Sau khi có nguồn lợi nhuận từ các sản phẩm mà thầy sáng chế ra, thầy Hiếu tiếp tục nghiên cứu thêm xe tích hợp nhiều chức năng như: Phun thuốc, bón phân… mà không cần sử dụng đến sức người.
Chế tạo máy giúp cha làm ruộng
Anh Hiếu kể, gia đình anh được 7 anh chị em và là con thứ sáu trong nhà. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh đăng ký vào Trường Đại học Cần Thơ hệ vừa học vừa làm chuyên ngành kỹ sư tin học. Để có tiền phục vụ việc học tập anh xin vào một công ty làm nhân viên giám sát máy chấm công. Năm 2009, anh ra trường, rồi về công tác tại UBND xã Vĩnh Lợi. Sau hơn một năm, anh xin vào dạy học ở Trường THPT Vĩnh Bình, rồi sau này chuyển về Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Hè năm 2015, trong một lần tình cờ vào trường anh thấy học trò nghiên cứu kỹ thuật chuẩn bị cho cuộc thi “Sáng tạo thiếu niên nhi đồng” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phát động. Lúc này, anh được một số học trò nhờ hướng dẫn. Khi đó, anh nhớ lại cảnh người cha tuổi đã cao phải căng mình làm 3 công cam và 60 công ruộng với nhiều loại máy móc cồng kềnh.
Từ đó, ngoài hỗ trợ học sinh nghiên cứu, anh Hiếu cũng tự mình tìm cách chế tạo bình xịt bằng năng lượng mặt trời. Ban đầu, chiếc bình xịt của anh Hiếu được sử dụng phục vụ canh tác của gia đình. Thấy sản phẩm của anh tiện lợi, giảm chi phí nên hàng chục nông dân khác đã đến đặt hàng.
Anh cho biết, mỗi chiếc bình đối với loại xịt rẫy có giá 2,5 triệu đồng/chiếc, còn phun xịt lúa và cây ăn trái giá 3,5 triệu đồng. Việc sử dụng bình này chi phí giảm rất nhiều vì thuốc phun rất đều và lượng thuốc thải ra môi trường rất hạn chế. Tấm pin gắn trên bình có độ bền từ 10 - 15 năm. Bình xịt điện năng lượng do anh sáng chế có trọng lượng nhẹ hơn bình xịt động cơ xăng từ 4 - 6kg. Chiếc máy này đạt giải Ba tại Hội thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật” tỉnh An Giang năm 2017.
Sau một vụ xịt bằng chiếc máy trên, anh Hiếu thấy cách làm này vẫn còn ảnh hưởng sức khỏe, nên anh nảy sinh ý tưởng chế một loại nông cụ thay thế khác.
“Kỹ sư nông dân” bất đắc dĩ
Sau 1,5 năm tìm tòi và nghiên cứu, anh Hiếu cho ra đời chiếc xe đa năng. Xe có chiều dài 2m, ngang 1,5m và cao 1,5m gồm các bộ phận như: Pin năng lượng mặt trời, hệ thống sạc, hệ thống bơm áp lực, bồn chứa phân - lúa, hộp điều khiển…
Chiếc máy hoạt động nhờ tấm pin năng lượng mặt trời tích trữ vào ắc-quy. Vì vậy vào sáng sớm, người dân chỉ cần mang máy ra xịt không cần mua xăng hay bất kỳ nhiên liệu nào. Ngoài việc rẻ hơn về giá cả, nếu so với các mặt hàng nước ngoài chiếc máy này còn có ưu điểm hơn như: Người phun có thể phun liên tiếp 8 bình, tiết kiệm một nửa lượng thuốc trừ sâu so với máy phun động cơ thường. Chiếc máy tự chế của anh Hiếu có thể sạ lúa, bón phân, xịt thuốc hóa học.
Nói về ưu điểm “đứa con tinh thần” của mình, anh Hiếu chia sẻ: “Sử dụng máy sẽ giảm nhân công lao động, giảm lượng thuốc phun thừa, không gây ảnh hưởng sức khỏe con người và giảm chi phí trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Mỗi ngày xe có thể làm việc trên dưới 200 công ruộng”.
Vừa qua, cuộc thi “Khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long” năm 2017 được tổ chức tại TP Cần Thơ, chiếc máy của anh Hiếu đạt giải Nhì. Hiện tại, anh đang cải tiến một số bộ phận của máy thành hệ thống bơm nước và phát điện. Với những tính năng và ưu điểm trên, vừa qua anh đã gửi sản phẩm tham gia cuộc thi “Thách thức công nghệ nông nghiệp vùng Mê Kông” và đang đợi kết quả.