Theo Hội đồng quản trị logistics Hoa Kỳ (LAC): “Logistics là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát dòng di chuyển và lưu kho những nguyên vật liệu thô của hàng hóa trong quy trình, những hàng hóa thành phẩm và những thông tin liên quan từ khâu mua sắm nguyên vật liệu đến khi được tiêu dùng, nhằm thỏa mãn yêu cầu của người tiêu dùng”.
Ngành Logistics đào tạo những gì?
Ngành Logistics đang rất phát triển nhưng theo đánh giá chung thì nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của ngành vẫn đang thiếu hụt trầm trọng. Vậy để có một nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng những đòi hỏi của ngành, ngành học về Logistics đào tạo những gì?
Đối với các trường dạy các ngành Logistics theo hướng chuyên môn hoá, chuyên sâu về quản lý chuỗi cung ứng, học viên được học chuyên sâu về cách vận chuyển trọn gói từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ của hàng hóa với nhiều phương thức vận tải khác nhau như đường hàng không, đường bộ, đường sắt và đường biển.
Đồng thời, ngành này cũng được học những kiến thức marketing quốc tế, quản trị chiến lược, xây dựng – quản lý hệ thống các chuỗi bố trí kho bãi và các điểm kết nối kho bãi, các phương thức vận tải một cách tối ưu nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian trong cung ứng hàng hóa.
Cụ thể hơn, về kiến thức chuyên ngành, sinh viên được biết chuyên sâu về kinh tế logistics, quản trị nhân sự, luật vận tải, quản trị logistics, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, khai thác vận tải đa phương thức, nghiệp vụ tài chính, kế toán trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức (kết hợp các phương thức vận tải như đường biển và hàng không, đường biển và đường sắt,…
Về kỹ năng chuyên môn sinh viên có thể tham gia lập kế hoạch, tổ chức, điều hành dịch vụ vận tải đa phương thức. Thực hành nghiệp vụ giao nhận vận tải đa phương thức. Có khả năng phân tích luồng hàng, xác định nhu cầu khách hàng, quy hoạch trung tâm phân phối và quản trị quy trình phân phối từ trung tâm đến khách hàng. Có thể lập kế hoạch và tổ chức công tác đóng gói, kho bãi, xếp dỡ, giao nhận, vận tải và cung ứng; thực hành nghiệp vụ kế toán của doanh nghiệp; lập và phân tích các báo cáo tài chính, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, phân tích hiệu quả của hoạt động logistics và vận tải đa phương thức, tham mưu kế hoạch logistics chiến lược; thiết kế mạng lưới logistics; xây dựng quy trình khai thác, phát triển và quản trị chuỗi cung ứng.
Ngoài những kiến thức được học trong chương trình đào tạo, người học ngành Logistics còn phải rèn luyện cho mình những kỹ năng, yêu cầu của nghề nghiệp như chịu được áp lực công việc, luôn phải cẩn thận và kỹ tính, tỉ mỉ và chấp hành kỉ luật tốt trong công việc. Mỗi khâu của logistics cần đảm bảo đúng quy trình và thời gian thì chuỗi cung ứng mới có thể vận hành trôi chảy.
Nhu cầu nhân sự ngành Logistics như thế nào?
Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp (DN) logistics và dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 nhân lực. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM đưa ra kết quả khảo sát giai đoạn 2020 – 2025, nhu cầu nhân lực chung các ngành tại TP.HCM dự báo mỗi năm có khoảng 310.000 – 330.000 chỗ làm việc. Trong đó, ngành Logistics chiếm 5%, nghĩa là mỗi năm TP.HCM cần khoảng 15.000 nhân lực cho ngành này.
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), trong tổng số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này, chỉ có khoảng 5 – 7% lao động được đào tạo bài bản. Có đến 85,7% doanh nghiệp Việt Nam phải tự đào tạo thông qua thực tế công việc. Đặc biệt, để đảm bảo nhu cầu chất lượng nhân lực và mục tiêu phát triển, một số doanh nghiệp logistics lớn còn tự đầu tư trung tâm đào tạo nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng của riêng mình.
Thực tế là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của ngành vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng. Lý do đến từ chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, thiếu kiến thức toàn diện, chưa theo kịp sự phát triển của logistics thế giới, trình độ tiếng Anh nghiệp vụ logistics còn hạn chế…
Qua đây, có thể thấy rằng nhu cầu nhân sự ngành Logistics đang là rất lớn. Và để theo kịp những cải tiến và đổi mới trong thời đại toàn cầu hóa, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường, chất lượng trình độ chuyên môn và kỹ năng của nhân lực logistics cần phải được chú trọng.
Buôn bán sản phẩm là hoạt động không thể thiếu của xã hội dù thời thế có biến động ra sao nên Logistics luôn thuộc nhóm ngành thiết yếu, kể cả trong đại dịch Covid-19. Do đó nên cơ hội làm việc khi học Logistics không bao giờ hết. Làm việc trong ngành này còn giúp bạn có cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế, có cơ hội giao tiếp và tương tác với đội ngũ nhân sự người nước ngoài, nhất là khi bạn công tác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, giúp học hỏi và làm việc trau dồi thêm kinh nghiệm làm việc.