Thiếu tay nghề, trình độ: Lao động trung niên khó khăn tìm việc

GD&TĐ - Ngành nghề tuyển dụng bị thu hẹp, những tiêu chí thu hút nguồn lao động ngày càng khắt khe...

Những lao động tuổi trung niên đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công việc mới. Ảnh minh họa: ITN
Những lao động tuổi trung niên đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công việc mới. Ảnh minh họa: ITN

Điều này khiến người lao động ở độ tuổi trung niên gần như ít có cơ hội tìm kiếm việc làm ở các công ty, xí nghiệp.

Trở ngại tuổi tác

Anh Trần Hồng Quân, 42 tuổi (Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết, vào cuối năm 2023 anh đã phải nghỉ việc sau hơn 5 năm gắn bó với một xí nghiệp. Theo anh Quân, đã gắn bó với xí nghiệp trong một thời gian dài vì có thu nhập ổn định, mỗi tháng hơn 8 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.

“Công ty ít đơn hàng, công nhân như tôi chỉ làm mỗi ngày 7 tiếng, không được làm thêm. Dù lường trước việc xí nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự, tôi đã xin nghỉ việc và tìm kiếm cơ hội mới. Tuy nhiên mãi đến giờ vẫn chưa có công ty khác nhận việc”, anh Quân chia sẻ.

Trường hợp tương tự, anh Nguyễn Hoàng Tùng, 41 tuổi (Ba Vì, Hà Nội) vẫn đang chờ đợi cơ hội được một xí nghiệp giày da tuyển dụng trên địa bàn. Anh Tùng cho biết, hàng năm, công ty hay có những đợt tuyển dụng lớn cho những lao động có độ tuổi từ 35 – 45. Thế nhưng, từ giữa năm nay, công ty ít việc và không nhận những người có độ tuổi trên 40 vì họ cho rằng, lao động lớn tuổi làm việc sẽ không được năng suất như những người trẻ.

Một lần khác, khi đang lướt mạng xã hội, anh Tùng thấy một công ty may tuyển thợ từ 18 đến 50 tuổi. Trên thông báo tuyển dụng ghi có đào tạo người chưa biết nghề nhưng khi anh nhắn tin thì nhận được câu trả lời chỉ đào tạo những người dưới 35 tuổi. Vì bản thân chưa có kinh nghiệm, cộng với việc đã quá tuổi nên anh Tùng lại bị từ chối.

Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, 70% các vị trí công việc yêu cầu người lao động phải có kỹ năng công nghệ thông tin/tin học văn phòng. Đây là thách thức đối với lao động trung niên trong việc chuyển đổi kỹ năng làm việc.

Bên cạnh đó, lao động trung niên cũng gặp phải sự cạnh tranh với lao động trẻ. Lao động trẻ thường được ưu tiên tuyển dụng vì họ được đào tạo mới, có năng lực sử dụng công nghệ và có thể sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn.

Điều này tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt cho lao động trung niên. Nhà tuyển dụng có thể có định kiến rằng lao động trung niên có năng suất làm việc kém hơn, hoặc khó thích nghi với những thay đổi và công nghệ mới.

Những định kiến này dẫn đến việc họ ít có cơ hội được phỏng vấn và tuyển dụng. Có trên 60% lao động trung niên không được đào tạo bằng cấp kỹ thuật, trong khi con số này ở nhóm lao động trẻ chỉ là 45%.

Nguyên nhân nữa là do thiếu kỹ năng và đào tạo liên tục. Lao động trung niên có thể thiếu các kỹ năng cần thiết do không có cơ hội, hoặc khả năng tiếp cận với các chương trình đào tạo liên tục và cập nhật. Việc này khiến họ khó cạnh tranh với lao động trẻ hơn trong các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng mới.

Trong một thị trường lao động thay đổi nhanh chóng, khả năng học tập suốt đời và nâng cao kỹ năng là rất quan trọng. Lao động trung niên có thể gặp khó khăn trong việc tham gia các chương trình đào tạo và học tập suốt đời do các trách nhiệm gia đình hoặc tài chính.

lao dong trung nien kho khan tim viec3.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các chính sách cần tập trung vào việc đào tạo lại, tạo điều kiện cho lao động trung niên tham gia vào các ngành nghề mới và hỗ trợ tài chính trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp. Ngoài ra, lao động trung niên cũng cần thích ứng với xu hướng làm việc mới. Một số lao động trung niên có thể chọn con đường làm việc tự do (freelance), hoặc khởi nghiệp như một cách đề duy trì thu nhập và phát triển sự nghiệp.

Những lĩnh vực như tư vấn, đào tạo và dịch vụ chuyên môn có thể phù hợp với kinh nghiệm và kỹ năng của họ. Một số lao động trung niên có thể tìm kiếm các công việc bán thời gian, hoặc công việc tạm thời để duy trì thu nhập và có thêm thời gian để học hỏi, phát triển kỹ năng mới.

Đối với doanh nghiệp, có thể thiết lập các chương trình đào tạo nội bộ để nâng cao kỹ năng cho lao động trung niên, giúp họ cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới cần thiết cho công việc.

Thời gian qua, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn, khiến hàng triệu lao động bị ảnh hưởng, gồm: Mất việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động. Đặc biệt là nhóm lao động lớn tuổi (35 đến trên 40 tuổi), tay nghề thấp, tìm việc làm mới vô cùng chật vật, khó khăn. Theo ghi nhận của nhiều trung tâm dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động ở các lĩnh vực như da giày - may mặc, kinh doanh - quản lý, công nghệ thông tin, kỹ thuật - cơ khí... Mặc dù có chỉ tiêu, nhưng đa số các doanh nghiệp chỉ tuyển lao động từ 18 - 35 tuổi, có tay nghề để đa dạng vị trí việc làm.

Rất ít doanh nghiệp tuyển dụng công nhân trên 40 tuổi, nhất là ở các lĩnh vực cần cường độ làm việc cao và tốn nhiều sức như may mặc, cơ khí, chế biến gỗ... Thông thường, với nhóm lao động độ tuổi cao, doanh nghiệp thường đòi hỏi trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc để đảm nhiệm các vị trí như quản lý, trưởng phòng, phó phòng...

Ông Lê Anh Tú - chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng nhìn nhận, mặc dù hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp rất lớn, song, với phân khúc trung niên - 35 tuổi trở ra, quá trình tìm kiếm cơ hội việc làm tương đối khó khăn. Bởi, trong bối cảnh thị trường hiện tại, doanh nghiệp đòi hỏi trình độ, kỹ năng... trong khi khả năng tiếp cận của nhóm lao động lớn tuổi còn nhiều hạn chế.

“Phân khúc lao động trung niên có trình độ, việc tiếp cận công việc mới đơn giản. Ngược lại, phân khúc lao động có trình độ thấp hơn, việc tiếp cận công nghệ mới, giải pháp mới, tính chất hoạt động mới lại khó khăn. Để có cơ hội tái hòa nhập thị trường lao động, người lao động lớn tuổi cần chủ động nâng cao tay nghề, cập nhật những kiến thức mới về công việc và quan tâm tìm hiểu, nắm bắt xu hướng của thị trường lao động”, ông Tú nói.

Theo ông Lê Anh Tú, phía doanh nghiệp cần phải có hoạt động đào tạo lại, nâng cao trình độ cho nhóm lao động này để họ nhanh chóng tìm kiếm việc làm, tiếp cận thị trường lao động dễ dàng nhất, phù hợp với bối cảnh thị trường lao động hiện tại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ