Sinh viên tìm việc thời 4.0 : Biến 'nguy' thành 'cơ'

GD&TĐ - Các chuyên gia đã chỉ ra thách thức và cơ hội việc làm trong kỷ nguyên số tại "Ngày hội việc làm 2024" do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 5/5.

Sinh viên tham gia "Ngày hội việc làm 2024" do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 5/5. Ảnh: T.
Sinh viên tham gia "Ngày hội việc làm 2024" do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 5/5. Ảnh: T.

Chương trình “Ngày hội việc làm 2024” của Trường Đại học Sư phạm TPHCM có sự tham gia của 69 đơn vị tuyển dụng uy tín trong nhiều lĩnh vực.

Trong khuôn khổ ngày hội, tọa đàm "Câu chuyện vào nghề" với sự tham gia của 3 diễn giả: TS Nguyễn Vinh Quang, Nhà sáng lập Q Education; ThS Đặng Ngọc Hậu, Nhà sáng lập và CEO của PnB Education; ThS Trương Đỗ Minh Hương, Cố vấn đối ngoại Trung tâm Anh ngữ WESET.

Chương trình tọa đàm tại ngày hội việc làm. Ảnh: M.T

Chương trình tọa đàm tại ngày hội việc làm. Ảnh: M.T

Theo TS Nguyễn Vinh Quang, có 5 yếu tố trong thị trường lao động ngày nay mà sinh viên phải chú ý khi xin việc. Mỗi yếu tố đều chứa đựng những thách thức và cơ hội.

Thứ nhất, công nghệ và tự động hóa, trí tuệ nhân tạo đã phủ sóng ở nhiều ngành nghề, thay đổi liên tục. Điều này đặt ra những thách thức với sinh viên mới ra trường.

Thứ hai, sự biến đổi về khí hậu, môi trường tạo ra những ngành nghề mới, chẳng hạn như quản lý tài nguyên, năng lượng tái tạo. Sinh viên phải tận dụng cơ hội này.

Thứ ba, bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập đòi hỏi sinh viên phải có kỹ năng hội nhập mạnh mẽ.

Thứ tư, việc xuất hiện các yếu tố kỹ thuật, công nghệ mới ở nhiều ngành nghề, chẳng hạn công nghệ số cũng tạo ra thách thức và cơ hội cho sinh viên. Theo đó, doanh nghiệp sẽ yêu cầu nhân lực ngày càng cao hơn. Đây cũng là cơ hội cho những sinh viên giàu kỹ năng.

Cuối cùng, lực lượng lao động có xu hướng già hóa, có sự dịch chuyển giữa các khu vực lao động, sự đòi hỏi chuyên môn hóa và trình độ đào tạo cao hơn. Do đó, đây cũng là cơ hội cho sinh viên mới ra trường.

Sinh viên đăng ký thông tin tuyển dụng tại một doanh nghiệp. Ảnh: M.T

Sinh viên đăng ký thông tin tuyển dụng tại một doanh nghiệp. Ảnh: M.T

ThS Đặng Ngọc Hậu cũng đồng quan điểm rằng, thị trường lao động hiện có nhiều biến động, doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.

Do đó, sinh viên ra trường trong thời điểm này đối diện với nhiều thách thức. Doanh nghiệp cần số lượng nhân sự ít hơn, song đòi hỏi người lao động lành nghề, có thể làm được nhiều đầu việc hơn.

"Lời khuyên cho các bạn sinh viên từ năm 1-2 là hãy tận dụng cơ hội trải nghiệm, thực tập, đi thực tế để tích lũy nhiều kỹ năng, kiến thức, sẵn sàng bước vào thị trường lao động khi ra trường", ThS Hậu khuyên.

Trong khi đó, ThS Trương Đỗ Minh Hương đưa ra một số bí quyết giúp sinh viên tạo được mối quan hệ, thương hiệu cá nhân để có thêm "điểm cộng" trong quá trình tìm việc sau này.

Theo đó, ThS Hương cho rằng, sinh viên cần mở rộng kết nối với doanh nghiệp và thế hệ đi trước bằng việc tham gia các ngày hội việc làm, câu lạc bộ, các hội nhóm ở trường đại học. Từ đó, họ sẽ có các thông tin, kinh nghiệm quý giá.

Thêm vào đó, sinh viên cần tìm được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, từ đó phát huy điểm mạnh vốn có. Sinh viên cũng cần xây dựng hình ảnh tích cực trên các website cá nhân, mạng xã hội.

Sinh viên tìm hiểu việc làm và trải nghiệm các hoạt động tại ngày hội việc làm. Ảnh: M.T

Sinh viên tìm hiểu việc làm và trải nghiệm các hoạt động tại ngày hội việc làm. Ảnh: M.T

TS Huỳnh Trung Phong, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Phát triển Khởi nghiệp (Trường Đại học Sư phạm TPHCM), Phó ban tổ chức ngày hội việc làm cho biết, năm 2024, nhà trường dự kiến có hơn 3.000 sinh viên tốt nghiệp.

Nhà trường luôn chủ trương đào tạo những sinh viên năng động, sáng tạo, thích ứng, hội nhập tốt với môi trường đa văn hóa, thông qua các hoạt động học tập, trải nghiệm thực tế.

Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, lực lượng lao động chất lượng cao trở thành ưu tiên hàng đầu trong việc tìm kiếm và đào tạo của mỗi đơn vị tuyển dụng; đồng thời, hàng nghìn sinh viên đang chuẩn bị hoàn thành chương trình đại học với mong muốn cống hiến hết mình cho công việc tương lai.

"Giữa bối cảnh đó, ngày hội việc làm là cầu nối gắn kết các đơn vị có nhu cầu mở rộng nguồn nhân lực với những sinh viên của trường đầy tiềm năng. Ngày hội tạo môi trường thuận lợi để sinh viên được gặp gỡ các đơn vị tuyển dụng đa ngành nghề lĩnh vực, được trực tiếp thể hiện năng lực bản thân cũng như được trải nghiệm thực tế trong những môi trường làm việc khác nhau", ông Phong cho hay.

Tại chương trình “Ngày hội việc làm năm 2024”, ban tổ chức trao tặng 5 suất học bổng trị giá 3 triệu đồng/suất và 20 suất học bổng Tiếng Anh của đơn vị tài trợ cho sinh viên.

Ngoài ra, ngày hội còn diễn ra các hoạt động: Triển lãm gian hàng và phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp; Hoạt động "check in" ngày hội và nhận quà; Khu vực hỗ trợ thực hiện CV, lý lịch xin việc và chương trình bốc thăm may mắn cho sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

Cách tạo mẫu cv chuẩn