Nghĩ đến là tủi thân

GD&TĐ - Nhiều giáo viên mầm non sau hàng chục năm cống hiến trong nghề, khi cầm quyết định nghỉ hưu đã tỏ ra quá bất ngờ khi tiền trợ cấp (lương hưu) hàng tháng quá thấp. Mặc dù đã tính đúng mức lương, nhưng thực tế này khiến nhiều người chạnh lòng thay cho các cô.

Cô Nguyễn Thị Vỹ hiện phải làm thêm nhiều việc kiếm thêm thu nhập cho đủ sống.
Cô Nguyễn Thị Vỹ hiện phải làm thêm nhiều việc kiếm thêm thu nhập cho đủ sống.

Cả đời cống hiến

Cô Nguyễn Thị Vỹ (ở xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, Nghệ An) khi nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương 1.356.000 đồng/tháng đã ngã quỵ. "Khi cầm quyết định nghỉ hưu, đọc số lương được nhận hàng tháng, tôi không thể tin nổi, về nhà nằm khóc suốt mấy ngày liền. Không nghĩ thì thôi, chứ nhắc đến lại thấy tủi thân, ứa nước mắt.

Mà không chỉ tôi, hàng xóm xung quanh họ cũng không tin nổi, cứ nói tôi giấu, hoặc nói quá lên, chứ ít nhất cũng phải được 3 – 4 triệu/tháng. Tôi không biết giải thích ra sao nữa”, cô Vỹ nói, mắt đỏ hoe. Giờ đây, để có tiền trang trải cuộc sống khi mức lương hưu quá ít, cô Vỹ phải làm thêm đủ thứ, từ chăn nuôi gà, vịt, trồng rau, chè xanh đem đi chợ bán…

Quyết định về hưu của cô Trương Thị Lan khiến cô và tập thể giáo viên nhà trường bật khóc
Quyết định về hưu của cô Trương Thị Lan khiến cô và tập thể giáo viên nhà trường bật khóc

Cũng ở huyện Nam Đàn, cô giáo Đinh Thị Hà (SN 1961), nguyên là giáo viên mầm non trường Mầm non Xuân Hòa nhận lương hưu cao hơn cô Vỹ 400 nghìn đồng. Nhưng với mức lương 1.724.000 đồng/tháng, cô Hà vẫn vô cùng bất ngờ.

“Lâu nay, tôi cũng không để ý, và không biết tính lương hưu của mình như thế nào cho đến khi có quyết định. Tôi cứ nghĩ đã đóng bảo hiểm đầy đủ thì sau khi về hưu mình cũng có mức lương đủ sống tuổi già, nhưng quả thật nhìn con số nhận lương hàng tháng tôi không ngờ thấp như vậy”.

Quyết định về hưu của cô Trương Thị Lan

Quyết định về hưu của cô Trương Thị Lan

Cô Hà bắt đầu đi dạy từ tháng 9/1985, theo cô lúc đó chưa phải là trường mầm non mà dạy nhà trẻ, hàng tháng tính công điểm cho hợp tác xã và nhận lương là thóc. Sau này, khi thành lập trường mầm non Xuân Hòa là hình thức trường bán công và đến tận năm 2011, “trường học chuyển đổi” từ bán công sang công lập cô Hà mới được vào biên chế. Khi ấy, cô mới truy đóng bảo hiểm xã hội về năm 1995.

Để có tiền, cô đã phải gom góp tiền, vay mượn anh em, họ hàng, bán lợn, bán thóc cho đủ. Trong quá trình dạy học, cô cũng đã học lên Cao đẳng sư phạm mầm non để chuẩn hóa chuyên môn. “Tôi không thắc mắc gì về tiền lương hiện tại, chỉ thấy buồn và chạnh lòng thôi. Hiện tôi xin được quay lại trường làm cô nuôi với mức lương 2 triệu/tháng, cũng gọi là trang trải được cuộc sống. Nhưng sau này, nếu về già, không có sức nữa, thì tiền lương hưu không thể đủ ăn uống thuốc men”.

Trước đó, cô Trương Thị Lan (nguyên giáo viên trường Mầm non Lê Duẩn xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), sau 37 năm cống hiến, khi cầm quyết định nghỉ hưu với số lương 1,3 triệu đồng cũng bật khóc vì số tiền quá ít ỏi.

Tập thể giáo viên của nhà trường không biết động viên cô bằng cách nào chỉ có khóc theo. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình cô hết sức vất vả, con trai sức khỏe yếu, chồng bị điếc và mắc bệnh tiểu đường, con gái đang nghỉ sinh không có lương. Với số tiền hưu, cô Lan không biết xoay xở cuộc sống như thế nào.

Trước hoàn cảnh đó, cô Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng nhà trường sau khi thống nhất với toàn thể giáo viên đã đề nghị nhận Trương Thị Lan vào làm cô nuôi. Từ ngày 30/10, cô bắt đầu trở lại trường nấu ăn cho các cháu trong trường để có thêm thêm thu nhập hàng tháng.

Đã tính đúng mức lương

Cô Hà hiện đang quay về trường xin vào làm cô nuôi với mức lương 2 triệu/tháng nên vẫn đủ trang trải cuộc sống

 Cô Hà hiện đang quay về trường xin vào làm cô nuôi với mức lương 2 triệu/tháng nên vẫn đủ trang trải cuộc sống

Theo ông Nguyễn Quang Quyết, Trưởng phòng Chế độ Bảo hiểm xã hội BHXH tỉnh Nghệ An thì "Giáo viên mầm non trước năm 1995 được điều chỉnh bởi thứ nhất là Quyết định 133 (năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính phủ) và thông tư số 25 (ngày 16-8-1983) của Bộ GD&ĐT hướng dẫn quyết định trên. Điều chỉnh cái thứ hai là Thông tư số 09 liên bộ Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT (21-5-1977).

Tại Quyết định 133, các trường mầm non chỉ có hiệu trưởng là vào biên chế nhà nước và thời gian công tác tính từ ngày bắt đầu đi dạy. Còn đối với các giáo viên, thông tư 09 lại quy định ở khu vực nông thôn, giáo viên mầm non sẽ thuộc quản lý hợp tác xã và hưởng thóc theo công điểm. Giáo viên tại thành phố, thị xã, hoặc dạy học trong xí nghiệp, nông trường quốc doanh, không có ruộng đất nên sẽ đưa vào biên chế nhà nước và hưởng lương ngân sách.

Như vậy, đối với các giáo viên khu vực nông thôn từ năm 1977 sẽ không đóng bảo hiểm do không trong biên chế. Sau đó, Chính phủ có nghị định 73 (ngày 19-8-1999) về xã hội hóa về ngành giáo dục, ngành văn hóa thể thao thì khi đó các đối tượng trên mới được đóng bảo hiểm xã hội.

Đến ngày 22-3-2004, Bộ GD&ĐT cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam có công văn 2150 thực hiện đối với ngành, cơ sở giáo dục thì các cô giáo mầm non nêu trên được truy đóng bảo hiểm xã hội từ 1-1-1995.

Theo đó, các trường hợp nêu trên, các cô chủ yếu ở vùng nông thôn, và trong quá trình công tác đã truy đóng bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo đủ số năm theo quy định để hưởng lương hưu.

Ông Quyết cũng cho hay, các cô giáo về hưu với lương 1,3 triệu là không sai, vì dù số năm công tác dài, nhưng bậc lương thấp, số tiền nộp bảo hiểm xã hội thấp, dẫn đến mức lương hưu cũng thấp theo.

Thậm chí đây còn là mức lương trên còn được bù thêm cho đủ 1,3 triệu và “may cho các cô về hưu năm 2017, còn từ năm 2018, lương hưu còn thấp nữa, bởi phải đủ 30 năm công tác, đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng lương hưu”.

Tuy nhiên, dù mức lương này theo tính toán là đúng, nhưng vẫn khiến nhiều người ngậm ngùi, xót xa cho những giáo viên mầm non. Vì môi trường làm việc đặc thù, thời gian cống hiến lâu năm mà chế độ khi về già, không có sức lao động nữa là quá thấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cờ Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc Kharkov

Cờ Nga tung bay ở Kharkov

GD&TĐ - Lá cờ của Liên bang Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc vùng Kharkov hôm 4/5/2024.
Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.
Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

GD&TĐ - An ninh trật tự Haiti liên tục phải chịu những biến cố, từ vụ ám sát tổng thống đến động đất và tình trạng bạo lực từ các băng đảng.