Vượt khó, đem kiến thức đến học sinh vùng quê
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm tiếng Anh, cô Huỳnh Kim Hương về giảng dạy tại Trường tiểu học Nhơn Nghĩa 1, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ).
Hoàn cảnh gia đình cô cũng khá khó khăn. Chồng cô là quân nhân nên có khi cả tháng mới về nhà một lần, mọi việc gia đình và con cái cô đều phải chăm lo. Hằng ngày, cô Hường phải thức rất sớm vượt hàng chục km để đến được trường.
Cô Hương tâm sự: "Khoảng thời gian khó khăn nhất với cô là khi hai con còn nhỏ, đặc biệt là sau khi hết kỳ nghỉ hậu sản, có lúc cô cũng muốn rẽ hướng... Nhưng vì sự nghiệp giáo dục, vì các em học sinh vùng quê này nên đã cố gắng vượt qua".
Nhà xa nên cô Hương phải tranh thủ đến trường từ rất sớm, những công việc gia đình và con cái cô tranh thủ buổi tối để chuẩn bị. Bận rộn vậy nhưng cô vẫn thu xếp đi học nâng cao lên đại học hay học thêm lớp các bồi dưỡng chuyên môn, chứng chỉ...
"Sáng sớm phải tới trường, dạy xong 17 giờ hơn là phải chạy tới trường học, kết thúc buổi học tối khuya mới về. Đồ ăn thức uống cho các con phải tranh thủ những khoảng thời gian trống để chuẩn bị", cô Hương chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhơn Nghĩa 1, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) chia sẻ: Cô Hương có tính vượt khó, không những giỏi việc trường mà còn đảm việc nhà… Mặc dù gia đình có điều kiện khó khăn, nhà xa nhưng cô luôn tranh thủ thời gian, đi đúng giờ. Những học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức, cô luôn dành thời gian trống hay cuối tuần bồi dưỡng giúp các em nắm bắt được kiến thức trọng tâm .
Nỗ lực đổi mới giảng dạy, bù đắp cho học sinh
Hơn 15 năm gắn bó với học sinh vùng quê, cô Hương luôn tìm tòi nhiều biện pháp học tập mới giúp các em hứng thú hơn trong giờ học tiếng Anh.
Cô thường chọn phương pháp đơn giản nhất, dễ hiểu nhất vì học sinh tiểu học có khả năng năm bắt và hiểu bài rất nhanh. Lợi dụng 15 phút đầu tiên truyền đạt kiến thức cho học sinh nắm bài trước, sau đó mới cho các em làm bài, viết bài, vui chơi… từ đó lớp học sẽ đạt hiệu quả hơn.
Riêng những em chậm hiểu, cô chọn phương pháp động viên, khuyến khích trao đổi, nói chuyện ngọt ngào để các em giao tiếp và thực hành nhiều hơn. Cô Hương chia sẻ: So với học sinh ở nơi có điều kiện, học sinh vùng quê thiệt thòi rất nhiều nên ngoài giờ dạy trên lớp, cô tranh thủ các khoảng thời gian trống để bồi dưỡng kiến thức cho các em.
Thành quả đạt được của cô trong công tác bồi dưỡng học sinh tài năng tiếng Anh khá ấn tượng. Cấp huyện có 2 giải nhất; 1 giải ba; 1 giải khuyến khích; 3 giải công nhận. Trong đó có 3 em đạt công nhận tại hội giao lưu tài năng tiếng Anh cấp thành phố.
Cô Nguyễn Thị Như Ý, giáo viên Tiếng Anh cùng trường cho biết, cô Hương không những là tổ trưởng chuyên môn của tổ Tiếng Anh trong đơn vị, mà còn được cả tổ Tiếng Anh trong huyện tín nhiệm bầu làm tổ trưởng chuyên môn liên trường.
"Cô là người rất nhiệt tình trong công tác, thường giúp đỡ các đồng nghiệp trong lĩnh vực chuyên môn. Trong những buổi dự giờ hoặc thao giảng cô thường chia sẻ những kinh nghiệm quý báu t. Ở đơn vị trường cô chấp hành nghiêm nội quy cơ quan và đảm bảo tốt giờ dạy của mình. Cô sống giản dị và hoà đồng với mọi người", cô Như Ý cho biết.