Cô giáo thắp sáng ước mơ cho học trò vùng cao

GD&TĐ - Được phân công dạy học tại một trường thị trấn, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Cúc (SN 1979), giáo viên Trường THCS Hiền Kiệt, xã Hiền Kiệt, huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa) lại xung phong tình nguyện đến một nơi xa nhất, khó khăn nhất của huyện. 

Cô Nguyễn Thị Cúc bên các em HS Trường THCS Hiền Kiệt, huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa)
Cô Nguyễn Thị Cúc bên các em HS Trường THCS Hiền Kiệt, huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa)

Tâm huyết và trái tim luôn tràn đầy năng lượng yêu thương của cô đã thắp sáng biết bao trái tim học trò vùng cao.

Nhiệt huyết cống hiến cho vùng khó

Kể cho chúng tôi nghe về hành trình 17 năm gắn bó với học sinh vùng cao, cô giáo Nguyễn Thị Cúc cho biết: Năm 2000, cô tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Ngữ văn, Trường ĐH Hồng Đức và được phân công về Trường THCS Nam Xuân (huyện vùng cao Quan Hóa).

Sau này, cô giáo Cúc được chuyển về Trường THCS thị trấn huyện Quan Hóa rồi chuyển sang Trường Dân tộc nội trú huyện. Đến năm 2012, cô giáo Cúc lại xung phong tình nguyện tăng cường lên Trường THCS Hiền Kiệt, xã Hiền Kiệt. Đây là xã biên giới duy nhất, khó khăn nhất của huyện Quan Hóa.

Trải lòng với chúng tôi, cô giáo Cúc tâm sự: Xã biên giới Hiền Kiệt là một xã khó khăn. Có lẽ vì vậy mà nhiều năm liền Trường THCS Hiền Kiệt liên tục thiếu giáo viên.

Hiện nay, đây cũng là trường đông học sinh nhất trong huyện nhưng chỉ có 11 giáo viên đứng lớp. Giáo viên ở đây không chỉ dạy môn chuyên ngành của mình mà kiêm dạy cả những môn còn thiếu giáo viên.

Vì điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, nhiều em học sinh phải bỏ học giữa chừng để đi làm kiếm tiền về phụ giúp gia đình. Nhiều học sinh nữ phải bỏ dở việc học về lấy chồng sớm do quan niệm của nhiều người dân còn lạc hậu.

Chính vì vậy, dù được Nhà nước hỗ trợ cũng không đảm bảo để giữ chân các em học sinh ở lại trường. Vì thế, giáo viên ở đây vừa phải dạy, dỗ vừa phải giữ học sinh.

Gắn bó với bà con vùng biên, cô giáo Cúc không muốn rời xa nơi đây dù gia đình cô ở thành phố Thanh Hóa, cách trường đến 200 km. Hàng tuần, cô lại vượt cả một quãng đường dài về thăm các con.

Đi dạy xa nhà, mọi công việc gia đình cô đều nhờ vào bố mẹ đẻ. Không may mắn như nhiều người khác, cô có 2 con trai, con trai đầu năm nay học lớp 9, bé trai thứ hai học lớp 3 nhưng cháu bị đa dị tật.

Thương con, nhưng cô không thể mang con theo được, bởi lên trên vùng đất khó khăn ấy, khi con phát bệnh, điều kiện chăm sóc, thuốc men sẽ không thể đáp ứng được. Năm nay, do sức khỏe của bố mẹ cô giảm sút, không thể lo được cho cả 2 bé nên cô đã đưa con trai lớn lên học tập và ở cùng mẹ.

Cũng bởi hoàn cảnh đặc biệt của cô giáo Cúc, nhiều năm nay, các cấp chính quyền huyện Quan Hóa cũng tạo điều kiện để cô quay trở lại trường cũ công tác nhưng cô vẫn quyết định ở lại gắn bó với mảnh đất Hiền Kiệt.

Thắp sáng ước mơ cho trẻ em vùng cao

Là giáo viên cắm bản nhiều năm, cô giáo Cúc hiểu con người nơi đây, thương những đứa trẻ vùng cao nghèo nhiều thiếu thốn. Cô mong muốn khoảng cách về chất lượng cuộc sống giữa miền núi và đồng bằng được rút ngắn lại cho người dân ở đây bớt khổ, các em học sinh cũng có điều kiện học tập tốt hơn.

Từ mong muốn đó, cô đã tham gia các chương trình thiện nguyện tại các vùng miền núi, vùng cao nơi còn nhiều khó khăn. Cô kêu gọi ủng hộ cho các em học sinh vùng cao để các em có sách, vở đến trường, có áo ấm để mùa đông bớt lạnh.

Cô giáo Cúc cho biết: Cô là người tiên phong, kết nối các chương trình thiện nguyện ở các vùng cao. Bởi gắn bó nhiều năm với vùng cao, cô luôn tìm được nơi khó khăn nhất, cần giúp đỡ nhất để làm các chương trình thiện nguyện.

Không chỉ là cô giáo dạy Văn giỏi, đam mê công tác thiện nguyện, cô giáo Cúc còn là một nhà thơ được nhiều người yêu thích.

Năm 2016, cô ra mắt tập thơ đầu tay “Nỗi nhớ mang hình hài của gió” và đạt giải Nhì Giải thưởng Lê Thánh Tông của Hội Văn học - Nghệ thuật Thanh Hóa; năm 2017, cô ra mắt tập thơ thứ 2 “Gió sang mùa mình gọi tên nhau” đạt giải Nhì - tác giả xuất sắc nhất của năm. Hiện nay, cô cũng là thành viên của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa.

“Nhiều lúc thương mình vì những khi ốm đau không có người thân bên cạnh, một mình mình chịu đựng; khi các con ốm đau mình cũng không về được… Nhưng bởi yêu nghề, thương học trò mình phải cố gắng. Những khó khăn chồng chất ấy, chỉ có những giáo viên cắm bản mới thấu hiểu hết được” - Cô giáo Cúc tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ