Nhờ cô, em đã trưởng thành

GD&TĐ - Tôi là học trò quê lên thị xã Hà Đông học lớp chuyên Văn, Trường Lê Quý Đôn (Hà Đông - Hà Tây cũ). Cô giáo Phạm Hoàng Yến làm chủ nhiệm lớp suốt 3 năm học phổ thông. 

Nhờ cô, em đã trưởng thành

Lớp chuyên Văn toàn con gái, chỉ có 3 bạn nam, các bạn mộng mơ, nhạy cảm khác hẳn các lớp chuyên khác. Có lẽ đó là cái khó của cô Yến.

Lúc ấy cô Yến khoảng 50 tuổi mà bầy học trò mới chỉ 16, 17 tuổi, cái tuổi ẩm ương, thích làm theo ý mình, chỉ cần chạm 1 câu nói, 1 ánh mắt khang khác đã thấy mình bị tổn thương ghê gớm. Mà cô giáo làm gì có 3 đầu 6 tay để chiều hết ý học trò. Cô giữ trọng trách bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của lớp thi tỉnh, thi quốc gia nên hầu như tâm sức của cô dồn cả vào bài giảng. Những buổi sinh hoạt phần nhiều là nhắc nhở, cổ vũ học trò học tập.

Sau 18 năm rời ghế nhà trường, tôi cảm thấy hiểu hơn về cô. Những gì mà cô làm cho tụi học trò bọn em ngày ấy, bọn em chưa cảm nhận hết. Tôi nghĩ tới cách sắp xếp học trò ngồi bàn nào, tổ nào để thấy tấm lòng thương mến học trò của cô giáo. Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà rõ ràng cô Yến, bằng kinh nghiệm đứng lớp bao nhiêu năm, cô đã nhìn nhận thấu đáo và sâu sắc từ việc tưởng chừng rất nhỏ này. Cô xếp bàn cho học trò có sự tương đồng về tính cách, học lực để các bạn luôn gần gũi nhau.

Chẳng thế mà đi qua bao nhiêu thời gian, các bạn ngồi cùng bàn cấp III trở thành những nhóm bạn thân thiết, sẵn lòng chia sẻ vui buồn với nhau, không toan tính thiệt hơn.

Tôi ngồi cùng bàn với 2 bạn ở Hoài Đức, 3 đứa từng thi học sinh giỏi quốc gia năm lớp 9. Chúng tôi đua nhau học hành, chuyện trò đủ thứ, gần gũi và quý mến nhau. Tôi rất thân thiết với H, cô bạn ngồi cạnh, tôi cảm thấy nỗi nhớ nhà dường như vơi bớt khi có bạn thân bên cạnh, cùng nhau học tập, cùng nhau chia sẻ những nỗi niềm con gái từ việc mến ai, thích ai, nghĩ gì về tương lai và tình yêu...

Năm lớp 10, tôi vẫn học tốt, tôi và H cùng đạt giải Nhì Văn cấp tỉnh. Nhưng sâu thẳm trong lòng, tôi cứ buồn day dứt khi xa quê nhà, sống lạc lõng ở môi trường mới mẻ, nhộn nhịp. Tôi luôn cảm thấy cô đơn, buồn bã khi đứng giữa bạn bè. Cuối năm lớp 10, tôi nói với mẹ xin cô giáo chuyển học về quê nhà. Mẹ bắt xe ô tô từ quê lên thị xã gặp cô, đề đạt nguyện vọng.

Lúc ấy triệu chứng trầm cảm của tôi còn nhẹ, cô Yến thấy tôi đạt kết quả học tập rất tốt, cô thuyết phục mẹ tôi, nên để tôi theo học chuyên tỉnh vì chắc chắn tôi sẽ nằm trong đội tuyển thi quốc gia năm lớp 12. Mẹ nghe cô nói vậy thì mừng lắm, mẹ lại động viên tôi ở lại thị xã học hành.

Nhưng tôi đã không thể một mình chống đỡ lại căn bệnh âm ỉ mà có sức tàn phá ghê gớm đến thế. Tôi đi học thường rơi vào tâm trạng đờ đẫn, không mấy khi vui vẻ. Tôi thường lo âu từ những chuyện cỏn con nhất như nhà vệ sinh, khu nội trú luôn quá tải vào buổi sáng, dây phơi chăng kín mít quần áo, ai chậm chân thì không có cả chỗ phơi phóng, quần áo ít, trời thì đổ mưa đột ngột, bữa cơm ăn thui thủi một góc...

Mỗi buổi sáng bắt đầu ngày mới đều gây cho tôi nỗi sợ hãi mơ hồ, tối ngủ không mấy khi ngon giấc. Tôi cứ như người luôn bước hụt, luôn là người thừa trong bất cứ cuộc vui nào của phòng kí túc, của lớp học. Tôi học sa sút, chữ nghĩa cứ bay đi đâu hết.

Ngày trước học ở quê, tôi luôn là đứa học giỏi nhất lớp, chúa ghét chuyện bạn bè quay cóp. Thế mà giờ, tôi học hành bi bét, thường lén quay bài bạn bên cạnh rồi chỉnh sửa đi chút ít, hòng kiếm chút điểm cho đỡ xấu hổ. Cô Yến nhận ra tôi khác lạ, nhưng ngày ấy, nào mấy ai đã biết đến căn bệnh trầm cảm học đường.

Cô hay trao đổi với H, thế là thỉnh thoảng ngày cuối tuần H rủ tôi về nhà bạn chơi. Tôi ngấm ngầm chịu đựng nỗi buồn chán ngày một lớn, không than thở với ai. Học kì I của lớp 11, lớp tôi bầu chọn ra 10 bạn học xuất sắc nhất đạt học bổng của trường. Tôi có mấy môn phụ điểm kém hơn các bạn, tổng kết cả kì tôi cũng không nằm trong tốp 10. Nhưng cô

Yến đã chọn tôi trong 10 suất học bổng của lớp. Cô muốn động viên tôi cố gắng học hành. Tôi hiểu tấm lòng yêu thương học trò của cô giáo chủ nhiệm.

Có hôm tôi ốm, các bạn phải đưa tôi từ lớp về phòng, cô Yến xuống tận kí túc xá hỏi han tôi, cô pha nước đường gừng thật nóng cho tôi uống. Năm lớp 11, thi học sinh giỏi tỉnh, tôi đủ điểm đỗ nhưng tôi biết, mình không thể gắng gượng được nữa. Tôi rất buồn, tha thiết nói nguyện vọng chỉ học hết năm lớp 11, nhất định lớp 12 tôi sẽ chuyển về học ở quê nhà.

Cô Yến rất thương tôi, cô bàn với mấy bạn ở Hoài Đức, sau khi tổng kết năm học, các bạn tôi rủ tôi về quê các bạn mấy ngày liền. Nhưng lúc ấy, tâm trạng tôi càng hoang mang tuyệt vọng, buồn bã vô cùng.

Mùa hè năm 1998, khi tôi đã mang hết sách vở, quần áo, đồ dùng chuyển về quê nhà thì các bạn của lớp chuyên Văn gồm lớp trưởng, 2 bạn cùng bàn, 2 anh lớp trên chúng tôi chơi cùng tới thăm tôi ở quê.

Mọi người hàn huyên, trò chuyện để tôi vơi buồn, tiếp tục cố gắng học tập. Tôi chuyển học về quê, nhiều khi rưng rưng nhớ bạn bè lớp chuyên Văn, nơi ấy có quá nhiều kỉ niệm, tôi lại đạp xe lóc cóc lên Hà Đông chơi với các bạn một hôm. Cô Yến mừng lắm, cô xếp cho tôi ngồi vào bàn cũ, lớp trưởng cũng ghi lại sĩ số 42 giống ngày xưa.

Đúng là ngày ấy, chẳng ai có thể hiểu được căn bệnh quái lạ của tôi, mọi người cứ đồn đoán lung tung làm tôi cứ đi lạc mãi trong con đường tối tăm, u uất không lối thoát. Tôi không thể đỗ đại học, thi trượt năm 2, tôi rẽ ngang học trung cấp giao thông ở Thanh Xuân - Hà Nội.

Lúc này tâm trạng tôi đã khá hơn nhiều, tôi cố gắng bình tâm để học trường kĩ thuật nghề, mặc dù thi trượt liên miên vì suốt mấy năm cấp III tôi học chuyên ban xã hội, giờ học trung cấp giao thông toàn môn học tự nhiên. Tôi vẫn có địa chỉ nhà cô Yến trong cuốn sổ tay bé xíu.

Tôi tới thăm cô Yến, cô vẫn nhớ tên học trò. Cô lấy từ album ảnh 1 tấm hình của cô chụp ở biển. Cô nói, chia tay lớp chuyên Văn, cô tặng mỗi bạn 1 tấm hình, vẫn còn tấm hình cô giữ tặng cho em đây. Tôi cảm thấy cô lúc nào cũng thương quý học trò, mong học trò vững vàng vượt qua khó khăn để trưởng thành.

Tôi ra trường, đi làm ở ga lẻ ngoại ô Hà Nội. Lớp chuyên Văn bỗng xa lắc như kỉ niệm. Thế mà nhờ mạng xã hội, chúng tôi lần tìm nhau, kết nối nhau trong nhóm lớp chuyên Văn. Chúng tôi hò nhau họp lớp.

Bạn bè giờ nhiều người tản mát, không thể liên lạc, chúng tôi họp được hơn 20 đứa. Cô Yến hôm ấy tự đi xe máy tới. Ôi, sau bao năm xa cách, cô Yến vẫn trẻ đẹp như thế, cô vẫn duyên dáng, xông xáo hơn cả học trò. Cô kể chuyện, cô gần 70 tuổi vẫn được các trường cấp III mời dạy, cô mới đi du lịch ở Mỹ về. Cô tâm sự, mình còn sức khỏe thì mình vẫn phải lao động, lao động mang lại niềm vui sống, em ạ.

Tôi luôn thầm nghĩ, cô chủ nhiệm mình còn yêu đời, yêu nghề như thế thì làm sao mình có thể chán nản khi công việc khó khăn. Tôi thầm biết ơn những tình cảm mà cô đã dành cho tôi và các bạn chuyên Văn ngày ấy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.