Cô giáo Ngữ văn

GD&TĐ - Tôi là học trò cưng của cô giáo dạy Văn Lê Thị Huệ tại Trường Phổ thông cơ sở Giá Rai A thuộc tỉnh Bạc Liêu bây giờ. Niềm đam mê văn chương của học trò nghèo được cô nhìn thấy và dõi theo, nhất là ở năm học cuối cấp II. 

Cô giáo Ngữ văn

Cuộc sống khi ấy, những năm 1980, còn vô vàn khó khăn. Cô giáo Văn của chúng tôi độc thân cho dù đã có tuổi. Cô sống một mình trong gian phòng nóng bức cạnh nhà kho. Mỗi lần vào thăm cô thật áy náy vì gần như không có chỗ ngồi, trong khi không khí nóng bức khó tả… Vậy mà cô ở đấy bao nhiêu năm, với mấy cái xoong, nồi bếp điện lò xo, một cái khạp nước…

Tình cô trò mà cứ như chị - em ruột. Thành tích học Văn của tôi khiến cô nức lòng, cô cảm thấy được an ủi nhiều. Nhiều lần, trong ráng chiều, cô dẫn chúng tôi lội bộ trên hương lộ về thăm mẹ già ở Thạnh Trị, cách trường hơn hai cây số. Miền quê yên tĩnh ồn ào tiếng nô đùa của chúng tôi, rồi tất cả sum vầy trong bữa ăn đạm bạc… Tôi khó có thể quên những chuyến đi như vậy, cho đến cả bây giờ, đã mấy mươi năm.

Kỳ thi học sinh giỏi năm lớp 9 tôi đã may mắn vượt qua mấy vòng, đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) vòng tỉnh, được chọn bồi dưỡng thi vòng toàn quốc. Chút thành tích ấy được cô giáo Văn vui vô cùng, cô đến báo tin cho tôi, lặn lội một mình vào xóm nghèo trong mưa lất phất…

Cô giáo Văn kính yêu của chúng tôi đã góp thật nhiều mồ hôi và tâm trí trong mỗi bài văn của học trò. Giờ trích giảng Văn học luôn sâu lắng, đậm nét hằn trong mỗi đứa về cái đẹp, cái tốt, cái đúng, sự diệu kỳ của ngôn từ và lòng yêu nước. 

Chính say mê nghề nghiệp, sự thấu cảm ngôn ngữ, tình thương học trò… đã khiến cô có những tiết dạy xuất thần khiến học trò trường quê trở nên không thua kém chúng bạn trên tỉnh thành trong những kỳ thi. 

Nhờ nhiệt huyết của cô mà chúng tôi thuộc rất nhiều trích đoạn Kiều, Bình Ngô đại cáo, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.. cho đến bây giờ, không sai chạy một dấu phẩy! Cô giáo đã cho chúng tôi thưởng lãm một thứ văn chương thanh cao, tinh tế, ý nhị, vô cùng sâu sắc.. nên trò nào cũng mê, không có sự chán nản môn học này như bây giờ người ta hay nói đến.

Cô đã rời ngôi trường thân yêu khi lứa chúng tôi vào THPT. Cô về thành phố Hồ Chí Minh cùng mẹ già. Mấy trò gái cứ sụt sùi, hụt hẫng. Còn tôi, người đã coi cô như một ân nhân đặc biệt, buồn nhiều…

Bao nhiêu năm trôi qua, vật đổi sao dời, mỗi khi gặp lại chúng tôi hỏi thăm về thầy cô. Một lần tôi điếng hồn khi được cho biết: Cô Huệ về thành phố không có việc làm ổn định, cuộc sống khó khăn lắm, cô dạy kèm Anh văn ở nhiều nơi, sống qua ngày. Bẵng đi một dạo, lại nghe hung tin: Cô giáo Văn của chúng tôi đã phát bệnh!

Vài lần được lên thành phố vội vội vàng vàng, thiếu trước hụt sau, không biết tìm cô ở đâu giữa đô thành mênh mông, cho dù trong lòng rất muốn gặp lại cô, nói một tiếng tri ân, cho dù được biết cô không còn tỉnh táo như xưa.

Tôi nhớ nhất tình thương của cô dành cho riêng tôi khi được biết hoàn cảnh gian khó của học trò: Cô nói, cô có một người anh ruột tên… là họa sĩ ở Nhà xuất bản… sau này có gì cần em cứ tìm đến đấy nhé! Cô khi ấy đã nghĩ tôi sẽ học đến nơi đến chốn, theo nghiệp văn chương, muốn giới thiệu một địa chỉ để trò có nơi nương tựa. Đấy là sự lo lắng giữa những người cật ruột, đầy tình thân.

Cô đã bệnh rồi. Bệnh tật nhiều, một mình, ở thành phố xa xôi trên kia. Em viết những dòng này gửi theo gió, nói lời biết ơn người giáo viên Sài Gòn đã để lại nhiều tình thương cho học trò quê mà riêng mình gánh nhiều bất hạnh, cô ơi! Biết đâu qua bài viết này, sự màu nhiệm nào đó cho em được gặp lại cô.

Mong cô vượt qua bệnh tật, an lạc thân tâm, cô giáo nhé!

Em…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ