Thi giáo viên dạy giỏi: Áp lực hay động lực?

GD&TĐ - Nhiều năm nay, hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp được tổ chức thu hút nhiều thầy cô tham gia.

Cô Phan Thị Hằng Hải và học trò. Ảnh: NVCC
Cô Phan Thị Hằng Hải và học trò. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, làm thế nào để giáo viên không áp lực và thể hiện đúng tài năng của mình thì không phải nơi nào cũng làm được.

Cần loại bỏ hình thức

Ngày 20/12/2019, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 22/2019 quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông. Sau thời gian thực hiện, một số ý kiến cho rằng nên giảm bớt kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp trường. Với hội thi cấp huyện và tỉnh nếu tổ chức nên thay đổi theo hướng cho học sinh tham gia vào quá trình đánh giá giáo viên. Trước ý kiến này, nhiều thầy cô đã đưa ra quan điểm khác nhau về việc có nên duy trì hội thi giáo viên dạy giỏi hay không.

Theo cô Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc), Thông tư 22/2019 của Bộ GD&ĐT không còn dùng từ “kỳ thi giáo viên dạy giỏi” mà chuyển thành “Hội thi giáo viên dạy giỏi”, như vậy đã có hàm ý làm giảm áp lực cho thầy cô. Cô Hải cho rằng, vẫn nên tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường để tạo động lực cũng như cơ hội cho những giáo viên có nhiệt huyết, đam mê được khẳng định bản thân. Ban giám hiệu cần động viên, khích lệ giáo viên tự nguyện đăng ký chứ không nên giao chỉ tiêu hay ép buộc tham gia.

“Việc có lực lượng tham gia đánh giá là học sinh tôi thấy hợp lý. Tiết dạy có đạt mục tiêu như mong muốn của học trò hay không phải do chính các em đánh giá. Nhiều khi giám khảo là giáo viên tham gia đánh giá còn cảm tính, quan điểm cá nhân. Nếu để học sinh đánh giá sẽ khách quan và chính xác hơn rất nhiều nên tôi ủng hộ”, cô Phan Thị Hằng Hải bày tỏ.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – Chủ tịch Hội đồng quản lý và hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu phát triển Giáo dục và Nghề nghiệp ủng hộ việc duy trì hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Hội thi là sân chơi để mỗi thầy cô có cơ hội thể hiện năng lực nghề nghiệp, đồng thời giao lưu, học hỏi kinh nghiệm chuyên môn từ đồng nghiệp ở đơn vị bạn.

Tuy nhiên, ở một số nơi, hội thi giáo viên dạy giỏi còn bất cập khi thầy cô giỏi thực sự lại không được thể hiện. Thay vào đó là cử giáo viên lên “diễn” sau quá trình tập luyện. Do đó, dù cấp trường hay huyện, tỉnh cũng cần đảm bảo hội thi phải là nơi mọi người được thể hiện tài năng một cách công bằng; ai cũng được quyền tham gia chứ không phải chỉ dành riêng nhóm người.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cũng đưa ra ý kiến, ngành Giáo dục có thể nghiên cứu để tổ chức thi giáo viên giỏi từ những thầy cô ở bất cứ trường nào, miễn sao họ có nhu cầu và thực sự tài năng chứ không nhất thiết do các trường đề xuất lên huyện, huyện lên tỉnh, tỉnh lên quốc gia. Để đánh giá giáo viên giỏi cần xét trên các khía cạnh năng lực nghề nghiệp, một buổi “trình diễn” giảng bài không nói lên bất cứ điều gì. Việc để học sinh tham gia đánh giá giáo viên cũng có thể áp dụng với cấp THPT nhưng chỉ mang tính tham khảo.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền (trái) và TS Vũ Thu Hương (phải). Ảnh: NVCC

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền (trái) và TS Vũ Thu Hương (phải). Ảnh: NVCC

Thay đổi cách đánh giá giáo viên

Dưới góc độ chuyên gia giáo dục độc lập, TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận, còn không ít nơi tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi mang tính hình thức, gây mệt mỏi và áp lực không nhỏ cho đội ngũ. Nếu đánh giá giáo viên dựa trên sự nhận xét của học sinh thì cần có bài kiểm tra để xác định được kiến thức các em học trong môn đấy như thế nào. Ngoài ra có thể đưa ra cho các em một số câu hỏi lựa chọn về thái độ thầy cô, những kỷ niệm với giáo viên.

Nữ chuyên gia cho rằng, không nên tổ chức thi giáo viên dạy giỏi bằng hình thức tập giảng như nhiều nơi đang làm. Nhiều năm tham gia ban giám khảo thi giáo viên dạy giỏi tại Hà Nội nên TS Vũ Thu Hương hiểu áp lực của thầy cô. Những năm trước, khi chưa triển khai dạy học theo Chương trình GDPT mới, ví dụ trong một tuần giáo viên cả nước chỉ dạy một bài giảng. Khi đi thi giáo viên dạy giỏi, các thầy cô cũng chỉ dạy bài giảng đó, học trò thì dường như đã “thuộc lòng” đáp án.

Hơn nữa, nếu áp dụng thi giáo viên dạy giỏi theo hình thức tập giảng thì ban giám khảo sẽ đưa quan niệm cá nhân vào khiến quá trình đánh giá thiếu khách quan. Giờ đây, giáo án được soạn dưới dạng điện tử nên nhiều khi tổ chuyên môn cùng soạn, giáo viên dự thi chỉ “diễn” lại. Đã “diễn” thì đương nhiên giáo viên phải tập luyện nhiều cho thành thục, gây mệt mỏi, áp lực.

Theo TS Vũ Thu Hương, không nên tổ chức thi giáo viên giỏi cấp trường mà chỉ nên tổ chức từ cấp huyện trở lên. Cán bộ phòng GD&ĐT cấp huyện cùng đại diện phụ huynh học sinh các trường sẽ tham gia vào quá trình đánh giá, chấm chéo để hạn chế tiêu cực. Phụ huynh không chấm về mặt chuyên môn, chỉ ngồi nghe hoặc kiểm tra phần trắc nghiệm mà học sinh đánh giá về thầy cô.

“Nghề giáo là sự trao đổi giữa con người với con người. Nếu kiểm tra đầu vào – tức giáo viên dạy gì cho học sinh thì nên đánh giá cả đầu ra, tức xem học sinh thu nhận được điều gì từ thầy cô. Đây cũng là hình thức đánh giá giáo viên khách quan được áp dụng tại Đức. Phụ huynh sẽ biết thầy cô được học sinh yêu quý vì dạy tốt và nhà trường thông báo kết quả công khai”, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ