Đáng chú ý, sự khủng hoảng ngoại giao này diễn ra chỉ hai tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các quốc gia Hồi giáo đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Cao điểm mâu thuẫn
Cùng với việc cắt đứt ngoại giao, Ả-rập Xê-út, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ai Cập đã ngay lập tức rút nhân viên ngoại giao khỏi Qatar; cắt giao thông đường hàng không và đường biển đến quốc gia này. Các hãng hàng không trong khu vực, bao gồm Saudi, Emirates và Etihad, sau đó cũng tạm dừng các chuyến bay tới Qatar; trong khi Qatar Airways thông báo ngừng hoạt động đối với các chuyến bay tới Ả-rập Xê-út. Yemen sau đó cũng tham gia vào việc cắt đứt quan hệ với Qatar. Ả-rập Xê-út, dẫn đầu liên minh các quốc gia chiến đấu ủng hộ chính phủ Yemen (mà Qatar là một thành viên), cho biết các lực lượng của Qatar sẽ bị rút ra khỏi cuộc chiến này.
Điều bi hài là, các dịch vụ giao thông vận tải đến Qatar bị cắt đứt từ mọi hướng trừ phía Bắc, khiến Qatar nay phải quay sang Iran và Iraq cho dịch vụ giao thông vận chuyển xuyên biên giới của họ.
Trong khi đó, chính yếu tố Iran là một trong những cái cớ để các nước hùng mạnh nhất trong khối Ả Rập tuyên bố tẩy chay Qatar. Iran tất nhiên lên tiếng phê phán, đổ lỗi cho chuyến đi thăm Riyagh (Ả-rập Xê-út) của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng 5 vừa qua, đồng thời kêu gọi các bên vượt qua những khác biệt. Còn Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm 6/6 khẳng định rằng nước ông sẽ không ngã về một bên nào trong những bất đồng này.
Qatar là một quốc gia bán đảo nhỏ với 2,5 triệu dân, có GDP cao nhất thế giới, tố cáo hành động tẩy chay của các cường quốc trong khối Ả Rập chỉ là căn cứ vào sự dối trá cho rằng nước này ủng hộ các phần tử hiếu chiến cũng như có thiện chí với Iran. Bộ Ngoại giao Qatar tuyên bố, các biện pháp trên là “vô căn cứ và chỉ dựa trên các cáo buộc thiếu cơ sở và vô lý”.
Con dao hai lưỡi
Phát biểu từ chuyến công tác ngoại giao tại Sydney (Australia), giữa thời điểm xảy ra sự việc, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia hãy để mở các kênh thông tin.
Ông nói: “Chúng tôi chắc chắn khuyến khích các bên ngồi lại với nhau và giải quyết các khác biệt. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì để giúp họ giải quyết vấn đề, nhưng chúng tôi cho rằng điều quan trọng là GCC (Hội đồng hợp tác vùng Vịnh) phải hợp nhất. Tôi mong rằng điều này không gây tác động đáng kể, nếu như có bất kỳ tác động nào, đối với sự hợp nhất, cuộc chiến hợp nhất chống khủng bố trong khu vực hoặc trên toàn cầu”.
Bộ trưởng Ngoại giao Ả-rập Xê-út Adel bin Ahmed Al-Jubeir hôm 6/6 đã bênh vực các biện pháp của nước ông đối với Qatar: “Chúng tôi muốn nói rõ với mọi người rằng Iran là một thế lực chuyên gây bất ổn, Iran là một thế lực gây hỗn loạn, Iran là một thế lực gây chết chóc và tàn phá và các chính sách của Iran đã châm ngòi cho bạo động giáo phái ở Trung Đông, tham vọng của Iran là muốn khôi phục đế chế Ba Tư để trị vì các nước Trung Đông và bành trướng trong khu vực. Đó là những chính sách không thể chấp nhận được”.
Ông Foad Izadi, một nhà phân tích chính trị ở Tehran, lại có cái nhìn khác khi cho rằng chính việc tẩy chay của các nước Ả Rập đã thực sự đẩy Qatar xích lại với Iran. Ông phân tích: “Cô lập một quốc gia có chủ quyền là một hình thức chiến tranh. Nhiều người sẽ bị ảnh hưởng. Iran mưu tìm cơ hội để cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Đây có thể là một cơ hội để Iran tạo dựng quan hệ tốt hơn với chính phủ Qatar, bởi vì cả hai đều bị các nước láng giềng ở phía Nam, phía Đông và phía Tây cô lập. Cửa còn lại duy nhất cho họ là ở phía Bắc, ở đó có Iran”.