Cô giáo viết báo để dạy học

GD&TĐ - Rất nhiều đề văn hay, những kinh nghiệm gan ruột trong dạy học của cô Khuất Thị Thanh Hương (giáo viên trường THCS Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được học sinh yêu văn cả nước đón nhận trên các tạp chí về học văn và báo của tuổi học trò. Có những đề văn “để đời”, cô lấy cảm hứng từ chính học trò của mình. 

Viết báo để dạy học - đó là cách cô Khuất Thị Thanh Hương lan tỏa tình yêu môn Văn đến học trò cả nước.
Viết báo để dạy học - đó là cách cô Khuất Thị Thanh Hương lan tỏa tình yêu môn Văn đến học trò cả nước.

Đó cũng là cách cô giáo dạy Ngữ văn của Hà Nội truyền cảm hứng, tình yêu môn Văn và thế giới học Văn đầy cảm hứng, nhiệt huyết và sáng tạo không ngừng nghỉ.

- Một giáo viên đều có một cách làm khác nhau để truyền cảm hứng, giúp học sinh yêu thích môn học. Cách làm của cô khá đặc biệt - đó là qua những cuốn tạp chí học tập. Nhờ đó mà sức lan tỏa lớn hơn nhiều. Cô đã tìm đến cách dạy học đặc biệt này như thế nào?

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhiều đời làm nghề thầy thuốc và thầy giáo, tôi tự hào vì mình đã chọn nghề dạy học là nghề truyền thống của gia đình.

Tôi không phải là người giỏi văn nhưng chắc chắn là người yêu văn. Ngay từ nhỏ tôi, đã được sống trong những miền cổ tích mà bố tôi kể cho tôi nghe. Lớn lên, chứng kiến công việc của bố - một người thầy tận tâm đêm đêm cần mẫn bên ngọn đèn và những trang giáo án - tôi đã ước mơ sau này trở thành giáo viên như bố tôi.

Bố tôi đọc rất nhiều sách và kể chuyện rất hay. Cho đến bây giờ, gần 80 tuổi, nhưng mỗi khi được mời nói chuyện với các em học sinh thì “ông hiệu trưởng về hưu ấy” vẫn cuốn hút các em học trò ở nhiều lứa tuổi và tôi thích học tập ở bố tôi điều này. Và niềm đam mê văn của bố đã ngấm vào trong tôi.

Học xong lớp 12 tôi quyết định thi vào trường CĐSP chuyên ngành Văn – tiếng Việt. Trong những năm là sinh viên tôi được các thầy cô giáo của tôi giới thiệu cuốn Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ. Sau này, tôi rất xúc động khi phát hiện ra người đặt nền móng đầu tiên cho Tạp chí là nhà văn Nguyên An lúc bấy giờ là thầy giáo Nguyễn Quốc Luân, thầy dạy của tôi.

Theo từng bước lớn lên của Tạp chí, tôi nhận thấy đây là một sân chơi trí tuệ rất bổ ích cho những ai yêu văn, bởi đây không chỉ là mảnh đất tốt tươi ươm mầm những tài năng văn học, mà đây còn là diễn đàn trao đổi cách dạy và học văn cho học sinh, giáo viên văn trong cả nước.

Đặc biệt, ở đây tôi bắt gặp những cái nhìn mới nhất, sâu sắc nhất về các tác phẩm được học trong nhà trường.

Và sau nhiều năm đọc Tạp chí, cũng như giới thiệu cho các học sinh lớp tôi dạy tham khảo, năm 2008 tôi quyết định thử sức: viết bài.

Với đề bài “Sành điệu” cùng hướng dẫn học sinh cách làm bài được đăng trên Tạp chí, tôi nhận được rất nhiều ánh mắt chúc mừng, thán phục của các em học sinh trong lớp tôi dạy.

Những cuộc điện thoại của các bậc phụ huynh cũ có con đã chuyển cấp học mới nhờ tôi ra thêm đề bài, hướng dẫn làm bài và còn nhờ tôi chấm bài cho con.

Đặc biệt sau khi đề bài được đăng 3 tháng thì bài làm của em Nguyễn Thu Hằng, học sinh trường THPT Nguyễn Đức Cảnh đăng trên Tạp chí khiến tôi rất vui mừng.

Đây là động lực thôi thúc tôi phát động các em trong lớp tôi dạy văn cùng tham gia thử sức với cô.

Năm tôi đạt giải nhì cuộc thi “Ra đề và viết bài văn Nghị luận xã hội”, cũng là năm học sinh 2 lớp tôi dạy đạt giải khuyến khích tập thể của cuộc thi này.

Sau đề bài đăng trên tạp chí qua chuyên mục “Giới thiệu bạn yêu văn”, tôi đã gặp gỡ các học sinh say mê văn, có thành tích cao môn học này để trao đổi với các em, qua đó giới thiệu đến học sinh nói chung kinh nghiệm học văn có kết quả tốt nhất.

Ở chuyên mục này, tôi nhận được hiệu ứng lan tỏa rất lớn, những cánh thư của các em học sinh ở nhiều nơi gửi tới nhờ cô kết nối với các bạn học giỏi văn để học tập kinh nghiệm.

Như vậy, Tạp chí đã thổi bùng ngọn lửa yêu văn trong lòng nhiều học sinh: các em muốn học văn giỏi, muốn noi gương các bạn học sinh giỏi văn.

Luôn cháy hết mình trên bục giảng
Luôn cháy hết mình trên bục giảng

- Làm sao để mỗi bài viết truyền cảm hứng đến nhiều học sinh nhất, để các em chú ý, đọc, học - cô có thể chia sẻ?

Trong quá trình giảng dạy tôi cũng tìm hiểu những tâm tư của các em học sinh khi học môn văn. Có em đã tâm sự với tôi: “Con sợ nhất soạn văn và ôn tập ở nhà”.

Hiểu được tâm lý này tôi đã viết bài: “Một cách soạn văn có hiệu quả” và thiết kế trò chơi ‘Giải ô chữ” về tên tác phẩm nhân vật, sự việc…. trong các tác phẩm được học trong nhà trường.

Sau khi bài được đăng, tôi nhận thấy các em rất thích cách “học mà chơi, chơi mà học”. Trò chơi giải ô chữ thu hút được 673 học sinh từ Đồng Tháp, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác tham gia luyện bút.

Các em đã nhận ra rằng, chuẩn bị bài ở nhà tự ôn tập ở nhà là cách tốt nhất để tiếp cận bài mới.

Đây cũng là một kinh nghiệm để tôi điều chỉnh lại bài giảng trên lớp bằng cách sau mỗi giờ dạy. Tôi chú ý củng cố bài dạy và hướng dẫn các em chuẩn bị bài ở nhà theo cách tổ chức các hoạt động ngoại khoá.

Qua tiếp xúc với các em, tôi cũng hiểu các em rất sợ học bài: Tập làm thơ và không chỉ các em mà ngay chính giáo viên cũng rất nản khi dạy kiểu bài này.

Sau khi rút kinh nghiệm từ các bài giảng tôi đã thiết kế lại giáo án Tập làm thơ 4 chữ ở lớp 6 được các bậc phụ huynh và giáo viên tham khảo nhiều.

Giáo án này cũng đã lọt vào vòng chung khảo của cuộc thi “Thiết kế bài dạy Ngữ văn THCS” do tạp chí Văn học và Tuổi trẻ tổ chức và được tuyển chọn đăng trong cuốn “Thiết kế bài dạy Ngữ văn THCS”.

Sau khi cuốn sách được xuất bản tôi đã nhận được trao đổi của nhiều đồng nghiệp về cách dạy dạng bài Tập làm thơ và thực tế “Bài thơ vần “inh” của học sinh lớp tôi được đăng trên Tạp chí đã cho các em tâm thế không sợ làm thơ.

Thế giới của trẻ là thế giới: ‘Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” nhưng thế giới ấy cũng đầy sáng tạo và nhạy cảm vô cùng.

Từ những giờ luyện nói văn kể chuyện trên lớp đã gợi cho tôi ý tưởng kể chuyện toàn “T” toàn “N”; và sau những giờ học căng thẳng đọc những bài kể chuyện vui ấy, các em cũng học tập chuẩn bị những bài luyện nói có dạng: kể chuyện bằng thơ, kể chuyện toàn thanh huyền….

Bài văn được điểm cao của các em học sinh lớp tôi đăng trên chuyên mục “Hương đầu mùa” và được tuyển chọn đăng trong cuốn “Tuyển tập đề bài và bài văn tự sự theo hướng mở” phản ánh một điều các em rất thích học hỏi từ sách báo.

Cô giáo Khuất Thị Thanh Hương và học trò
Cô giáo Khuất Thị Thanh Hương và học trò

- Đã có rất nhiều bài viết của cô được học sinh khắp mọi miền đất nước đón nhận; đâu là bài cô tâm đắc nhất trong số đó?

Trong các bài viết của tôi, tôi tâm đắc nhất là đề bài được giải Nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi ra đề bài và viết bài văn Nghị luận xã hội của tạp chí Văn học và Tuổi trẻ.

Đề bài ấy “thai nghén” trong tôi từ những hoàn cảnh éo le của các em học sinh. Đó là Thuỳ Linh với bài Tập làm văn: “Kể về điều em ước mơ”.

Thuỳ Linh đã viết như thế này: bố em mất sớm, mẹ em đi lao động xuất khẩu, hai chị em ở nhà với bà ngoại. Em mơ ước được ăn một bữa cơm có đủ cha mẹ nhưng có lẽ ước mơ ấy sẽ không bao giờ đến được với em.

Một học sinh khác tôi bắt gặp khi trên sân trường không còn một bóng người. Em nói với tôi em đợi bố đón nhưng muộn rồi bố chưa đón. Tôi ngỏ ý đưa em về nhà, đi được một đoạn em bảo tôi dừng xe vì phân vân không biết về “nhà bố” hay “nhà mẹ”.

Và những tâm sự non nớt của các em đã ám ảnh để đề bài “Mái ấm gia đình” của tôi ra đời. Đề bài đã đáp ứng được tính thời sự và tính nhân văn bởi vì đã phản ánh được hơi thở của cuộc sống, đó là vấn đề mà xã hội quan tâm.

- Xin cảm ơn cô!

Niềm vui lớn nhất của cô Khuất Thị Thanh Hương là những cánh thư của học sinh từ mọi miền đất nước gửi về cho cô giáo trao đổi, chia sẻ và nhờ cô tư vấn cách học môn Ngữ văn.

Tất cả các đề bài và hướng dẫn học sinh cách làm bài của cô Hương được tuyển chọn và đăng trong hai cuốn “Tuyển tập đề bài và bài văn nghị luận xã hội” (tập 2) và cuốn “Giúp em ôn thi vào 10” được NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản và phát hành trên toàn quốc.

Cuốn “Tuyển tập đề bài và bài văn nghị luận xã hội” đến thời điểm năm 2017 đã tái bản lần thứ năm và trở thành cuốn cẩm nang cho học sinh, phụ huynh, giáo viên yêu thích văn học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ