Ngành logistics gắn với chuyển đổi số trong xu hướng nghề

GD&TĐ - Các trường đại học đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng phải chủ động, đón đầu những xu thế mới, trong đó gắn liền chuyển đổi số.

Để đưa ra những định hướng phù hợp với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của xã hội, các trường đại học có đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng phải chủ động, đón đầu những xu thế mới, trong đó gắn liền chuyển đổi số...

Đó là một trong những ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo quốc tế “Đổi mới sáng tạo kỹ thuật số – chuỗi cung ứng 2022” do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức với sự tham gia của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới như ĐH Rotterdam (Hà Lan), ĐH Luật và Khoa học Chính trị Tây Bắc (Trung Quốc - Northwest University), Học viện Multimix (Nigeria), Trường ĐH Khoa học và Quản lý Ấn Độ, Viện Giao thông vận tải Hàn Quốc, Viện Giáo dục liên lục địa (Ghana) cùng các giảng viên, các nhà nghiên cứu ở các trường, viện, và trung tâm nghiên cứu trong nước, các doanh nghiệp về logistics và chuỗi cung ứng trong và ngoài nước.

Trao đổi về tầm quan trọng của các trường đại học trong đổi mới sáng tạo kỹ thuật số ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, bà Nguyễn Mai Lan – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho hay, trường luôn là một trong những đơn vị tiên phong trong việc đổi mới. Đặc biệt là triển khai chương trình chuyển đổi số từ công tác quản trị, “chuyển đổi số” trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học…

Bà Nguyễn Mai Lan cũng nhấn mạnh, việc các ngành dịch vụ hậu cần và chuỗi cung ứng ngày càng phát triển dẫn tới những thách thức không nhỏ khi nước ta đang thật sự thiếu hụt lực lượng, đội ngũ có chuyên môn và được đào tạo chuyên nghiệp về chuỗi cung ứng để có thể giảm tác động tiêu cực của cách mạng công nghiệp 4.0 và tận dụng thế mạnh về cảng biển của Việt Nam để phát triển kinh tế. Hoạt động dịch vụ hậu cần và quản lý chuỗi cung ứng do đó rất cần được phân tích, đánh giá và dự báo xu hướng phát triển, mô hình hoạt động mới mang tính đổi mới sáng tạo, gắn với công nghệ và kỹ thuật số; và có một diễn đàn kết nối sự tham gia và chia sẻ của các nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia và nhà quản lý doanh nghiệp về tri thức, kinh nghiệm thực tiễn, giải pháp công nghệ kỹ thuật số…

Trong đó, các trường đại học có đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng phải chủ động, đón đầu những xu thế mới, trong đó có chuyển đổi số... để từ đó đưa ra những định hướng phù hợp với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Cũng theo TS. Thái Hồng Thụy Khánh, Trưởng khoa Tài chính kế toán Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Việt Nam có rất nhiều cảng biển lớn ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Khánh Hòa, TP.HCM, trong đó cảng biển TP.HCM xếp vị trí thứ 26 trên thế giới và nằm trong top 6 cảng biển sầm uất nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, ngành dịch vụ hậu cần và chuỗi cung ứng ở Việt Nam vẫn còn là một ngành mới phát triển so với thế giới. Chúng ta thiếu rất nhiều nhân lực, trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ lại càng thiếu.

TS. Thụy Khánh đề xuất các trường đại học phải nhanh chóng đào tạo được lực lượng lao động trong ngành quản lý chuỗi cung ứng, trong đó có các trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ để những người này tiếp tục đào tạo ra nguồn nhân lực mới cung cấp cho các doanh nghiệp, cảng…

Ông cũng nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, để phát triển và gia nhập quốc tế, người lao động trong ngành quản lý chuỗi cung ứng không chỉ phải giỏi chuyên môn, kỹ năng mà phải có khả năng ứng dụng kỹ thuật số trong quá trình làm việc, có kiến thức về công nghệ như blockchain, trí tuệ nhân tạo… để nâng cao hiệu quả công việc, giải quyết các vướng mắc, tạo ra đột phá đáp ứng nền kinh tế số.

Theo Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, dự báo trong các năm tới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng cần thêm khoảng hơn 20.000 lao động. Trong khi đó người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ tại mỗi trường đại học có đào tạo lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay, khó có thể đáp ứng cho việc đào tạo ra nguồn lao động trên.

Tại hội thảo, các vấn đề được đưa ra thảo luận như: Quản lý khủng hoảng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong/ sau dịch COVID-19; Các giải pháp chuỗi cung ứng và hậu cần sáng tạo tận dụng IOT và 5G; Những đột phá trong quản lý chuỗi cung ứng quốc tế; Tác động của công nghiệp 4.0 với chuỗi cung ứng và những lợi ích…

BOX: Theo báo cáo Logistics 2021 của Bộ Công Thương, từ nay tới năm 2025, Việt Nam cần hơn 1 triệu nhân lực chuyên ngành Logistics được đào tạo bài bản, chuyên sâu, đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp. Với con số trên, có thể thấy rằng hiện nhu cầu tuyển dụng nhân sự Logistics đang ở mức đáng báo động ra sao.

Nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng, điều này rất không hợp lý với một ngành dịch vụ có quy mô lên đến 22 tỷ USD, chiếm 20,9% GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn ở mức cao trong khu vực. Nguồn nhân lực chính đang trở thành vấn đề nan giải nhất của ngành logistic hiện nay. Sự khó khăn về nguồn nhân lực của ngành càng được nhân lên khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.