Ngoài cung cấp kiến thức như các môn học khác, môn Ngữ văn còn góp phần to lớn trong bồi dưỡng tư tưởng tình cảm học sinh, bước đầu các em có năng lực cảm thụ các tác phẩm có giá trị nhân văn cao cả.
Học tốt môn Ngữ văn sẽ tác động tích cực tới các môn học khác và ngược lại. Học Văn là cả một quá trình tích lũy lâu dài, không thể học xổi, học dồn mà phải cập nhật từng ngày, từng vấn đề, từng tác phẩm.
Bộ GD&ĐT đã cho phép các trường tổ chức học thêm để nâng cao chất lương dạy học các môn nói chung và môn Ngữ Văn nói riêng. Nhưng không phải cứ dạy thêm, học thêm là chất lượng dạy học được nâng lên.
Có giáo viên đã biến giờ học chuyên đề thành giờ dạy lại bài học chính khóa, có giáo viên tổ chức giờ học chuyên đề bằng cách hướng dãn học sinh trả lời lại những câu hỏi hướng dẫn học bài trong sách giáo khoa học sinh đã tự trả lời trong vở Soạn Văn khi chuẩn bị bài mới… khiến học sinh cảm thấy giờ học chuyên đề thật nhàm chán.
Đó là một trong những lí do lí giải vì sao học sinh được học nhiều nhưng chất lượng giáo dục ở một số lớp dạy vẫn chưa có những chuyển biến tích cực.
Từ thực tiễn giảng dạy của giáo viên và kết quả học tập của học sinh Trường THPT Phúc Yên, chúng tôi xin đưa ra một số kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả giờ dạy chuyên đề bộ môn Ngữ văn như sau:
1. Khi tổ chức các lớp học chuyên đề, giáo viên phải nắm vững kiến thức chung cho chương trình cấp học để có cái nhìn bao quát về nội dung yêu cầu cho từng khối lớp. Đồng thời biết lựa chọn những kiến thức cơ bản nhất để dạy có hiệu quả và gây sự hứng thú học tập bộ môn.
Bí quyết của sự thành công là sự học tập không ngừng, học trong sách báo, học thực tế, học ở bạn bè đồng nghiệp, đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu để soạn bài kĩ hơn... có sự tâm huyết say sưa với nghề như vậy thực sự mọi trở ngại đều có thể vượt qua.
2. Khi giảng dạy, giáo viên cần chú ý đến từng loại đối tượng học sinh trong lớp học để có phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Giáo viên cũng cần phân loại được học sinh trong lớp. Dù là lớp chọn, lớp đại trà hay lớp yếu kém thì mức độ tiếp thụ, học tập của học sinh có sự khác nhau.
Từ đó xác định học sinh yếu kiến thức, kĩ năng nào để tìm nguyên nhân, biện pháp khắc phục còn đối với học sinh giỏi bồi dưỡng nâng cao kiến thức kĩ năng đã học để tạo hứng thú trong việc học tập bộ môn.
Trong những giờ lên lớp giáo viên phải giảng dạy thật tốt, thật hiệu quả,cố gắng tạo nên sự đồng đều trong việc tiếp thu kiến thức cơ bản của mỗi học trò, đó chính là sự sáng tạo của người giáo viên năng động.
3. Hướng dẫn học sinh cách học trên lớp và ở nhà.
* Khi tiếp nhận lớp cần hướng dẫn học sinh cách ghi chép sao cho đúng, đủ, khoa học, dễ học. Học sinh thường để lề rất ít hoặc không để lề, vì vậy giáo viên phải kiểm tra nhắc nhở để học sinh phải để lề đủ lớn (2,5-3,0 cm) đề dễ theo dõi bài học.
Nếu cần bổ sung thì ghi vào lề cho tiện. Phần số tiết, tên bài, các đề mục cũng cần phải ghi làm sao cho nổi bật dễ nhận thấy. Sau mỗi tiết học cần có thói quen kẻ hết bài để dễ học, dễ kiểm tra.
* Giáo viên cũng cần hướng dẫn học sinh xác định nội dung học tập
- Với phân môn Đọc Văn
+ Đọc lại toàn bộ văn bản trước khi học (Mặc dù ở phần học chính khoá đã đọc). Đối với văn bản là tác phẩm thơ phải học thuộc, là văn xuôi phải tóm tắt dược nội dung của văn bản, học thuộc dẫn chứng.
+ Với những tác phẩm có tác giả cần nắm chắc được về tiểu sử tác giả (Năm sinh năm mất- nếu có - tên khai sinh, bút danh, quê quán), sự nghiệp văn chương của tác giả đó, hiểu được hoàn cảnh sáng tác tác phẩm.
+ Nắm chắc được giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm (tìm hiểu phần nội dung cần đạt, phần ghi nhớ).
+ Biết phân tích, cảm thụ một số chi tiết (câu, đoạn) được cho là đặc sắc (Đối với học sinh khá giỏi).
- Đối với phân môn Tiếng Việt
+ Học thuộc các khái niệm, vận dụng làm tốt các bài tập từ dễ đến khó (từ nhận biết đến thông hiểu, vận dụng ở mức độ thấp, vận dụng ở mức độ cao).
+ Với các biện pháp tu từ biết phát hiện đúng, nêu được tác dụng của phép tu từ đó trong hoàn cảnh sử dụng.
+ Biết viết câu, viết đoạn (mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn) với nhiều chủ đề và yêu cầu khác nhau (Diễn dịch, quy nạp…).
- Đối với phân môn Tập làm văn
+ Nắm được dặc trưng các kiểu bài tự sự, thuyết minh, nghị luận.
+ Sau khi đọc đề bài, phải biết tìm hiểu đề, tìm ý; biết cách lập dàn ý; biết viết các đoạn để hoàn chỉnh bài viết.
* Hướng dẫn học sinh cách làm bài:
- Phần đọc - hiểu: Học sinh trả lời câu hỏi một cách ngắn gọn, rõ ràng.
- Phần làm văn: Học sinh cần xác định rõ đề thuộc dạng tự sự hay thuyets minh, nghị luận xã hội hay nghị luận văn học..; Bài viết phải đủ ba phần: mở bài, thân bài, kết bài. Phần thân bài phải tách ý, tách đoạn rõ ràng; Tránh mắc lỗi về chính tả, ngữ pháp, diễn đạt.
4. Khi dạy học cần quan tâm nhiều hơn đến việc kiểm tra, đánh giá vì dạy chuyên đề có nhhiều thời gian so với dạy chính khoá.Từ đó,đề ra cách giảng dạy cho phù hợp.
Với việc kiểm tra thường xuyên, giáo viên cần đa dạng hoá để học sinh phải tự giác học tập. Chẳng hạn như: Kiểm tra vở ghi - kiểm tra chữ viết, kiểm tra nội dung ghi chép có đầy đủ không (nhắc nhở về cách ghi chép); vừa kiểm tra miệng, vừa kiểm tra viết; Kiểm tra sách, tài liệu - sách tham khảo, vở nháp của học sinh.
Học sinh nào chưa có, chưa đúng yêu cầu nhắc nhở để kiểm tra lại. Nên giới thiệu một số sách tham khảo cho học sinh sưu tầm để học tập … Lưu ý, đề kiển tra môn Ngữ văn cần thoát khỏi lối mòn, đánh thức cảm xúc của học trò và hướng các em tới chân, thiện, mỹ. Đề văn cần phải hay, thấm đượm hơi thở cuộc sống.
5. “Dạy Văn thì phải đúng là dạy Văn” - GS Nguyễn Đăng Mạnh. Dù là giờ dạy chuyên đề nhưng một giờ Văn thực sự là một giờ Văn được tiến hành trong bầu không khí thấm đẫm chất văn chương nghệ thuật.
Bầu không khí văn chương là bầu không khí trong đó Giáo viên và Học sinh cùng bình đẳng, cùng thảo luận về một vấn đề, một hiện tượng văn học hay một nhân vật nào đó trong một tác phẩm cụ thể.
Ở trong bầu không khí đó thầy trò từ ngôn ngữ, cử chỉ, hành động, nhân cách, phong cách đều phải Đẹp. Ở đó không khí trao đổi thảo luận những vấn đề toát ra từ chính vẻ đẹp của tác phẩm cũng phải mang tính nghệ thuật (có sự hoà quyện giữa nghệ thuật sự phạm và nghệ thuật cảm thụ, phô diễn Cái Đẹp).
Trong không khí đó cả giáo viên và học sinh được tự do bộc lộ những cảm nhận của mình về cái hay cái đẹp của tác phẩm văn chương.
Trong quá trình thảo luận, thầy - trò không chỉ khẳng định xuông những kết luận quen thuộc mà đẩy suy luận theo một hướng mới, biến nó thành một cuộc tìm kiếm chân lí, hoặc có thể hình thành những cảm xúc mới, đạt tới mức trí tuệ và thay đổi cách nghĩ cũ.
Bầu khôg khí văn chương phải được duy trì trong suốt cả giờ học: từ khâu vào bài, quá trình hướng dẫn học sinh thâm nhập tác phẩm cho đến phần kết thúc giờ giảng.
Giáo viên và học sinh khi thoát li khỏi môi trường thấm đẫm bầu không khí văn chương ấy sẽ không còn hoạt động cảm thụ văn học và dễ rơi vào hoạt động nhận thức lí trí đơn thuần và cũng dễ rơi vào khuynh hướng xã hội học dung tục xa rời bản chất quá trình dạy học Văn.
Giáo viên phải luôn gần gũi với học sinh, đem đến cho các em sự cởi mở, tự tin thì chắc chắn sẽ tạo được kết quả như mong muốn trong mỗi bài giảng.
Điều đó thật cần thiết để đốt lên trong mỗi học trò sự ham mê học tập và học tập một cách có hứng thú, từ đó mới khơi dậy được tư duy của các em trong mỗi tiết học
Giáo dục muốn thành công thì người giáo viên phải thực sự quan tâm đến học sinh và dành cho các em niềm yêu mến chân thành. Từ đó người thầy mới tìm được cảm hứng trong việc dìu dắt, dạy dỗ và uốn nắn học sinh của mình theo hướng hoàn thiện, tích cực.
Môn Văn không thể truyền đạt suông bằng bài giảng mà phải tạo cho các em những thói quen rèn luyện, phải làm thế nào để cho những kiến thức của thầy cô thấm vào các em và biến thành những kiến thức của các em.
Chúng tôi tin tưởng vào sự cố gắng và nỗ lực hết mình với tinh thần đầy nhiệt huyết, như ngọn lửa đam mê đang rực cháy trong trái tim mỗi thầy cô sẽ giúpcác em học sinh nhanh chóng trưởng thành, trở thành công dân tốt của nước Việt Nam trong thời kì hội nhập với thế giới.