Cô giáo tiểu học tỏa sáng nghiệp văn chương

GD&TĐ - Lựa chọn nghiệp văn chương trên nền tảng của nghề giáo khiến trang văn của cô giáo Võ Diệu Thanh trở nên đẹp, nhiều câu chuyện muôn màu muôn sắc đầy ắp vốn sống đã đưa ngòi bút cô giáo Thanh nổi bật trên văn đàn.

Nhà văn, nhà giáo Võ Diệu Thanh
Nhà văn, nhà giáo Võ Diệu Thanh

Từ bục giảng đến những trang văn

Cô giáo Võ Diệu Thanh có thâm niên hơn 20 năm đứng lớp và hiện đang công tác tại Trường Tiểu học B, Chợ Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Là người con vùng Bảy Núi An Giang, được dạy chữ cho học sinh trên chính quê hương giúp chị Thanh thêm yêu nghề, yêu trẻ.

Khi còn là nữ sinh THPT, với sở thích đọc sách từ nhỏ, chị Thanh càng say mê văn chương. Năng khiếu này giúp chị đạt giải Nhất Văn chương Thủ Khoa Nghĩa do Hội Văn học nghệ thuật phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh An Giang tổ chức năm 1994. Gặt hái được thành công đầu đời, chị Thanh lại càng tha thiết với văn chương hơn nữa, chất văn của chị được thể hiện bằng tất cả cảm hứng, nhiệt huyết của tuổi mới lớn.

Bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, chị chọn con đường sư phạm theo ý nguyện của mẹ. Chị chia sẻ: “Đi học sư phạm, mê viết văn nhưng thấy con đường viết văn của mình lẻ loi ở An Giang nên đành để văn chương qua một bên mà tập trung học để sau này sống với nghề giáo”.

Tuy nhiên, do niềm đam mê văn chương chưa dứt nên đi đâu chị cũng quan sát sự vật, định hình những ý tưởng, mường tượng mọi thứ khi về nhà chị trăn trở muốn cầm bút trở lại, nhưng loay hoay trong vai trò làm giáo viên, làm vợ, làm mẹ khiến chị khó có thể cho mình khoảng trời dành cho những trang văn.

Nhà văn Võ Diệu Thanh và nhà phê bình Vương Trí Nhàn giao lưu với bạn đọc TPHCM
 Nhà văn Võ Diệu Thanh và nhà phê bình Vương Trí Nhàn giao lưu với bạn đọc TPHCM

Phân vân trong tư tưởng bao nhiêu thì động lực thôi thúc chị trở lại với nghiệp cầm bút mạnh mẽ bấy nhiêu. Chia sẻ về quyết tâm sống cho đam mê và không cho phép mình bỏ cuộc, chị trải lòng: “Tôi ngưng viết văn khoảng 10 năm, viết lại cũng nhờ sự động viên khích lệ từ một người bạn công tác ở tờ báo văn nghệ tỉnh. Tôi viết lại không như lúc ban đầu, với suy nghĩ không được ngưng cầm bút, nếu có gian nan như thế nào cũng sẽ đi tiếp với sự lựa chọn”.

Quyết tâm theo đuổi văn chương nhưng chị không bỏ nghề giáo. Chị vẫn dành thời gian tới lớp với học sinh, vẫn đều đặn viết nên những trang văn về tình đất, tình người ở An Giang, ở miền Tây  Nam Bộ. “Nghề văn mang lại sự sống phong phú cho tinh thần. Nghề giáo lại hỗ trợ hiệu quả để tôi viết nên những trang văn của chính mình, cung cấp chất liệu để tôi sáng tạo hiệu quả. Từ đó, tôi có thể hiểu, cảm thông với mọi người, dễ chia sẻ với học trò cùng phụ huynh” - chị chia sẻ.

Dấu ấn đột phá của sự trở lại

Gần 30 tuổi mới mạnh dạn trở lại cầm bút, hòa nhập với nghề cũng có khoảng cách, nhưng tâm huyết dành cho văn chương đã giúp chị viết nhiều hơn bằng vốn sống của người từng trải, viết bằng chất liệu từ cuộc sống xung quanh, để cho ra đời những tác phẩm được đầu tư cẩn thận kĩ lưỡng. Vượt lên chính mình để tìm niềm hạnh phúc cho riêng mình, ngòi bút thăng hoa, chị liên tiếp đạt những giải thưởng vụt sáng trên văn đàn.

Khoảng 10 năm quay trở lại với văn chương, chị Thanh viết nhiều hơn bằng đam mê. Thành công đầu tiên của sự trở lại chính vào năm 2004, chị đoạt liền giải Nhất, Nhì, Ba cuộc thi viết “Gương người tốt việc tốt” trong phong trào khuyến học do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang, kết hợp với báo An Giang và Hội khuyến học tỉnh An Giang tổ chức.

Năm 2005, chị đoạt giải Khuyến khích cuộc thi viết Kỉ niệm 30 năm giải phóng miền Nam do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang tổ chức. Năm 2008, giải C tập truyện Lời thề đá được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật xét tặng.

Năm 2010, thành công lại đến với chị, với tập truyện ngắn Cô con gái ngỗ ngược giành giải Nhì trong cuộc thi sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ 4 do Hội Nhà văn TPHCM, báo Tuổi trẻ và NXB Trẻ đồng tổ chức. Năm 2011, giải Nhất cuộc thi truyện ngắn trên trang mạng xã hội Yume; giải Nhì truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long; giải thưởng truyện ngắn hay của Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm.

Năm 2016, giải Ba cuộc thi truyện ngắn viết cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng phối hợp cùng Hội Nhà văn Đan Mạch tổ chức; giải Ba cuộc thi viết về tôn giáo do Giáo xứ Xuân Lộc tổ chức…

Sự xuất hiện trên văn đàn của Võ Diệu Thanh có phần muộn hơn những nhà văn khác, nhưng đó cũng là động lực để chị cố gắng bằng thực lực của chính mình. Chị Thanh tâm sự: “Tôi vật vã với thời trở lại nghiệp văn, những điều tôi viết sau này hướng về tự nhiên thuở ban đầu, muốn cảm xúc tuôn ra để người đọc cảm nhận tự nhiên hơn là sự kì công gọt giũa, trau chuốt, nên tôi phải học lại khá lâu để hiểu tâm lí của đứa trẻ đưa vào truyện”.

 

 Văn chương là giáo dục

Từ một cô giáo dạy tiểu học, cốt cách nhà giáo đã thể hiện sâu sắc qua những trang văn của chị. Trên 20 năm làm giáo viên thì có đến 13 năm dạy lớp 1 nên chị có rất nhiều am hiểu tâm lí trẻ, bởi vậy chị đã viết cho thiếu nhi những mẩu chuyện thấm đẫm tinh thần giáo dục, từng lời văn truyền tải sự mộc mạc, tự nhiên của những đứa trẻ miền Tây.

Là người con của vùng đất Bảy Núi An Giang, chị luôn in đậm những cảnh vật con người nơi đây trong tâm trí. Chị không chỉ tìm hiểu về mảng hồng của cuộc sống, mà còn viết lên những mảng tối cuộc đời, những mảnh đời bất hạnh xuất hiện dưới ngòi bút của chị một cách chân thực, đáng thương.

Trưởng thành từ nghề giáo, chị nhận biết hai nghề có mối liên hệ tương hỗ nhất định với nhau. Với chị hai nghề hầu như xuất phát cùng thời điểm. Sau khi ưu tiên nghề giáo hơn, đến với những cuộc thi văn chương để khẳng định chính mình. Như mối duyên, chị Thanh nỗ lực để hai nghề khăng khít với nhau, coi như là hơi thở của chính mình.

“Tôi không bao giờ bỏ nghề giáo, đối với tôi thì nhà giáo viết văn rất thuận lợi. Được làm giáo viên giúp tôi có khả năng sử dụng ngôn ngữ, tạo chất liệu để mạch cảm xúc không ngừng tuôn trào qua những trang văn. Có thời gian vì sức khỏe tôi phải tạm dừng việc dạy nhưng sau đó tôi đã vượt qua để tiếp tục đứng trên bục giảng và viết, cứ như thế tôi có nhiều niềm vui sống hơn” - chị Thanh kiên định.

Trải nghiệm trong vai trò dạy học và viết văn, chị không  xem trọng hay xem nhẹ một nghề nào. Chị xác định nghiêm túc với nghề, không cẩu thả trong văn chương hay thiếu trách nhiệm với học trò, định hướng ngòi bút chuyên nghiệp để vừa thành công với nghề giáo vừa thành công trong văn chương. Chị quan niệm về lao động trí óc là không hướng đến vật chất mà dùng trí óc lao động hiệu quả đem lại suối nguồn tâm hồn.

Lặng lẽ cống hiến cho đời, đến nay chị đã cho ra đời 11 cuốn sách về các thể loại như tiểu thuyết, tản văn, truyện ngắn, truyện vừa… dành cho người lớn và thiếu nhi. Những tác phẩm ấy thấm đẫm chất trữ tình miền Tây, những câu chuyện bình dị nhẹ nhàng nhưng đầy bổ ích, khẳng định ý nghĩa cuộc sống, niềm đam mê nghệ thuật chân thành của cô giáo, nhà văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống TOS-1A hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Vệ sĩ đặc biệt của pháo nhiệt áp TOS

GD&TĐ - Theo RIA, những hệ thống pháo nhiệt áp TOS Solntsepyok của Nga sẽ miễn nhiễm với các cuộc tấn công của UAV do được bảo vệ bởi hệ thống EW đặc biệt.