Cô giáo say mê với mô hình VNEN

GD&TĐ - Cô Lê Thị Ánh Tuyết - Giáo viên phụ trách lớp 4A Trường Tiểu học Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) được nhiều HS, phụ huynh và đồng nghiệp đánh giá cao vì lòng yêu nghề, sự tâm huyết, chịu khó, sáng tạo, tiên phong trong việc thí điểm dạy học Mô hình Trường học mới (VNEN).

Cô Lê Ánh Tuyết là giáo viên chủ chốt trong nhóm dạy mô hình VNEN của trường Tiểu học Thạch Linh (TP Hà Tĩnh).
Cô Lê Ánh Tuyết là giáo viên chủ chốt trong nhóm dạy mô hình VNEN của trường Tiểu học Thạch Linh (TP Hà Tĩnh).

Nỗ lực với Mô hình Trường học mới

Năm nay là năm thứ hai Trường Tiểu học Thạch Linh triển khai giảng dạy theo chương trình VNEN, cũng là năm thứ hai cô Tuyết phụ trách hướng dẫn HS học tập theo mô hình GD mới này. 

Cô tâm sự: “Để dạy tốt chương trình VNEN, ngoài việc nắm vững phần lí thuyết qua tập huấn, tôi còn tìm tài liệu trên mạng, xem các video VNEN dạy mẫu.

 Lúc mới triển khai dạy chương trình mới này, tổ dạy VNEN liên tục sinh hoạt về chuyên môn trao đổi trong quá trình dạy, thiết kế, tổ chức lớp học cho phù hợp. 

Thời gian đầu tổ VNEN phải thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sau buổi dạy nên ít khi về nhà trước 7 giờ tối. Ngoài ra, thứ Bảy và Chủ nhật tổ cũng tổ chức trao đổi chuyên môn; Tuyên truyền và giải thích cho những giáo viên chưa dạy VNEN hiểu được những ưu điểm của chương trình dạy học mới này” - Cô Ánh Tuyết chia sẻ.

Chia sẻ về mô hình VNEN trong mỗi lớp học, cô Tuyết cho biết: Mỗi lớp đều thành lập một Hội đồng Tự quản (HĐTQ) do HS bầu. Chủ tịch HĐTQ, với 2 Phó Chủ tịch HĐTQ, 6 ban: Học tập, Đối ngoại, Quyền lợi HS, Văn nghệ, Vệ sinh. 

HS trong lớp tự đăng ký theo ban mà mình thấy phù hợp. Trưởng các ban được bầu theo hình thức ứng cử nhưng không cố định mà thường xuyên luân phiên để HS thể hiện được khả năng.

Khi tổ chức lớp học, đầu tiên cô hướng dẫn cụ thể cho từng trưởng ban trưởng điều hành, giải thích vai trò trưởng ban, tập riêng cách làm việc cho ban tự quản.

Hoạt động của HS chia theo ban nhưng lại ngồi học theo nhóm. Mỗi nhóm có khoảng 5, 6 em, 3 chiếc bàn cụm vào nhau cho để các em dễ dàng cùng thảo luận. Vai trò của nhóm trưởng rất quan trọng.

Cô Ánh Tuyết cho biết thêm: Điều quan trọng trong việc dạy chương trình VNEN là rèn được kỹ năng cho HS nhưng vẫn đảm bảo kiến thức, phát huy được tính tự quản. HS tự tin, sáng tạo hơn trong học tập cũng như cuộc sống.

Người tiên phong trong Mô hình VNEN của tỉnh

Thật thú vị khi chúng tôi được biết cô Ánh Tuyết chính là giáo viên trực tiếp triển khai dạy học theo Mô hình VNEN đầu tiên của TP Hà Tĩnh; đồng thời cô cũng là giáo viên dạy bồi dưỡng môn Văn có tiếng với nhiều HS đã đạt giải cao trong các kỳ thi HSG của TP. 

Cô cũng là giáo viên tiên phong triển khai các chuyên đề của VNEN để các trường bạn học tập. Cái đáng quý hơn cả là khi hỏi về cô Tuyết, hầu hết các phụ huynh HS đều bày tỏ tin tưởng khi con em mình được học ở lớp do cô làm chủ nhiệm.

Bước sang năm thứ hai triển khai chương trình VNEN, cô Ánh Tuyết đang được Ban Giám hiệu tiếp tục giao nhiệm vụ làm khối trưởng khối VNEN cho HS khối 4, trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn việc thực hiện mô hình mới này trong khối. 

Mặc dù so với khối cô phụ trách năm trước (khối 3), khối 4 nặng hơn về chương trình, nhưng cô vẫn tiên phong làm các chuyên đề VNEN cho Sở, Phòng GD&ĐT để cho trường bạn học tập. Không ngạc nhiên khi vừa qua cô được tập thể cán bộ giáo viên trường bầu làm cán bộ cốt cán về chương trình VNEN cấp tỉnh.

Cô Lê Thị Thúy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Linh - cho biết: “Cô Ánh Tuyết là một đảng viên tốt, sống vui vẻ chan hòa cùng tập thể, dám hy sinh, dám nghĩ, dám làm, là người tâm huyết với nghề dạy học. Cô từng đạt danh hiệu giáo viên giỏi tỉnh về dạy văn hóa và viết chữ đẹp. Trường rất cần những giáo viên như vậy”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.