Cô giáo vùng cao và hành trình "gieo mầm trên đá”

GD&TĐ - Hơn 30 năm gắn bó với giáo dục, bà Đặng Thị Kim Hoa, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang luôn giữ vững ngọn lửa nghề để truyền lại cho các thế hệ giáo viên trẻ và học sinh thân yêu.

Cô Đặng Thị Kim Hoa (áo dài đỏ, đứng chính giữa) bên các đồng nghiệp (Ảnh: NVCC)
Cô Đặng Thị Kim Hoa (áo dài đỏ, đứng chính giữa) bên các đồng nghiệp (Ảnh: NVCC)

Bằng mọi cách không để học trò bỏ học

Kể về cơ duyên đến với nghề giáo, bà Đặng Thị Kim Hoa cho biết: Từ nhỏ, tôi đã có ước mơ làm cô giáo khi xuất thân từ gia đình có cậu và dì cũng là nhà giáo. Do vậy, khi lựa chọn nghề nghiệp, tôi chỉ đăng ký vào Đại học Sư phạm và Cao Đẳng Sư phạm mặc dù được bố mẹ định hướng cho đi lao động nước ngoài.

Dạy học ở vùng khó, có lẽ điều khó khăn nhất trong những khó khăn đó là vận động học sinh đến trường và duy trì sĩ số chuyên cần. Với cô Hoa và các đồng nghiệp nơi cô cô công tác những ngày tháng thanh xuân cũng không ngoại lệ.

Cô Đặng Thị Kim Hoa.
Cô Đặng Thị Kim Hoa.

Cô Kim Hoa kể: Trong suốt hơn 30 năm công tác, tôi có rất nhiều kỷ niệm với nghề, với đồng nghiệp vá các học sinh thân yêu. Song có lẽ, kỷ niệm không thể nào quên của tôi là lần đi tìm và vận động học sinh trở lại lớp tiếp tục học tập sau một thời gian dài bỏ học.

Hồi đó, tôi tốt nghiệp ra trường và được phân công công tác tại một xã thuộc vùng khó khăn của huyện. Đó là trường PTCS cấp 1,2 Mậu Duệ, huyện Yên Minh.

Tôi được bố trí chủ nhiệm lớp 7 có 7 học sinh, trong đó có 6/7 em là người dân tộc Tày. Tuy nhiên, khi lên lớp chỉ thấy có 5 em đi học. Tìm hiểu, tôi được biết có 2 em nữ đã nghỉ học được gần 1 tháng. Tôi tìm đến nhà các em đó để khuyên nhủ nhưng khi nhìn thấy tôi, các em đều trốn không gặp. Sau nhiều lần tôi đến nhà vận động phụ huynh, vẫn chưa thấy em nào đến lớp.

Không bỏ cuộc, tôi tiếp tục cùng 1 học sinh trong thôn biết tiếng giúp dịch thêm vì phụ huynh chỉ nói bằng tiếng dân tộc. Lần đó, biết tôi đến, học sinh cũng lại trốn ra vườn rau, nhưng được mẹ gọi về thì em ấy về. Tôi hỏi thì em đó có trả lời là rất sợ đến lớp vì nếu không thuộc bài sẽ bị viết cam đoan. Sau thời gian kiên trì thuyết phục, em học sinh đó nhận lời trở lại lớp học và chính em là người tuyên truyền, động viên bạn còn lại đi học.

Đến nay, sau 30 năm, lứa học sinh đó đều trưởng thành và có nghề nghiệp ổn định. Đặc biệt, 2 em học sinh từng bỏ học hồi đó có một người là cô giáo dạy cấp 3 và một người là bác sỹ công tác tại huyện Yên Minh.

“Đây là niềm hạnh phúc không thể tả hết bằng lời. Đó là món quà vô giá mà chỉ có những thầy giáo, cô giáo mới cơ duyên có được. Trong trường hợp của tôi, cả tương lai tươi sáng của học trò bắt nguồn từ sự kiên trì và lòng yêu thương vô bờ bến cũng như trách nhiệm của thầy cô khi không quản khó khăn vận động các em trau dồi con chữ”, - cô Kim Hoa bộc bạch.

Cô Đặng Thị Kim Hoa chủ trì một cuộc họp.
Cô Đặng Thị Kim Hoa chủ trì một cuộc họp.

Cống hiến hết mình để “làm cho đá nở hoa

Dù gặp muôn vàn gian khó trên bước đường gieo chữ, song theo cô Kim Hoa, có 3 điều quan trọng đã giữ chân cô gắn bó với giáo dục vùng khó, đó là: Được làm nghề đã lựa chọn và yêu thích; Được công tác tại địa bàn đã làm đơn tình nguyện và lên công tác ngay sau khi ra trường mặc dù chưa được tổ chức phân công; Con người nơi đây (nhân dân, học sinh, đồng nghiệp) luôn tạo được niềm tin và tình yêu thương khi cùng ăn, cùng ở, cùng làm với các thầy cô giáo.

Cô Kim Hoa tâm sự: Trong 31 năm làm công tác giảng dạy và quản lý, tôi đã đạt được một số thành tích, được các cấp ghi nhận và khen thường, nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp huyện, cấp tỉnh; Bằng khen của Chủ tịch tỉnh; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT;… Nhưng với tôi, phần thưởng đáng quý và ý nghĩa nhất là “sự trưởng thành của lớp lớp học sinh, sự tin yêu của đồng nghiệp và sự tin tưởng của phụ huynh học sinh”.

Sau nhiều năm, nơi cô Kim Hoa dạy học những ngày đầu ra trường nay đã có nhiều đổi khác song vẫn còn đó những khó khăn. Đồng nghiệp trẻ của cô vẫn trăn trở nhiều với bài toán sĩ số, chuyên cần của con em dân tộc thiểu số tại địa phương.

Cô Kim Hoa cho biết thêm: Điều mong ước lớn nhất của tôi đối với các đồng nghiệp đó là các thầy cô tiếp tục phát huy truyền thống của ngành, tận tâm, tận tụy với nghề, đồng thời chủ động, sáng tạo để đáp ứng được yêu cầu mới. Với học sinh, tôi mong các em tiếp tục vượt khó, chủ động trong lĩnh hội tri thức để phát triển được năng lực và phẩm chất bản thân, góp phần vào xây dựng quê hương giàu mạnh.

“Riêng với các đồng nghiệp trẻ, tôi muốn truyền tới họ ngọn lửa của lòng nhiệt huyết với thông điệp: Các thế hệ thầy cô đi trước đã "gieo mầm trên đá", còn các bạn "hãy làm cho đá nở hoa" – cô Kim Hoa nhắn nhủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...