Nữ sinh Khơ Mú học tiếng Anh để lan toả nét đẹp dân tộc

GD&TĐ - Mong muốn lan tỏa tinh thần hiếu học trong vùng dân tộc thiểu số, Ốc Thị Quỳnh Anh đã không ngừng cố gắng, vươn lên đạt nhiều thành tích tiêu biểu.

Quỳnh Anh trong Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2022.
Quỳnh Anh trong Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2022.

Vươn lên trong học tập

Ốc Thị Quỳnh Anh (sinh năm 2004) là người dân tộc Khơ Mú, quê ở xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An. Cô sinh ra và lớn lên trong gia đình có 5 anh em, tuy không được đủ đầy về vật chất nhưng bố mẹ luôn tìm cách lo cho các con được “học đến nơi đến chốn”.

Từ năm 4 tuổi, Quỳnh Anh đã sống xa gia đình để xuống thành phố Vinh học tập. Đến những năm phổ thông, em chuyển về gần nhà học. Dẫu tưởng được ở gần bố mẹ nhưng biến cố ập đến với gia đình, mẹ Quỳnh Anh vướng vào vòng lao lý.

Nữ sinh người dân tộc Khơ Mú Ốc Thị Quỳnh Anh quyết tâm học tập để thay đổi cuộc sống
Nữ sinh người dân tộc Khơ Mú Ốc Thị Quỳnh Anh quyết tâm học tập để thay đổi cuộc sống

“Đây là cú sốc khiến gia đình suy sụp, bố không có việc làm ổn định nên không thể gồng gánh nuôi em và 2 em trai. Có những ngày cả gia đình góp lại không nổi 10 ngàn để mua đồ ăn, trang trải cuộc sống. May mắn có ông bà ngoại hỗ trợ tiền học phí nên em mới tiếp tục được đi học”, Quỳnh Anh kể.

Biến khó khăn thành động lực cố gắng, 3 năm học ở Trường THPT Tương Dương, Quỳnh Anh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nữ sinh cũng đạt nhiều thành tích xuất sắc như: giải Nhì môn Ngữ văn cấp trường; giải Khuyến khích môn Tiếng anh cấp trường; giải Ba môn Ngữ văn cấp tỉnh; đạt danh hiệu “Học sinh 3 tốt” cấp tỉnh…

Đặc biệt, Quỳnh Anh vinh dự là 1 trong 142 học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) xuất sắc, tiêu biểu tham dự Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2022.

Với nỗ lực của mình, Quỳnh Anh đỗ chuyên ngành Ngôn ngữ Anh (Trường Đại học Hà Nội). Nhớ lại khoảng thời gian chờ kết quả, mọi người xung quanh đều bảo em rằng “đừng học đại học nữa”, “mày mà đi học đại học thì kiểu gì cũng bỏ giữa chừng thôi”.... Những lời nói đó khiến Quỳnh Anh tủi thân nhưng không thể dập tắt ước mơ học đại học của em. Bởi cô gái nhỏ muốn biết khi bước ra khỏi màn sương mờ, thế giới đang thay đổi thế nào.

“Tốt nghiệp THPT, các bạn đồng trang lứa với em đều lấy chồng, sinh con hoặc đi làm. Em không muốn mình bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn đó. Ngay từ năm còn học cấp 1, em tự dặn mình phải cố gắng học thật giỏi, đỗ đại học để thay đổi cuộc sống, giúp bố mẹ bớt khổ”, Quỳnh Anh chia sẻ.

Học để xây dựng bản làng

Quỳnh Anh năng nổ tham gia các hoạt động tình nguyện.
Quỳnh Anh năng nổ tham gia các hoạt động tình nguyện.

Nói về quyết định theo học ngành Ngôn ngữ Anh, cô cho biết, nơi em sinh sống, việc học Tiếng anh không được chú trọng. Người dân chỉ muốn con em mình tốt nghiệp hết THPT để dễ xin làm vào các khu công nghiệp dưới thành phố.

“Có nhiều con đường để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, nhưng em nghĩ con đường bền vững và tươi sáng nhất chính là học tập. Với xã hội không ngừng phát triển như hiện nay, học và trau dồi ngoại ngữ vô cùng quan trọng. Tiếng Anh không đơn thuần là học một ngôn ngữ, đây cũng là hành trang giúp các bạn trẻ như em khơi nguồn ước mơ, mở rộng hiểu biết về thế giới xung quanh. Đồng thời, em muốn sử dụng Tiếng Anh để lan toả nét đẹp văn hoá của người dân tộc Khơ Mú”, Quỳnh Anh bộc bạch.

Ngoài thời gian học tập trên giảng đường, Quỳnh Anh tự giác trau dồi kiến thức, kỹ năng mềm qua sách báo, mạng xã hội. Đồng thời, em cũng tranh thủ đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Ngọc Anh, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh cho biết, tuy gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng Quỳnh Anh luôn gương mẫu, lạc quan và mang đến năng lượng tích cực cho mọi người xung quanh.

Bên cạnh đó, Quỳnh Anh tích cực tham gia hoạt động tình nguyện. Hiện tại, Quỳnh Anh trở thành tình nguyện viên của Dự án “Sách này là để xây trường”. Dự án hoạt động với mục đích xin sách cũ và bán sách để góp quỹ xây trường cho các em nhỏ vùng cao ở Việt Nam.

Chia sẻ về ước mơ của mình, Quỳnh Anh cho biết, sau tốt nghiệp đại học, em muốn trở về xây dựng và phát triển quê hương, thay đổi tư tưởng của người dân về con đường học tập.

“Em muốn ngày càng nhiều hơn nữa bạn trẻ chọn học tập là điểm bắt đầu thay đổi cuộc đời. Đồng thời, lan toả câu chuyện của mình để giúp các bạn dân tộc thiểu số có thêm niềm tin, động lực cố gắng học tập”, Quỳnh Anh tâm sự.

Một trong những câu nói Quỳnh Anh thích và lấy làm kim chỉ nam: “Làm chiếc lá rơi xuống dòng sông, phó mặc bản thân cho con nước xiết. Hay làm tảng đá ngăn đôi dòng nước, thay đổi phương hướng của nước. Tùy bạn chọn!”.

Với Quỳnh Anh, em muốn trở thành tảng đá, tự mình vượt lên số phận để có tương lai tươi sáng hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.