Cô giáo luôn có giờ dạy hấp dẫn nhờ nghiêm khắc với bản thân

GD&TĐ - Giờ dạy hấp dẫn, luôn có những đổi mới bất ngờ và chịu khó tìm tòi; cực "khó tính" với bản thân trong chuẩn bị bài giảng; điều đó khiến mỗi tiết dạy của cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy (Trường tiểu học Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) luôn được học sinh hào hứng đón đợi.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy luôn có giờ dạy hấp dẫn nhờ nghiêm khắc với bản thân.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy luôn có giờ dạy hấp dẫn nhờ nghiêm khắc với bản thân.

Không cho phép mình lười, từ suy nghĩ đến hành động

Tâm sự về công việc, cô Thủy cho biết mình là người luôn cầu toàn trong công việc; mỗi chi tiết dù nhỏ nhất trong bài đều luôn hướng tới sự hoàn hảo hoặc hoàn thiện tối đa nhất.

Khó tính với chính bản thân mình, khi thực hiện bài soạn điện tử, từ âm thanh, hình ảnh, cô giáo xứ gốm đều tự đều đòi hỏi yếu tố thẩm mỹ, có chọn lọc kỹ càng; trò chơi, hoạt động ngoài đổi mới thì luôn phải đảm bảo yếu tố đẹp về nội dung và hình thức; lời giảng luôn phải hướng tới sự truyền đạt dễ hiểu, gãy gọn và đầy đủ ý nhất.

"Thường sau mỗi hoạt động mà mình cảm thấy chưa ổn thì nhất định phải tìm tòi bằng được cách làm hợp lý, đặt mình vào vị trí của trẻ nhỏ xem làm sao để truyền tải dễ hiểu nhất?

Quan trọng là luôn biết lắng nghe, quan sát, dựa trên điều trẻ thích chứ không áp đặt điều mình thích, đôi khi trẻ con thích những điều rất giản đơn mà người lớn thì cứ làm phức tạp" - cô giáo trẻ nói về cách mình thường làm.

Cô Thủy tâm sự: Dạy học với tôi đúng như làm công việc nghệ thuật. Làm việc là hứng thú chứ không phải trách nhiệm, nên chính mình phải luôn tạo ra sự mới mẻ, dù là nhỏ nhất.

Cùng là một bài dạy, nhưng với đối tượng học sinh khác nhau thì sẽ vẫn có cách truyền tải khác nhau; hay cùng một bài dạy, giáo viên có thể tìm nhiều con đường đến đích khác nhau, tránh rập khuôn, lặp đi lặp lại.

"Bản thân cô còn thấy nhàm thì đừng mong đợi học sinh thích thú" - cô Thủy nói.

Đam mê dạy học và luôn làm việc với trách nhiệm cao nhất, nhưng con đường đến với nghề của cô Thúy không dễ dàng. Là chị cả trong gia đình có 3 chị em, từ nhỏ đã phải giúp mẹ dạy các em học bài, ước mơ trở thành cô giáo của cô Thủy nhen nhóm từ đó. Có lẽ bởi vậy, cô gái trẻ thi đỗ Trường ĐH Tài chính Kế toán nhưng cuối cùng em vẫn chọn Trường CĐSP Hà Nội, theo nghề dạy học.

Tốt nghiệp năm 2000, nhưng phải 8 năm sau mới có kỳ thi tuyển viên chức và khi ấy, Thủy mới có cơ hội chính thức đứng trong biên chế của ngành giáo dục.

"8 năm đó, tôi từng làm nhiều công việc khác nhau, từ phiên dịch, kế toán đến xuất nhập khẩu... Những công việc này đều rất thú vị, nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn muốn được đứng trên bục giảng.

Vì vậy, khi có cơ hội quay lại làm giáo viên, dù chỉ là hợp đồng, tôi vẫn không do dự, dù hồi đó giáo viên hợp đồng lương rất thấp và có sự khác biệt rõ rệt giữa giáo viên hợp đồng và biên chế" - cô Thủy chia sẻ.

Trong con mắt của một cô giáo trẻ lúc ấy, không có khó khăn nào là không thể khắc phục và tuổi trẻ là thời gian học hỏi, trải nghiệm.

Có thể mắc sai lầm và sửa chữa, nhưng đến một độ tuổi nhất định thì phải gây dựng được uy tín nghề nghiệp, phải vững vàng và được đồng nghiệp tôn trọng về chuyên môn. Đó chính là lý do cô không cho phép mình “lười” từ suy nghĩ đến hành động.

Học sinh Trường tiểu học Bát Tràng luôn hào hứng với giờ dạy của cô Nguyễn Thị Thu Thủy
Học sinh Trường tiểu học Bát Tràng luôn hào hứng với giờ dạy của cô Nguyễn Thị Thu Thủy

Nỗ lực từ bản thân, đừng đổ vì hoàn cảnh

Học tập đúng là một công việc suốt đời, nếu mình tự hài lòng thì có nghĩa là mình đã đứng lại trong khi xã hội vẫn đang không ngừng đi lên. Mình có thể không phải là cá nhân giỏi nhất, xuất sắc nhất nhưng nhất định mình phải là người ham học hỏi, tìm tòi, và không bao giờ được tự hài lòng với những gì mình đã có.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy

Để thành công trong nghề, cô Thủy cho rằng, điều đầu tiên phải yêu thích nghề. Từ yêu thích sẽ luôn tìm kiếm sáng tạo để mỗi bài giảng phong phú.

Đừng đợi đến các kỳ thi mới đổi mới phương pháp, đừng đợi đến khi có người kiểm tra mới làm nghiêm túc. Bản thân mỗi giáo viên luôn phải có ý thức làm nghề của mình, luôn xác định để học sinh tôn trọng và noi theo thì mình không được phép làm việc hời hợt.

Cô giáo trẻ cũng cho rằng, phải luôn cố gắng hết sức có thể để đạt được kết quả, đừng đổ tại vì điều kiện, hoàn cảnh nào đó khiến kết quả không được như ý.

"Thay vì tìm cách đổ lỗi cho yếu tố này nọ, mình nên nhìn nhận lại chính mình, việc mình làm thực sự đã tốt chưa, đã xứng đáng chưa? phải luôn nghiêm túc kiểm điểm lại bản thân, và càng nghiêm khắc với chính mình thì mình càng tiến bộ" - quan điểm của cô Thủy là như vậy.

Hỏi bí quyết vì sao được học sinh yêu quý đến vậy, cô Thủy nói: Muốn để học sinh noi theo, giáo viên phải “chuẩn”. Chuẩn từ kiến thức đến lối sống. Đừng cho rằng dạy tiểu học thì không cần kiến thức cao, nếu bằng lòng với kiến thức cơ bản thì chính giáo viên sẽ mất tự tin khi đối mặt với những kỳ thi chuẩn quốc tế của cả cô và trò.

Và điều không thể thiếu của người giáo viên để tạo ra những bài giảng thu hút chính là sự mới mẻ, đổi mới. Đổi mới phải thường xuyên, cập nhật, sáng tạo và độc đáo.

"Để luôn có nguồn tài liệu sẵn có mỗi khi cần, các giáo viên nên lưu lại trên máy tính cá nhân mỗi khi tìm được tài liệu hay. Có cả một kho tài liệu tham khảo trên các nguồn Internet.

Bên cạnh học hỏi đổi mới chuyên môn, giáo viên tiếng Anh nên tự học cách làm các bài giảng điện tử, các thủ thuật cắt ghép âm thanh, video, thiết kế trò chơi ... để chủ động mỗi khi soạn bài, thể hiện được hết các ý tưởng của mình trong bài soạn. Bên cạnh đó, luôn phải đan xen các đồ dùng tự làm nhằm thu hút học sinh.

Thực ra những điều này không phải là mới, và tất cả các giáo viên có thể làm được. Quan trọng là họ có thực sự mong muốn làm và chấp nhận khắc phục mọi khó khăn để làm tốt hay không mà thôi. Vì chẳng có con đường nào dẫn tới thành công mà dễ dàng cả." - cô Thủy chia sẻ kinh nghiệm.

"Đừng bao giờ cho rằng phải học hỏi những gì to tát, hãy học từ những tiểu tiết mà mình thấy hay, tâm đắc.

Giáo viên Tiếng Anh tiểu học ở Hà Nội may mắn vì nhận được sự quan tâm, đầu tư nhiều nhất về chuyên môn, cơ sở vật chất của lãnh đạo các cấp. Hàng năm có những cuộc tập huấn, cọ xát, học hỏi chuyên môn giảng dạy từ các chuyên gia, chuyên viên uy tín từ trường ĐH danh tiếng, hay các tổ chức giáo dục uy tín của nước ngoài.

Đó chính là nguồn học hỏi rất quý giá mà bất cứ giáo viên Tiếng Anh nào cũng có thể có cơ hội tích lũy cho mình"
cô Nguyễn Thị Thu Thủy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.