Tình thương níu giữ học trò

GD&TĐ - Gần 15 năm gắn bó với giáo dục vùng cao Mường Tè (Lai Châu), cô giáo Bùi Thị Minh Khuyên thường xuyên đối diện với tình trạng học sinh bỏ, trốn học.

Cô Bùi Thị Minh Khuyên luôn tận tâm với học trò. Ảnh: NVCC
Cô Bùi Thị Minh Khuyên luôn tận tâm với học trò. Ảnh: NVCC

Bằng trách nhiệm, tình thương học trò, cô đã thành công với việc đưa học sinh trở lại trường. Nhiều em đã đặt cho cô biệt danh “khắc tinh của học sinh trốn học”. 

Không để học trò “thất học”

Đối với đội ngũ giáo viên công tác vùng cao, tình trạng học sinh bỏ, trốn học không xa lạ. Thế nhưng làm sao để kéo các em trở lại trường lại không dễ bởi đây là công việc đầy khó khăn, thách thức.

Cô Bùi Thị Minh Khuyên, Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè) mãi không quên những lần đi “nhớ đời” để vận động học trò trở lại trường lớp.

Vàng Mì Cà, nhà ở bản Pha Bu (xã Pa Ủ) sau 2 ngày nghỉ cuối tuần không trở lại trường. Liên hệ với bố mẹ không được, cô Khuyên xuống tận nhà tìm học trò. Trên đường cô gặp học trò đang vác củi. Nhưng thay vì dừng lại chào cô, trình bày lý do nghỉ học thì Vàng Mì Cà vứt ngay bó củi và chạy vào rừng.

Đoán học sinh sẽ về nhà, cô cất xe ở góc khuất và lên nhà ngồi đợi. Vài tiếng sau Vàng Mì Cà mới về. Cô lại thuyết phục, vận động cả cha mẹ và học sinh cho cô chở về trường học tập. Hôm ấy, cô trò đều mệt và đói lả. Cô nấu bát mì cho Cà ăn rồi đưa về phòng. Sau lần ấy, Vàng Mì Cà gần gũi hơn với cô và không còn trốn học.

Thàng Phi Bớ là người La Hủ ở bản Thăm Pa (xã Pa Ủ) suýt nghỉ học từ năm lớp 2 bởi gia đình lên tận trường xin cho về với lý do “con ốm”.

Là người tiếp xúc, nắm bắt tình hình hàng ngày, cô Khuyên nhận ra đây chỉ là lý do để cho học sinh nghỉ học về làm nương rẫy. Cô Khuyên đành kiên trì thuyết phục: “Nếu con mệt, ốm cô giáo sẽ cho thuốc uống chứ không đưa về nhà khi điều kiện chăm sóc không thể bằng ở trường. Hơn nữa việc học tập bị ảnh hưởng, con sẽ không bằng bạn bè…”. Thấy sự kiên quyết của cô giáo, gia đình đành để con ở lại trường.

Lần khác Thàng Phi Bớ bỗng dưng bỏ học. Cô Khuyên đi xe tới nhà nắm tình hình thì em đã lên nương lao động. Cô lại đi đến nhà để vận động. Nói “hết nước” mà không nhận được sự đồng ý của gia đình và học trò, cô đánh bài “cùn” nói thẳng với gia đình: “Hôm nay cô giáo đã đến tận nơi thì kiểu gì cũng sẽ đón học sinh trở về trường học tập. Và cô sẽ ngồi tại nương cùng gia đình cho tới khi đồng ý cho Bớ trở lại trường mới đi về”. Gia đình đành miễn cưỡng đồng ý để cô đón học sinh về trường.

Tối hôm ấy, trở lại trường Thàng Phi Bớ đã xin lỗi cô và nói: “Cô ơi từ nay em sẽ không bỏ học đi nương nữa, sẽ đi học đều để cô không phải lên tận nương đón em mệt lắm…”. Nghe những lời nói từ cô học trò nhỏ, cô Khuyên mừng lắm, mọi vất vả như biến mất.

Hành trình vận động học sinh trốn, bỏ học trở lại trường lớp của cô Khuyên trải qua nhiều tình huống khác nhau nhưng học sinh tấn công giáo viên khi vận động thì có lẽ hiếm. Nhưng điều đó không làm cô chùn bước.

Giàng Mò Hừ nhà ở bản Hà Xi (xã Pa Ủ) bỏ học không lý do. Cũng như bao lần khác, cô Khuyên tới nhà nhẹ nhàng khuyên bảo, thuyết phục. Nhẹ nhàng, kiên nhẫn không xong, cô Khuyên định tới gần bế đặt Hừ lên xe trở về trường thì học sinh này cắn tay, giãy giụa thoát khỏi cô. Bất ngờ hơn, Hừ còn nhặt đá ném tới tấp vào người cô và lấy gậy vụt.

Hôm ấy cô Khuyên đành trở về trường mà không có học sinh. Nhưng không “đầu hàng” việc khó, cô tiếp tục trở lại và bằng nhiều cách khác nhau, Giàng Mò Hừ cũng chịu “khuất phục”, tự động lên xe để cô đèo về trường. Đến giờ, Giàng Mò Hừ học lớp 3. Em đã ngoan ngoãn, không bỏ học sau lần chống đối quyết liệt ấy.

Cô Bùi Thị Minh Khuyên vận động Thàng Phi Bớ trở lại trường. Ảnh: NVCC
Cô Bùi Thị Minh Khuyên vận động Thàng Phi Bớ trở lại trường. Ảnh: NVCC

Vận động phải có “chiêu”

Khi được hỏi có thấy nản khi việc vận động học sinh bỏ học trở lại trường lớp khá vất vả, mất thời gian và thậm chí có lúc rơi vào nguy hiểm, cô Khuyên bày tỏ: “Đôi khi tôi cũng buồn. Những lúc các em, phụ huynh phản ứng thái quá… thấy tủi thân và chảy nước mắt. Nhưng càng khó khăn, tôi càng rút ra cho mình kinh nghiệm, phương pháp để giáo dục học sinh dân tộc…”.

Để việc vận động hiệu quả, mỗi trường hợp, giáo viên phải có cách ứng xử khác nhau. Đôi khi phải lì ra với cả phụ huynh và học sinh, chấp nhận nghe mắng, từ chối… Để rồi thấy cô giáo nhiệt tình, vất vả và nói đúng, phụ huynh, học sinh lại xuôi lòng và nghe theo.

Với trường hợp gia đình và học sinh “đồng lòng” bỏ học, thuyết phục không được, giáo viên phải biết kết hợp cùng chính quyền, thôn bản để tạo áp lực buộc gia đình phải chấp hành quy định chung của thôn bản.

Và một trong những “chiêu” không thể thiếu để học sinh thích đến trường, không bỏ học là giáo viên tạo sự gần gũi; cùng cười, cùng chơi với các em để hòa đồng và hiểu học trò. Thậm chí, cô Khuyên còn thường xuyên kêu gọi hỗ trợ để mua từng cái bánh, chiếc kẹo, quyển vở, đồ dùng học tập làm phần thưởng cho học sinh, tổ chức liên hoan hàng tuần, tạo gắn kết để các em thêm yêu trường lớp, bạn bè, thầy cô.

“Học sinh dân tộc hay sợ, ngại học. Ở nhà lao động, chơi tự do đã quen. Nhiều khi cô giáo đến nhà gọi đi học không chỉ phụ huynh mà học sinh đều ghét. Nhưng khi “hóa giải” được những khó khăn thì các em sẽ tới lớp đều đặn. Thậm chí có học sinh từng nói chỉ học nếu cô Khuyên dạy em…” - cô Khuyên kể.

Cô Bùi Thị Minh Khuyên luôn nhiệt tình, tâm huyết công việc và hết lòng với học trò. Mọi hoạt động như kêu gọi thiện nguyện, xã hội hóa trang thiết bị dạy học, huy động nguồn lực hỗ trợ học sinh chữa bệnh của cô Khuyên không chỉ đóng góp cho hoạt động giáo dục mà các em có hoàn cảnh khó khăn cũng được thụ hưởng. Đặc biệt, cô Khuyên cũng là một trong những giáo viên làm tốt công tác vận động học sinh không bỏ, trốn học góp phần ổn định sĩ số, chất lượng dạy học hàng năm. - Thầy Hà Ánh Hùng (Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.