Cô hiệu trưởng hết lòng vì học sinh dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Trước những nỗ lực vươn lên trong học tập của học sinh, cô Đậu Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn thường xuyên động viên, tổ chức các buổi tham quan để khích lệ, động viên tinh thần học trò.

Cô Đậu Thị Lan cùng các em học sinh Trường Tiểu học Đặng Trần Côn.
Cô Đậu Thị Lan cùng các em học sinh Trường Tiểu học Đặng Trần Côn.

Động viên, khích lệ học trò

Hơn 6 năm gắn bó với Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (TP Kon Tum, Kon Tum) cô Đậu Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường thấu hiểu phần nào những khó khăn, vất vả của học sinh nơi đây. Mặc dù thuộc địa phận TP Kon Tum nhưng tất cả học sinh của trường đều là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đời sống của các em vô cùng khó khăn, khi kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào vài sào rẫy. Bên cạnh đó, việc tiếp thu kiến thức của các em còn hạn chế hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Không những vậy, trước đây nhiều bậc phụ huynh không chú trọng đến việc học của con em mình khiến nhiều em “ngại” đến trường. Do đó, thầy cô phải thường xuyên vào tận thôn, làng để vận động phụ huynh cho con em mình ra lớp.

Để phụ huynh và học sinh thấy được lợi ích của việc học, Trường Tiểu học Đặng Trần Côn còn tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khoá, đóng tiểu phẩm rồi mời phụ huynh đến tham dự. Qua những buổi giao lưu ngoại khoá, phụ huynh dần có sự thay đổi và nhận thức được tầm quan trọng của việc học.

Học sinh của trường mặc trang phục truyền thống tham gia múa xoang.
Học sinh của trường mặc trang phục truyền thống tham gia múa xoang.

Mong muốn giúp học sinh nắm chắc kiến thức trên lớp và phát triển toàn diện về phẩm chất và đạo đức, từ khi gắn bó với trường cô Lan bắt tay vào việc sửa sang lại khuôn viên, cơ sở vật chất. Bởi theo cô đây là yếu tố rất quan trọng để học sinh thích đến trường học con chữ. Bên cạnh đó, cô Lan cũng kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ bàn ghế, xây dựng nhà vệ sinh, giếng nước… nhằm đảm bảo công tác dạy và học.

“Nhà trường thường xuyên kết nối, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quyên góp, hỗ trợ để cải tạo sân bóng, vườn hoa…. nhằm thu hút học sinh đến trường. Bên cạnh đó, tổ chức cho các em tham gia những hoạt động tập thể, như trồng rau sạch, tham gia trò chơi… để giúp học sinh tự tin, cởi mở hơn. Đặc biệt vào những dịp Tết, Trung thu… nhà trường cũng tổ chức các hoạt động ngoại khoá để học sinh biết đến ý nghĩa của mỗi ngày Lễ và tham gia trò chơi dân gian. Từ đó, giúp các em thích thú hơn khi đến trường”, cô Lan chia sẻ.

Để khích lệ tinh thần học tập của học sinh, hàng năm nhà trường tổ chức cho những em đạt thành tích cao đi tham quan bảo tàng, khu di tích lịch sử. Đây không chỉ là phần thưởng để động viên sự cố gắng, nỗ lực của học sinh mà còn giúp các em có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hoá truyền thống của dân tộc.

Áo mới cho ngôi trường

Cô Đậu Thị Lan (bên phải) cùng các em học sinh mặc trang phục truyền thống.
Cô Đậu Thị Lan (bên phải) cùng các em học sinh mặc trang phục truyền thống.

Nhằm rút ngắn khoảng cách giữa thầy trò, cô Lan và giáo viên trong trường cũng chủ động tìm hiểu phong tục, tập quán và học tiếng bản địa để dễ dàng giao tiếp, nắm bắt tâm tư, tình cảm học sinh.

“Bên cạnh việc học trên lớp, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá, trò chơi dân gian để giúp học sinh tăng cường được kĩ năng Tiếng Việt. Đây có lẽ là con đường tốt và ngắn nhất để các em có thể học Tiếng Việt nhanh chóng và hiệu quả. Qua đó, giúp học sinh phản xạ nhanh và hình thành kĩ năng giải quyết vấn đề”, cô Lan nói.

Cũng theo cô Lan, mặc dù là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng nhiều em chưa được tiếp cận hoặc hiểu rõ truyền thống văn hoá của dân tộc mình. Do đó, nhà trường khuyến khích mỗi em học sinh có một bộ quần áo truyền thống. Những em nào khó khăn, nhà trường kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân nhằm giúp các em lưu giữ nét văn hoá của dân tộc.

Bên cạnh đó, cô Lan cũng sưu tầm các loại nhạc cụ dân tộc, hiện vật về văn hoá truyền thống. Đồng thời, cô Lan cũng nhờ các nghệ nhân về giảng dạy cho học sinh về đàn, múa xoang để các em hiểu rõ và yêu quý hơn những nét văn hoá truyền thống. Ngoài ra, trong khuôn viên trường còn có mô hình về quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa để học sinh có thể tìm hiểu về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Nói về vị hiệu trưởng cô giáo Phạm Thị Huyền, giáo viên lớp 1 cho hay, trong thời gian cô Đậu Thị Lan gắn bó với trường cô thấy sự thay đổi rõ rệt không chỉ về khuôn viên, cơ sở vật chất mà còn là sự tự giác, chủ động hơn trong học tập của học sinh.

Theo cô Huyền, cô Đậu Thị Lan rất tâm huyết với nghề và yêu quý, quan tâm đến học sinh cũng như giáo viên trong trường. Bên cạnh đó, cô Lan thường xuyên kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ cho học sinh khó khăn. Qua đó, tiếp sức để giúp trò nghèo vững bước hơn khi đến trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ