Cơ hội cho người trẻ với ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng

GD&TĐ - Là ngành tiềm năng trong tương lai, song lĩnh vực logistics đang khan hiếm nhân sự cả về số lượng lẫn chất lượng.

Cảng Cát Lái ở TP Thủ Đức, TPHCM - cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Ảnh: Lê Nam
Cảng Cát Lái ở TP Thủ Đức, TPHCM - cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Ảnh: Lê Nam

Đua nhau mở ngành logistics

Ngày 26/4, Trường Đại học Công Thương TPHCM thông báo mở ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Đây là ngành đào tạo đại học thứ 34, đồng thời cũng là mới nhất của trường trong mùa tuyển sinh 2024.

Theo ghi nhận, logistics và quản lý chuỗi cung ứng đang trở thành xu hướng đào tạo của các trường đại học khối ngành kinh tế, công nghệ. Trong năm nay, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM dự kiến mở 6 ngành, chuyên ngành, trong đó có logistic và quản lý chuỗi cung ứng.

Năm 2023, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) cũng tuyển mới 5 chương trình mới gắn liền với kỷ nguyên số, trong đó có công nghệ logistics (logtech, hệ kỹ sư); bên cạnh logistics và quản lý chuỗi cung ứng đã có từ nhiều năm trước.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công Thương TPHCM cho biết, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng được các trường đại học đào tạo với 2 hướng đi: Kỹ thuật và dịch vụ.

Trong đó, hướng đi kỹ thuật sẽ tập trung vào các khía cạnh công nghệ của logistics, liên quan đến giao thông vận tải và quản lý cơ sở hạ tầng. Hướng đi dịch vụ của ngành này khai thác khía cạnh về kinh doanh, marketing, quản lý dịch vụ và quản lý chuỗi cung ứng.

Logistics là khâu trung gian để đưa hàng hoá (sản phẩm hoặc dịch vụ) đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Nó sẽ bao gồm các hoạt động vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản trị tồn kho, hoạch định cung cầu. Trong khi đó, quản lý chuỗi cung ứng là sự phối hợp của sản xuất - tồn kho - địa điểm và vận chuyển nhằm đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả các nhu cầu của thị trường.

Với tính chất và hoạt động của logistics và quản lý chuỗi cung ứng, sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm 3 mảng chính bao gồm: Kho bãi, giao nhận và vận chuyển.

Tân cử nhân ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng có năng lực đảm nhiệm các vị trí quản lý xuất, nhập khẩu, quản lý kho vận, chuyên viên phân tích logistics hay giám đốc kinh doanh, giám đốc phân phối, quản lý vận hành…. Ngoài ra, họ có thể trở thành chuyên viên dự báo nguồn hàng; hoạch định và điều phối nguồn nguyên vật liệu; lên kế hoạch sản xuất; quản lý hàng tồn kho; quản lý dự án; chuyên viên làm việc tại các kho bãi, vận chuyển…

Bà Đặng Minh Phương chia sẻ về ngành Logistics với sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Linh Phương

Bà Đặng Minh Phương chia sẻ về ngành Logistics với sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Linh Phương

Sinh viên cần kỹ năng gì?

Bà Đặng Minh Phương - Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc điều hành MP Logistics, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM mới đây đã có chia sẻ về tương lai, xu hướng ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong chương trình “Logistics: Bứt phá tương lai” được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM (UEL). Bà Phương từng được hãng tin CNBC của Mỹ mệnh danh là “Nữ hoàng logistics Việt Nam”. Năm 2018, bà được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 25 nữ doanh nhân nổi bật của khu vực châu Á.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM, nguồn nhân lực ngành logistics hiện không theo kịp sự phát triển của ngành, thiếu hụt nghiêm trọng. Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng nhân sự của ngành này cũng là chuyện đáng bàn.

“Tôi thấy ngay cả các bạn đang làm trong ngành cũng chưa hiểu hết logistics là gì. Sau 30 năm làm trong ngành này, đến giờ tôi vẫn phải đi học thêm kiến thức về logistics vì muốn hiểu sâu hơn nữa. Đó là lý do tới thời điểm này nhân sự ngành logistics thiếu hụt. Tại Hiệp hội Logistics, chúng tôi luôn luôn có những khóa đào tạo ngắn hạn hỗ trợ cho những bạn đang làm việc trong ngành để bổ sung kiến thức”, bà Phương chia sẻ.

Bà Đặng Minh Phương chỉ ra một sai lầm của người học khi nhìn nhận về logistics và quản lý chuỗi cung ứng, đó là phải học đúng ngành này mới có thể làm được lĩnh vực logistics. “Điều đó không đúng. Nếu các bạn học luật, vẫn có thể làm về luật trong logistics.

Logistics gắn liền với chuỗi cung ứng, logistics cần thiết trong mọi lĩnh vực, không đơn giản chỉ là đưa hàng hóa tới, chuyển hàng hóa đi”, bà Phương nói.

Để làm được trong lĩnh vực logistics, bà Phương khuyên sinh viên phải chịu khó tham gia thực tập, học hỏi, làm việc một cách nghiêm túc tại các doanh nghiệp để nâng cao về chuyên môn.

Khi được hỏi về bí quyết thành công khi xây dựng MP Logistics lớn mạnh như hiện nay, bà Phương thẳng thắn: “Không có bí quyết cụ thể”. Điều bà đã và đang làm là hiểu rõ những thôi thúc bên trong về việc được hiện thực hóa những ý tưởng trong lĩnh vực logistics, từ đó hoạch định kế hoạch cụ thể và quyết tâm, nỗ lực thực hiện những điều đã đặt ra.

“Tập trung là yếu tố then chốt để đạt được kết quả tốt nhất. Kỷ luật, nghiêm khắc với bản thân và sẵn sàng cho đi - nhận lại là những bổ trợ hiệu quả cho quá trình hoàn thành kế hoạch” - bà Phương chia sẻ thêm.

Ngoài ra, nữ doanh nhân còn khuyên, dù là khởi nghiệp khi bước vào thị trường logistics hay làm bất cứ việc gì, sinh viên nên tìm hiểu thật kỹ bản thân, xác định rõ điều mình giỏi nhất, kỹ năng mình mạnh nhất. “Việc phát huy tốt những ưu điểm, thế mạnh đang có giúp sinh viên dễ đạt được kết quả, từng kết quả nhỏ sẽ là động lực để các bạn tiếp tục chinh phục những thành công lớn hơn”, bà nói.

Theo tư vấn từ các trường đại học, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng đòi hỏi cao về sự nhạy bén, sáng tạo, thực tiễn trong hoạt động quản trị, sản xuất, bảo quản và phân phối sản phẩm, dịch vụ. Để khai thác thị trường này, sinh viên sau khi ra trường phải tìm hiểu sâu về sản xuất, điều hành, phân phối, bên cạnh các kiến thức xã hội, sự bền bỉ trong công việc, xây dựng quan hệ. Ngoài ra, sinh viên cần rèn luyện các kỹ năng mềm như: Quản lý, lắng nghe hiệu quả, thuyết phục, xử lý thông tin, khả năng sử dụng các phần mềm chuyên ngành và ngoại ngữ.

Theo thông tin được công bố tại diễn đàn Logistics TPHCM năm 2023, được tổ chức tháng 11/2023, TPHCM hiện có 9.600 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành dịch vụ logistics (chiếm 36,7% cả nước). Đây là những doanh nghiệp hoạt động đa ngành trong hoạt động giao thông vận tải, hậu cần, logistics, qua đó giúp TPHCM duy trì vị thế là địa phương dẫn đầu trong hoạt động logistics trong khu vực và cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.