Cô giáo Tày thắp sáng ước mơ đỗ đại học cho học sinh dân tộc

Cô Xuân luôn quan tâm đến từng đối tượng học sinh.
Cô Xuân luôn quan tâm đến từng đối tượng học sinh.

GD&TĐ - Nhờ hoạt động đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số giáo dục phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến cho học sinh DTTS và những nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, cô Nguyễn Thị Thanh Xuân đã thắp sáng ước mơ đỗ đại học cho nhiều học sinh dân tộc thiểu số.

Nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học

Trong 11 năm gắn bó với công tác giảng dạy ở huyện nghèo Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, cô Nguyễn Thị Thanh Xuân, dân tộc Tày - giáo viên Trường THPT Nguyên Bình (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) đã không ngừng nỗ lực biến những giờ học Vật lý khô khan thành những buổi khám phá lý thú cho học sinh dân tộc thiểu số.

Năm 2010 sau khi tốt nghiệp đại học, cô được sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng phân công về công tác tại trường THPT Nguyên Bình, ngôi trường đã gắn bó với cô trong suốt 3 năm học THPT, nơi đã đưa cô đến với nghề dạy học.

Trường THPT Nguyên Bình là ngôi trường thành lập được hơn 50 năm, trường có hơn 97% học sinh là người dân tộc thiểu số, đa số các em học sinh từ các xã ra trọ học, nên điều kiện ăn, ở của các em còn gặp nhiều khó khăn, vì xa nhà nên các em thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ phụ huynh học sinh.

Để động viên các em yên tâm học tập tốt, cô Xuân đã cùng các đồng nghiệp thường xuyên đi thăm khu trọ của các em học sinh, hỏi thăm về nơi ăn, chốn ở của các em, giải đáp những thắc mắc, những bài tập khó mà học sinh còn vướng mắc.

Là giáo viên giảng dạy bộ môn Vật lý, bộ môn khoa học tự nhiên được cho là khô khan, có nhiều công thức, thí nghiệm, nhiều học sinh cảm thấy khó hiểu, trừu tượng. Vì vậy trong mỗi giờ lên lớp, cô luôn đổi mới phương pháp dạy học, tìm ra những phương pháp giảng dạy phù hợp nhất với từng đối tượng học sinh, giúp các em hứng thú hơn trong học tập, biến những giờ học, kiến thức khô khan thành những tiết học vui tươi và bổ ích.

Ngoài ra trong các năm học cô thường xuyên viết sáng kiến kinh nghiệm để nâng cao chất lượng dạy học, các sáng kiến đều đã được áp dụng và đem lại hiệu quả cao trong công tác giảng dạy, cũng như công tác ôn thi tốt nghiệp THPT hàng năm.

Năm 2020 là năm bắt đầu xảy ra đại dịch Covid-19, tình hình học tập của học sinh bị gián đoạn, chất lượng dạy học gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời gian các em học sinh nghỉ phòng chống dịch bản thân cô cũng soạn bài, chuẩn bị bài giảng thật tốt, tham gia dạy học trực tuyến, ôn tập cho các em dự thi tốt nghiệp THPT tổ hợp khoa học tự nhiên.

Với đặc thù là trường THPT đóng trên địa bàn huyện miền núi, điều kiện vật chất phục vụ cho công tác học trực tuyến còn gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn các em không có máy tính, chỉ dùng điện thoại tham gia học. Cùng với đó đường truyền mạng không ổn định do các em đăng ký mạng 3G dung lượng thấp, trong quá trình học mạng thường xuyên bị lag nên quá trình truyền tải và tiếp nhận kiến thức của các em chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn.

Chính vì vậy cô đã tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường phối hợp với Trung tâm Viễn thông huyện Nguyên Bình đưa ra những gói cước ưu đãi tốc độ cao dành riêng cho học sinh khối 12 ôn thi tại nhà trường. Đồng thời vận động các em học sinh trong lớp đóng góp, ủng hộ tiền cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn để mua các gói dung lượng cao phục vụ cho việc ôn tập.

Cô Xuân và học sinh Trường THPT Nguyên Bình, Cao Bằng.

Cô Xuân và học sinh Trường THPT Nguyên Bình, Cao Bằng.

Giúp học sinh dân tộc đạt ước mơ vào đại học

Năm 2020, nhiều em học sinh lớp 12 của trường THPT Nguyên Bình cũng như học sinh các trường vùng cao nói chung đều lo lắng vì những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các em lo những thay đổi của kỳ thi sẽ khiến cánh cửa vào đại học sẽ hẹp hơn, lo trường đại học mà các em dự định đăng ký sẽ thi đề riêng, không biết hướng ôn tập như thế nào.

Nhiều em đã nhắn tin hỏi cô, mong nhận được những tư vấn về cách thức ôn tập, về việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Lúc đó, cô luôn nhiệt tình, tư vấn và động viên các em yên tâm ôn tập thật tốt để đạt được ước mơ, nguyện vọng của mình.

Cô Xuân cho biết những thay đổi của kỳ thi không làm cơ hội vào đại học của các em học sinh dân tộc thiểu số vì điều kiện học tập của các em ngày càng tốt hơn và những chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là với địa bàn đặc biệt khó khăn vẫn được duy trì.

Nhờ sự định hướng đúng đắn của cô giáo chủ nhiệm, trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, 2021, 2022, rất nhiều học sinh Trường THPT Nguyên Bình đã lựa chọn tổ hợp khoa học tự nhiên. Kết quả, nhiều em đã đỗ vào các trường đại học top đầu như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Sĩ quan chính trị, Học viện cảnh sát, Học viện an ninh.

Bản thân là một giáo viên chủ nhiệm, cô luôn quan tâm đến hoàn cảnh gia đình học sinh, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em. Học sinh mà cô ấn tượng nhất đó là em Lý Dào Quyên, dân tộc Dao, học sinh khóa 2017 - 2020 ở xóm Xiên Pèng, xã Vũ Nông (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).

Gia đình em có hoàn cảnh rất khó khăn, bản thân em là 1 học sinh khuyết tật, học hòa nhập, em bị mất 1 bàn tay phải, phải viết bằng tay trái, do vậy mọi sinh hoạt cũng như trong học tập em gặp rất nhiều khó khăn.

Khi biết được hoàn cảnh của em, cô cùng Ban giám hiệu nhà trường, đoàn trường đã trực tiếp tới thăm gia đình và thực hiện phóng sự chương trình “Thắp sáng ước mơ”. Cô và các đồng nghiệp cũng trích 1 phần lương nhỏ bé của mình để ủng hộ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình này.

Lý Dào Quyên cho biết, sau khi được hỗ trợ của cô giáo chủ nhiệm về cả vật chất và tinh thần, bản thân em luôn cố gắng, nỗ lực trong học tập, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, trong kì thi tốt nghiệp năm 2020 em thi và đỗ vào khoa Luật Trường Đại học Mở Hà Nội theo đúng ước mơ và nguyện vọng.

Hiện tại em đang học ở Hà Nội và cũng được rất nhiều mạnh thường quân và nhất là cộng đồng người Dao tại Hà Nội giúp đỡ, tạo điều kiện để em có thể tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Em vẫn thường xuyên liên lạc, nhắn tin trò chuyện, chia sẻ với cô về những khó khăn mà em gặp phải khi học đại học.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm trong nhiều năm qua bằng nhiều chính sách cụ thể, phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, Đảng, Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể, Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát huy ý thức tự lực, tự cường, khai thác tiềm năng thế mạnh, bản sắc của vùng để góp phần thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.