Cô giáo 20 năm hết lòng vì học trò vùng khó

GD&TĐ - Suốt 20 năm gắn bó với nghề, niềm vui của cô Vân là thấy học trò đến lớp đầy đủ. Để giữ chân trò tới lớp mỗi ngày, cô Vân quan tâm, chăm sóc học trò như con của mình.

Suốt 20 năm đứng trên bục giảng, niềm hạnh phúc của cô Vân là học trò đến lớp đầy đủ.
Suốt 20 năm đứng trên bục giảng, niềm hạnh phúc của cô Vân là học trò đến lớp đầy đủ.

Năm 2000, sau khi tốt nghiệp trường Trung học Sư phạm Quảng Nam cô Hồ Thị Thuỳ Vân – Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) về giảng dạy tại Kon Tum. Sau khi chuyển trường 2 lần, đầu năm 2020 cô Vân về gắn bó tại trường Tiểu học xã Đăk Hà.

Cô Vân chia sẻ, những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng là quãng thời gian cô không thể nào quên. Khi đó, quãng đường dẫn vào trường chỉ là con đường đất đỏ, ngày nắng bụi bay mù mịt, mưa xuống thì trở nên lầy lội, trơn trượt. Những ngày mưa để vào được trường giảng dạy cho học trò cô phải vật lộn hơn 3 tiếng đồng hồ đi bộ. Không những vậy, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn thiếu thốn, điện cũng chưa đến được trường.

Cô Vân chăm sóc, quan tâm học trò như con của mình.
Cô Vân chăm sóc, quan tâm học trò như con của mình.

“Trước khi vào trường giảng dạy, tôi không nghĩ phải trải qua nhiều khó khăn đến vậy. Nhà xa, một năm tôi chỉ về nhà 2 lần nên nhiều lúc cảm thấy vô cùng tủi thân. Thời gian còn lại tôi ở lại trường giảng dạy và tâm sự với học trò. Nhiều đêm nhớ nhà tôi khóc một mình trong đêm, nhưng chưa bao giờ có suy nghĩ từ bỏ nghề nhà giáo. Nhà tôi có 6 anh chị em, nhưng chỉ mình tôi có công việc ổn định. Do đó, tôi muốn cố gắng tiếp tục thực hiện ước mơ từ nhỏ của mình là trở thành một người giáo viên”, cô Vân tâm sự.

Thương học trò vùng sâu vùng xa, khi thấy trò “quên” đến lớp cô Vân liền tức tốc đến nhà vận động phụ huynh và đưa các em trở lại trường. Để giữ chân trò, cô Vân thường xuyên mua nhu yếu phẩm tặng cho gia đình và tâm sự, chia sẻ với các em.

“Các em học sinh đều có hoàn cảnh khó khăn, gia đình lại đông anh chị em. Nhiều em “quên” đến lớp do bận phụ bố mẹ làm nương rẫy. Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con mình. Khi thấy học sinh không đến lớp, tôi cùng một số giáo viên đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh gia đình. Khi biết được gia đình các em khó khăn, thiếu thốn gì thì chúng tôi hỗ trợ. Có lúc thì mua dầu ăn, nước mắm, áo ấm… khi thì lắp cho họ cái bóng đèn. Hiểu được tấm lòng của giáo viên nên phụ huynh dần dần ủng hộ, cho con mình đến lớp.”, cô Vân chia sẻ.

Cô Vân cùng một số giáo viên đi vận động, đưa học sinh đến lớp.
Cô Vân cùng một số giáo viên đi vận động, đưa học sinh đến lớp.

Cô Vân cho hay, để giữ chân học trò, cô thường xuyên tâm sự để hiểu rõ suy nghĩ, tâm tư tình cảm của các em. Qua đó, cô biết nhiều em đến lớp với chiếc bụng đói, trời lạnh học sinh chỉ mặc chiếc áo mỏng đến trường. Hiểu trò, cô Vân bắt đầu kêu gọi gia đình, người quen và các mạnh thường quân hỗ trợ áo ấm cho các em. Những hôm trời nắng cô pha nước chanh, mua bánh kẹo… để cho các em có sức học.

Theo cô Vân, ban đầu những lớp học thưa thớt học trò, qua thời gian kiên trì vận động đã trở nên đông đúc và duy trì đủ sỉ số. Khi thấy học trò không còn vắng học bản thân cô Vân thấy rất vui và hạnh phúc. Bởi qua thời gian dài kiên trì, nổ lực giữ chân trò ở lớp của cô đã đạt được thành quả.

“Niềm vui nhất của tôi trong suốt 20 năm gắn bó với nghề giáo là được thấy học sinh đến lớp đầy đủ và tiến bộ trong học tập. Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng tôi luôn nhìn vào học trò để tạo niềm vui cho bản thân. Được nhìn gương mặt ngây thơ, cảm nhận được tình cảm của học trò giành cho mình là điều hạnh phúc nhất đối với tôi.”, cô Vân nói.

Giữ chân trò trong một vài ngày thì dễ, nhưng để các em say mê với trường lớp là điều vô cùng khó khăn. Do đó, cô Vân cùng các giáo viên trong trường Tiểu học xã Đăk Hà đã góp tiền để nấu cơm trưa nuôi 82 học sinh ở cụm Ty Tu (xã Đăk Hà) để các em không “quên” ra lớp. Tuy nhiên, hoàn cảnh của các giáo viên nơi đây cũng không khá giả gì nên việc duy trì bữa cơm trưa vô cùng khó khăn.

“Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp đến tôi không mong ước gì cho riêng mình. Tôi chỉ hy vọng có thể duy trì được tỷ lệ chuyên cần của các em học sinh. Bên cạnh đó, cũng mong muốn các nhà hảo tâm, mạnh thường quân quan tâm giúp đỡ để trường có thêm kinh phí nấu cơm trưa, giữ chân trò đến lớp.”, cô Vân tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.