Đào tạo nghề Logistics trong 4.0: Thiếu công nghệ sẽ đem lại hậu quả khôn lường

GD&TĐ - Chuyên gia đánh giá, nhân lực logistics đang thiếu hụt nghiêm trọng. Đặc biệt là nhân viên kinh doanh, công nghệ thông tin và điều phối khai thác vận tải, kho hàng.

Sinh viên Trường Cao đẳng Hàng Hải I.
Sinh viên Trường Cao đẳng Hàng Hải I.

Từ cơ sở thực tiễn đó, nhu cầu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics Việt Nam thực sự cấp bách.

Đào tạo chuyên sâu còn thiếu so với nhu cầu

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), ngoài khó khăn về vốn, doanh nghiệp logistics Việt Nam đang phải đối mặt với tình hình thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Cùng với đó là nguồn lao động được đào tạo bài bản trong lĩnh vực dịch vụ logistics.

Theo TS Lưu Việt Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng Hải I, đến nay, hành động và chiến lược cụ thể cho tiến trình công nghệ hóa giáo dục còn chậm. Việc chuyển đổi số ở một số trường mới chỉ ở bước đầu. Nguồn lực đầu tư dành cho chuyển đổi số và mua sắm thiết bị dạy học công nghệ cao còn rất ít.

Chưa kể đến phần lớn các trường đều mới mở ngành đào tạo nên định mức máy móc thiết bị chỉ mới được ban hành cuối năm 2020. Do đó việc đầu tư cho ngành chưa triển khai nhiều, ảnh hưởng đến việc đào tạo kỹ năng cơ bản tại các phòng thực hành.

Chương trình đào tạo của các trường chưa tạo được sự liên thông giữa chuẩn mực trong nước và quốc tế. Việc gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo hiện nay chưa chặt chẽ. Thời lượng thực hành tại doanh nghiệp chưa nhiều, cơ hội cho người học được thực hành trên thiết bị hiện đại, tự động hoá tại doanh nghiệp là rất hiếm.

“Người học ra trường chưa đáp ứng được ngay yêu cầu công việc. Chất lượng của lực lượng lao động được đào tạo chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”, TS Lưu Việt Hùng đánh giá.

Cũng theo ông Hùng, Việt Nam có khoảng 6.000 nhân viên đang làm việc trong lĩnh vực logistics. Nhưng số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5 - 7% tổng số lao động đang làm việc và những người có kinh nghiệm và hiểu biết về luật pháp quốc tế còn thiếu nhiều.

Hiện, nguồn nhân lực chính cho ngành này đều được lấy từ các đại lý hãng tàu, các công ty giao nhận vận tải biển và sử dụng theo khả năng hiện có. Trong khi đó, đây là lĩnh vực đòi hỏi am hiểu hệ thống pháp luật, thông lệ của nước sở tại và còn phải am hiểu pháp luật quốc tế, có mối quan hệ rộng khắp trên thế giới. Thực trạng này dẫn đến tình trạng khan hiếm nhân lực cho các doanh nghiệp.

Nguyên nhân được xác định là do nghề Logistics vẫn chưa được đào tạo nhiều tại các trường đại học. Bên cạnh đó, những chuyên gia được đào tạo chuyên sâu cho ngành Logistics vẫn còn thiếu so với nhu cầu. Quy mô đào tạo chính quy dài hạn và đào tạo ngắn hạn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực logistics của doanh nghiệp.

Do đó, 85,7% doanh nghiệp Việt Nam phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc. Đặc biệt, một số doanh nghiệp logistics có quy mô lớn đã tự đầu tư trung tâm đào tạo nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng riêng để bảo đảm mục tiêu phát triển.

Thiếu ứng dụng CNTT vào Logistics

Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu được công bố tại Sách trắng Logistics 2018, trên 30% các ứng dụng CNTT hiện đang được sử dụng tại các doanh nghiệp logistics là các ứng dụng cơ bản. Đó là hệ thống quản lý giao nhận, kho bãi, trao đổi dữ liệu điện tử, quản lý vận tải và khai báo hải quan…

Trong khi đó, dự báo CMCN 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ đến ngành Dịch vụ Logistics nói chung và công nghệ logistics mới nói riêng. Từ đó tác động đến hình thái kinh doanh logistics của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, hướng đến tính khoa học và sáng tạo.

Hơn nữa, các công ty logistics trên thế giới đang nhanh chóng cải tiến công nghệ để bắt kịp xu hướng này và cải thiện tỷ suất lợi nhuận. Dịch vụ logistics là ngành mang tính quốc tế cao và ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào các hoạt động.

Hiện, các nước phát triển đang từng bước thực hiện E-Logistics, green logistics, E-Documents... và ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, công nghệ Blockchain... trong điều kiện CMCN 4.0. Đã bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo hay robot vào thực hiện một số dịch vụ, như dịch vụ đóng hàng vào container hay dỡ hàng khỏi container, xếp dỡ hàng hóa trong kho, bãi...

Trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam ứng dụng CNTT vào công việc hàng ngày còn ở trình độ chưa cao. Chủ yếu là sử dụng phần mềm khai hải quan điện tử, công nghệ định vị xe, email và Internet cơ bản...

Theo TS Lưu Việt Hùng, lý do chính là các doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ và vừa nên hạn chế về vốn đầu tư, nguồn nhân lực chuyên sâu về CNTT còn yếu và thiếu. Mặc dù, 96% doanh nghiệp được điều tra của VLA vừa qua đều cho rằng, công nghệ là nhân tố khác biệt tạo thuận lợi cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay, nhân lực logistics đang thiếu hụt nghiêm trọng, các vị trí đang thiếu hụt nhiều nhất là nhân viên kinh doanh logistics. Cùng với đó là nhân viên công nghệ thông tin logistics và điều phối khai thác vận tải, kho hàng. Từ cơ sở thực tiễn đó, nhu cầu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics Việt Nam thực sự cấp bách.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có 24 trường cao đẳng và trung cấp đào tạo các ngành, nghề thuộc lĩnh vực logistics với quy mô đào tạo hàng năm từ 4.500 – 6.000 người trình độ cao đẳng và trung cấp. Ngoài ra, các trường và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp đào tạo hàng năm từ 12.000 - 17.000 lượt người ở các trình độ sơ cấp và ngắn hạn dưới 3 tháng về logistics.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, để đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực cho hơn 3.000 doanh nghiệp đang tham gia cung cấp dịch vụ Logistics tại Việt Nam, giai đoạn 2017 - 2020, cần thêm khoảng 20.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn. Đến năm 2030, số lượng người lao động mới cần thêm lên tới 200.000 lao động trình độ cao, gấp 10 lần so với năm 2020, đáp ứng đủ các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.