Cơ hội lớn cho học sinh đồng bào dân tộc

GD&TĐ - Việc tư vấn, hướng nghiệp đúng đắn cho những học sinh vừa tốt nghiệp bậc THCS ở những vùng khó khăn là cơ hội lớn cho các em học sinh - đặc biệt là học sinh là người dân tộc - có thể theo đuổi ước mơ được đi học nghề và sớm được làm chủ bản thân làm giàu cho chính mình và quê hương...

Hiệp được cán bộ trường Trung cấp Luật Đồng Hới hướng dẫn sắp xếp nơi ở của mình trong ngày đầu bước vào môi trường mới.
Hiệp được cán bộ trường Trung cấp Luật Đồng Hới hướng dẫn sắp xếp nơi ở của mình trong ngày đầu bước vào môi trường mới.

Đó là tâm tự của thầy Nguyễn Bá Tam, hiệu trưởng trường THCS Ba Tầng xã Ba Tầng huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị.

Ước nguyện vùng khó…

Năm học 2016-2017, trường Trung cấp Luật Đồng Hới (Tp.Đồng Hới tỉnh Quảng Bình) tuyển sinh 400 chỉ tiêu khóa V đối với những học sinh đã tốt nghiệp THCS và ở những vùng khó khăn trên địa bàn 6 tỉnh Bắc miền Trung gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế...

Xã Ba Tầng là một trong những xã có điều kiện kinh tế khó khăn bậc nhất của huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), người dân chủ yếu sống dựa vào nương rẫy.

Được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua đời sống của người dân ở đây đã dần thay da đổi thịt. Đã có những hộ dân bắt đầu có kinh tế phát triển nhờ biết làm kinh tế trên đất rừng.

Bà con giờ đã thấy tầm quan trọng của việc cho con em mình đến trường. Và chính các em học sinh cũng ý thức cho việc học của mình để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Nhiều học sinh mới tốt nghiệp THCS nhưng đã mong muốn được đi học một nghề nào đó để về có thể tự mình làm thay đổi cuộc sống của chính mình. 

Thầy giáo Nguyễn Bá Tam - Hiệu trưởng trường THCS Ba Tầng - cho biết: Một số năm trở lại đây, học sinh xã Ba Tầng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học chữ nên nhiều học sinh của nhà trường rất có ý thức trong học tập, tự rèn luyện đạo đức của bản thân.

Chính vì điều này, nhiều em học sinh đã chọn cho mình con đường học nghề để sớm tự lập. Nhiều học sinh tâm sự vui rằng “Rẫy làm sao mà nuôi nổi bản thân được. Chỉ có học nghề thôi !"… thầy Tam tâm sự.

Là phận nữ nhi nhưng ước mơ của em Hồ Thị Rây rất lớn khi mong muốn được tiếp tục học lên cao. Tuy nhiên, gia đình nghèo khó, hết THCS đã chắc gì được đi học tiếp hay ở nhà lấy chồng như bao nhiêu thiếu nữ khác ở miền sơn cước này? Để thoát khỏi cảnh “sớm lấy chồng”, Rây quyết định đăng ký đi học tại trường Trung cấp Luật Đồng Hới.

Mừng vì ý thức của Rây biết vươn lên trong học tập, mừng vì Rây đã chọn con đường đi học để hy vọng sau này đỡ đần cho gia đình có 8 anh chị em vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Ngày Rây nhập học, mẹ em đã gạt nước mắt và dúi vội vào tay Rây tờ tiền 100.000 đồng cho Rây bước ra với môi trường mới để thực hiện ước mơ của mình…

Lựa chọn đúng đắn…

Hồ Văn Hiệp vừa tốt nghiệp THCS nhưng đã sớm chọn con đường của mình khi quyết định đăng ký vào học trường Trung cấp Luật Đồng Hới của Bộ Tư pháp.

Hiệp tâm sự: Em đã cố gắng nhiều trong học tập nhưng tự thấy kiến thức mình vẫn chưa thể đảm bảo để học cao hơn nữa, chi bằng em chọn con đường này để mấy năm sau trở về có đầy đủ kiến thức, có nghề vừa giúp được gia đình mà có thể giúp quê hương mình nữa…

Bà Nguyễn Thị Thu - Phó trưởng phòng Đào tạo trường Trung cấp Luật Đồng Hới (Quảng Bình) - cho biết: Việc các em học sinh vừa tốt nghiệp THCS bước vào các trường nghề là một sự lựa chọn đúng đắn của những học sinh vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Tại các trường này, chỉ sau 3 năm đào tạo theo chương trình thì các em có thể nhận bằng tốt nghiệp THPT và bằng Nghề của mình cùng nhiều chứng chỉ khác.

Bên cạnh đó, các em còn cơ hội học liên thông lên cao đẳng và đại học, vừa tiết kiệm được thời gian và chi phí đồng thời có thể sớm lập nghiệp tự chủ bản thân.

Sáng hôm trường THCS Ba Tầng tổ chức lễ tiễn học sinh lên đường nhập học tại Trường Trung cấp Luật Đồng Hới, trời mưa tầm tã, cha mẹ học sinh không quản ngại đường trơn trượt, lầy lội, phấn khởi đưa con đến trường. 

Những đứa trẻ chưa bao giờ đi xa, chưa rời được vòng tay gia đình nhưng hôm nay đây với những khát khao được học chữ, học nghề; những đứa trẻ đã gạt đi nỗi buồn xa gia đình để lên đường tìm cái chữ cho hy vọng trở về và làm giàu trên mảnh đất khó khăn quê mình trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.