Nhiệt huyết, yêu nghề
Cô Phàng Thị Thủy là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lến ở Lai Châu, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm cô về công tác tại Đồng Hỷ (Thái Nguyên) và được phân công dạy tại hai điểm trường Trung Sơn và Lân Đăm từ năm học 2015 – 2016. Đây là địa phương có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đồng thời là hai điểm nóng về tuyên truyền đạo trái pháp luật.
Trong quá trình dạy học, cô Thủy có nhiều cải tiến phương pháp giúp học sinh hiểu bài hơn, mạnh dạn hơn, từ đó thêm yêu trường, lớp và không bỏ học. Vừa qua cô đã có sáng kiến kinh nghiệm dạy học: “Một số đổi mới rèn chữ đẹp cho học sinh lớp 2A trường Tiểu học Quang Sơn” áp dụng hiệu quả, học sinh viết chữ sạch, đẹp hơn rất nhiều, được Nhà trường và Phòng giáo dục huyện Đồng Hỷ đánh giá cao.
Cô Phàng Thị Thủy tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). |
Ngoài ra cô còn tích cực tham gia công tác Đoàn, Hội tại địa phương: Tham gia tình nguyện tặng quà Tết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo tại hai điểm trường Trung Sơn và Lân Đăm; Tham gia tình nguyện ủng hộ phong trào “ Hũ gạo tình thương, tiếp sức đến trường” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường; Tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do đoàn xã tổ chức trong các ngày Lễ, Tế; Tham gia tình nguyện trồng cây do đoàn xã phát động đầu năm.
Bằng những cố gắng và nỗ lực của mình trong công tác dạy học và các hoạt động Đoàn, Hội tại địa phương, năm học 2018 – 2019 cô Thủy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đạt giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp huyện; được Huyện Đoàn Đồng Hỷ tặng giấy khen chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2019; Được trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí minh tuyên dương, khen thưởng là "Giáo viên trẻ tiêu biểu" năm 2019.
Từng là học sinh dân tộc nghèo
Nói về công việc dạy học của mình, cô Thủy chia sẻ: “Dạy học ở một nơi có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thôn nên tôi gặp không ít khó khăn. Từ khi nhận công tác đến nay, tôi luôn dạy các em ở điểm trường lẻ còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; học sinh thường nghỉ học nhiều… Để học sinh đến trường, tôi cũng như các bạn đồng nghiệp thường đến nhà các em vận động. Song không phải cứ đến nhà vận động là các em đi học ngay mà mất rất nhiều thời gian.
Cô Phàng Thị Thủy cùng đoàn "Giáo viên trẻ tiêu biểu" vào lăng viếng Bác. |
Nhiều khi đi vận động học sinh đến lớp còn phải vận động cả bố mẹ các em. Cũng có khi đến nhà lại không gặp ai vì cả nhà đều đi làm nương, rẫy. Đến buổi tối thì đường đi xa xôi, gập gềnh, đèn đường không có, rất nguy hiểm. Nhưng không vì thế làm chúng tôi nản mà càng gắn bó với nghề hơn, thương các em nhiều hơn”.
Là giáo viên trẻ, nhiệt huyết, yêu nghề, thương học trò, cô Thủy không ngại khó khăn, thiếu thốn, một lòng đem con chữ đến với con em bản Mông nơi cô sinh sống.