Cơ hội cho người tìm việc

GD&TĐ - Sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, hầu như tỉnh nào cũng tổ chức 'ngày hội việc làm' - một tên gọi khác của 'chợ lao động'.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Liên đoàn lao động hoặc sở LĐ-TB&XH các tỉnh là đơn vị tổ chức các “gian hàng” để giới thiệu người cho các doanh nghiệp.

Người nào cần việc làm, chỉ cần ghé vào các gian hàng, xem nhu cầu của đơn vị tuyển dụng, nếu thấy phù hợp là nộp đơn đăng ký. Sẽ có những cuộc phỏng vấn của nhà tuyển dụng đối với người cần việc.

Được hay không được chỉ diễn ra trong một buổi là cùng. Quy trình thoạt nghe thì đơn giản như vậy nhưng để tìm được một việc “vừa ý” là điều không dễ. Cả phía cần lao động là chủ các doanh nghiệp và phía cần việc không phải lúc nào cũng có tiếng nói chung.

Sở dĩ các địa phương chọn “ngày hội việc làm” vào những ngày sau Tết âm lịch là vì, đây là thời điểm thích hợp nhất để “săn đầu người”. Thiếu đơn hàng hoặc công việc không ổn định, nhiều doanh nghiệp ở các đô thị lớn như TPHCM, Bình Dương… thường “thả nổi” lực lượng lao động.

Số công nhân mất việc ở những doanh nghiệp như thế thường chọn thời điểm về quê nghỉ Tết rồi tìm việc mới ngay tại quê nhà. Vì vậy mới có tình trạng vừa qua Tết âm lịch là nhiều doanh nghiệp chạy sốt vó để tìm người làm vì mới nhận được đơn hàng của đối tác. Có những doanh nghiệp cần cả nghìn lao động dù trước Tết, công nhân thiếu việc làm.

Tình trạng “phập phù” này cứ tái diễn nên đừng quá lạc quan trước các số liệu như có hàng chục nghìn người tìm được việc làm ngay phiên đầu tiên của “ngày hội việc làm” sau Tết. Con số ấy nhiều khi chỉ là thay đổi việc làm từ ông chủ này sang làm cho ông chủ khác mà thôi.

Quan sát từ các phiên “ngày hội việc làm”, điều dễ thấy nhất là những công nhân được đào tạo bài bản trong các trường dạy nghề thì gặp nhiều thuận lợi trong khi tìm việc. Nhiều doanh nghiệp quảng cáo là sẽ nhận hàng trăm lao động phổ thông, tức là những người không qua bất kỳ một trường lớp dạy nghề nào cũng được tuyển chọn.

Tuy nhiên, khi được nhận vào làm rồi thì doanh nghiệp sẽ tổ chức các lớp “dạy nghề ngắn hạn”, thực chất là “cầm tay chỉ việc” luôn cho công nhân. Người nào “sáng dạ” thì được nhận vào làm còn những ai chậm chạp trong việc tiếp thu để hành nghề thì sẽ bị đào thải.

Trong những năm qua, các trường dạy nghề hay ký hợp đồng với các doanh nghiệp trên địa bàn về “đầu ra” của học sinh sau khi học qua lớp đào tạo nghề. Số học sinh học nghề ở những trường dạy nghề này sẽ được đi thực tập tại các phân xưởng của nhà máy để làm quen với công việc sau này. Đào tạo có địa chỉ là cái đích của nhiều trường dạy nghề hiện nay.

Hàng loạt các khu công nghiệp mở ra ở miền Trung là cơ hội để những người đang tìm việc có chỗ dung thân. Ly nông mà không ly hương là đích ngắm mà các địa phương đang hướng đến. Điều đó sẽ góp phần giảm áp lực về hạ tầng cho các tỉnh phía Nam, vừa tạo cơ hội để các tỉnh miền Trung có điều kiện bứt phá thoát nghèo.

Cánh cửa tìm việc chưa bao giờ đóng lại đối với những người cần việc làm. Tuy nhiên, cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản tại các trường dạy nghề thì mới mong có cơ hội. Hàng nghìn học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học đã đúng khi chọn học nghề để có việc làm ngay còn hơn là theo học đại học để rồi thất nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ