Quyết tâm ngược núi dạy trò nghèo
Sinh ra và lớn lên tại huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), như một cơ duyên, trong một lần lên thăm người bà con ở huyện Bắc Quang của tỉnh Hà Giang, cảm mến thiên nhiên và con người nơi đây cô Nguyễn Thị Hòa đã dặn lòng: “Phải lên đây dạy học”.
Người thân, bạn bè khuyên can bởi “xa xôi quá, đi là mất con”, hay “lên đó khó khăn trăm bề, ở lại xuôi có phải hơn không”, ấy vậy mà tuổi trẻ, lòng nhiệt huyết lại khiến cô không thể dừng bước.
Nhớ lại những năm tháng đầu tiên bước vào nghề với bao bỡ ngỡ nhưng cũng đong đầy cảm xúc, cùng sự hứng khởi của tuổi trẻ, cô giáo muốn đem lòng nhiệt huyết của bản thân tới truyền đạt kiến thức các em học sinh vốn còn rất nhút nhát và thiếu tự tin trong cuộc sống.
“Đặc biệt hơn, trong các học trò mà tôi phụ trách có một học sinh rất không bình thường – em này luôn chạy nhảy, la hét tự do trong giờ học, thậm chí tự cào cấu mặt mũi mình khi tức giận. Lúc đầu, thực sự tôi cảm thấy lo sợ trước những hành động của em. Mỗi lần em học sinh đó nổi giận cào cấu bản thân, tôi thương em vô cùng và tự nhủ, mình nhất định phải làm gì đó để giúp em ấy” - cô Hòa chia sẻ.
Thế rồi bằng tình thương, sự quan tâm, gần gũi, động viên, chia sẻ... cô Hòa đã giúp em dần dần tiết chế các hành vi tự phát. Vui hơn hết là em đã dần biết nghe lời và tin yêu cô giáo nên việc dạy dỗ có tác dụng hơn.
Cứ thế, dạy học sinh hòa nhập như một định mệnh đối với cô Hòa. Năm học nào cũng vậy, mỗi lớp cô Hòa chủ nhiệm đều có thêm một học sinh khuyết tật học hòa nhập, năm là một cậu học sinh tự kỉ, có năm học sinh lại bị tăng động, rồi học sinh thiểu năng trí tuệ...
Vượt khó giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng
Không được đào tạo chuyên môn bài bản, cô Hòa gặp vô vàn khó khăn. Nhiều lúc đang giảng bài, cô lại phải dừng lại để xử lý những gì mà học sinh khuyết tật gây ra.
Nhiều phụ huynh cũng không muốn con mình chơi hay gần gũi với bạn khuyết tật nên cô Hòa không nhận được sự hợp tác.
Thêm việc trường còn thiếu thốn trang thiết bị, đồ dùng dạy học đặc thù tại trường, lớp dạy học sinh khuyết tật học hòa nhập cũng khiến cô phải xoay xở để dạy dỗ các em. Thế nhưng, thương học trò, coi các em như chính người thân của mình, cô giáo lại cố gắng mỗi ngày.
Hiện tại lớp cô Hòa chủ nhiệm đang có một học sinh khuyết tật tự kỉ học hòa nhập, cô đã đồng hành cùng em hai năm nay và thấy hạnh phúc khi nhìn thấy sự thay đổi của trò: Từ một học sinh luôn có những hành động tự phát như đi lại tự do trong giờ học, không tập trung vào bất kì hoạt động nào trên lớp,... giờ đây em biết tự phục vụ bản thân những việc đơn giản, biết nghe lời cô giáo và không còn ra ngoài tự do nữa,…
“Cũng có nhiều lúc, thực sự bản thân cũng thấy nản vì các em phá quá làm ảnh hưởng tới giờ dạy của mình, làm ảnh hưởng tới các bạn khác trong lớp. Nhưng tôi thương các em như con mình. Thương vì các em thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa, bản thân tôi lại cố gắng tìm hiểu các thông tin, tài liệu liên quan đến dạy trẻ khuyết tật để tìm cách tiếp cận và dạy dỗ các em học sinh học hòa nhập hiệu quả” – cô Hòa nói.
Mặc dù khó khăn là vậy nhưng cô Nguyễn Thị Hòa cũng trải qua nhiều khoảng thời gian vui và xúc động đến rơi nước mắt với các em học sinh khuyết tật.
Niềm vui đơn giản chỉ là khi em học sinh đó đã nhớ và biết viết được đầy đủ họ tên của cô giáo dạy mình; hay niềm vui chỉ là em học sinh đó đã chịu ngồi im lắng nghe cô giáo giảng bài, cũng có thể em chỉ hiểu đôi lời cô nói; Đôi khi niềm vui lại đến từ một hành động tưởng chừng như vô cùng nhỏ bé của học sinh khi đã hái một bông hoa dại bên đường mang đến tặng cô nhân ngày 20/11,... chỉ thế thôi cũng là động lực to lớn để người đứng trên bục giảng vững bước trên con đò chèo thuyền chở ước mơ.
May mắn thay, gắn bó với trò lại chính là cơ duyên, là định mệnh. Cô Hòa đã xây dựng gia đình tại đây và Hà Giang là quê hương thứ 2 của mình cùng chồng và các con. Với cô, ấy là hạnh phúc bởi mình đã có cả “đàn con”. “Dù có em không lành lặn thì mình lại được tự tay làm lành dần những vết thương, vậy là vui rồi” – cô Hòa nói.