Cơ hội phát triển nghề nghiệp

GD&TĐ - Quy định về hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi theo hướng dẫn Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT ngày 20/12/2019 của Bộ GD&ĐT.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Thông tư được ban hành với mong muốn khắc phục những bất cập từng tồn tại nhiều năm ở “sân chơi” này, như bệnh thành tích, tính hình thức, nặng chất “diễn”… gây nhiều áp lực cho giáo viên nhưng vẫn không phát huy được hiệu quả.

Những điểm mới đáng chú ý của Thông tư 22 so với quy định trước đó là giáo viên tham gia hội thi trên tinh thần tự nguyện; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia hội thi; chỉ còn hội thi cấp trường, huyện, tỉnh, không còn hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp quốc gia; tiêu chuẩn giáo viên tham dự hội thi được quy định theo chuẩn nghề nghiệp...

Thời gian, địa điểm thực hiện, số lượng giáo viên tham gia dự thi… giao địa phương tự chủ triển khai nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh áp lực không đáng có cho thầy cô.

Đáng chú ý là yêu cầu thực hành một hoạt động giáo dục tham gia hội thi phải được tổ chức lần đầu tại nhóm, lớp với nguyên trạng số lượng học sinh/trẻ em của nhóm, lớp đó. Giáo viên không được dạy trước (dạy thử) hoạt động giáo dục tham gia hội thi và chỉ được thông báo, có thời gian chuẩn bị cho hoạt động giáo dục này không quá 2 ngày trước thời điểm thi...

Nhiều nhà giáo ghi nhận, tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi theo Thông tư 22 đã giảm tính hình thức, gọn nhẹ và hiệu quả hơn; tạo “sân chơi” lành mạnh, khuyến khích, cơ hội để giáo viên rèn luyện, học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực, phát triển nghề nghiệp; tạo nên một đội ngũ giáo viên cốt cán trong hoạt động chuyên môn.

Nhiều giáo viên dạy giỏi đã “truyền lửa”, lan tỏa nhiệt huyết, kinh nghiệm, sự sáng tạo trong dạy học, giúp đồng nghiệp triển khai tốt dạy học theo Chương trình GDPT 2018. Hội thi cũng góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn, tạo nên khí thế thi đua trong toàn ngành. Đây đồng thời là dịp đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giúp giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Tuy nhiên, một số cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ, dường như nhiều giáo viên không còn mặn mà với thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi. Còn có giáo viên thi nhưng chưa đủ tâm huyết, thiếu sự chuẩn bị bài bản, chu đáo nên chất lượng không cao… Tính chất trình diễn, hình thức dù đã giảm nhiều nhưng không phải không còn.

Thực tế, đạt được danh hiệu giáo viên dạy giỏi là niềm tự hào, dấu mốc quan trọng trong hoạt động dạy học của mỗi giáo viên. Nhà trường có nhiều giáo viên dạy giỏi sẽ được phụ huynh quan tâm, tin tưởng hơn khi gửi gắm con em.

Tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi vẫn được các địa phương, nhà trường quan tâm; thể hiện ở công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức hội thi; quan tâm nâng cao chất lượng các nội dung thi bảo đảm đổi mới, phù hợp, thiết thực.

Tuy nhiên, để đây thực sự là một đợt sinh hoạt chuyên môn có chất lượng và cần thiết, yếu tố then chốt vẫn ở mỗi thầy, cô giáo. Trở thành giáo viên dạy giỏi cần xuất phát từ nhu cầu của chính giáo viên, để khẳng định bản thân, phát triển nghề nghiệp và mong muốn chia sẻ để cùng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.