừng danh, như: Đặng Nghiễm, Đặng Diễn, Đỗ Nguyên Chương, Trần Củng Uyên, Đỗ Hoàng, Đỗ Lý Khiêm, Đỗ Oánh, Doãn Khuê, Đỗ Duy Đệ... Ngoài ra, hương Mần Để còn hàng trăm người đỗ trung khoa, phó trung khoa, nhiều người để lại những di sản, trước tác có giá trị.