Đó là cách dạy của cô giáo trẻ năng động Trần Thị Diệp (SN 1988, giáo viên Toán, Trường THPT Phúc Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh), cô là nhà giáo có nhiều sáng kiến cấp ngành về “Đổi mới, sáng tạo trong dạy học môn Toán” mang lại hứng thú học tập cho học sinh.
Dạy Toán trong vườn cây
Cô Trần Thị Diệp sinh ra và lớn lên ở xã Phú Phong (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), là con út trong gia đình có truyền thống dạy học, bố mẹ của cô có 7 người con thì 5 người là giáo viên, 2 người còn lại cũng công tác trong lĩnh vực liên quan đến ngành giáo dục.
Từ nhỏ, cô và các anh chị thường được bố mẹ chỉ dạy nghề giáo là nghề cao quý nhất. Chính vì thế, mơ ước sau này được đứng trên bục giảng luôn là động lực để cô học trò miền núi và các anh chị phấn đấu trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.
Cô Diệp (áo sọc) cùng học sinh trong giờ học ngoại khóa (Ảnh: NVCC). |
Sau khi tốt nghiệp THPT, cô Diệp đã lựa chọn thi vào Trường Đại học Vinh chuyên ngành Sư phạm Toán để theo đuổi ước mơ của mình. Năm 2010, cầm tấm bằng đại học trên tay, cô được phân về giảng dạy tại Trường THPT Phúc Trạch.
Về ngôi trường trên, mỗi ngày đi dạy, cô giáo Trần Thị Diệp phải vượt quãng đường hơn 15km bằng xe máy. Chuyện ướt mưa tầm tã hay nắng lịm người đã trở nên quá quen thuộc, thế nhưng điều đó cũng không khiến cô chùn bước khi trong cô luôn nghĩ rằng các học sinh còn vất vả hơn mình rất nhiều. Đặc biệt là vào mùa mưa lũ, nhìn từng dòng nước cuộn mà các em phải băng qua để đến trường khiến cô càng yêu thương học trò hơn.
“Ngôi trường tôi được phân về nằm giữa vùng đồi núi đầy nắng gió. Thời tiết khắc nghiệt, mùa hạ gió Lào táp cháy da, mùa đông rét cắt da cắt thịt. Tuy nhiên, những tình cảm ấm áp của học trò, phụ huynh, đồng nghiệp luôn là động lực, là ngọn lửa sưởi ấm trái tim tôi trong những tháng ngày gian khó đó”, cô Diệp thổ lộ.
Cô Diệp luôn truyền cảm hứng cho học sinh bằng phương pháp sáng tạo (Ảnh: NVCC). |
Niềm đam mê nghề gắn với tình yêu thương học trò đã khiến cô giáo trẻ không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học làm sao để truyền đạt kiến thức tốt nhất có thể đến với những em học sinh ở miền đất còn nhiều khó khăn. Chính vì thế, suốt 12 năm công tác, cô giáo Trần Thị Diệp đã có nhiều sáng kiến kiến cấp ngành về “Đổi mới, sáng tạo trong dạy học môn Toán” mang lại hứng thú cho học sinh về môn khoa học khô khan, “khó nhằn” này.
Cô Diệp chia sẻ, thực tế mỗi khoa học đều mang một vẻ đẹp riêng. Toán học cũng không phải là ngoại lệ và cô muốn truyền đạt vẻ đẹp ấy cho học sinh thông qua những khai phá mới mẻ, để học sinh thấy rằng, Toán học không hẳn là khô khan, giờ học Toán không phải là thời khắc căng thẳng, nặng nề và đưa các em vui với niềm vui sáng tạo.
Buổi học Toán trong vườn cây của cô trò Trường THPT Phúc Trạch (Ảnh: NVCC). |
“Có một ví dụ nhỏ như trong giờ học thống kê, thường thì các em sẽ làm việc với các số liệu trên giấy vô cùng phức tạp. Tôi chợt nghĩ, sao mình không làm khác đi. Và tôi đã tổ chức một buổi đo đạc số liệu từ các mẫu thực tế là các cây trong vườn trường.
Trong tiết học ấy, các em được hoà mình với thiên nhiên, vừa thực hành toán vừa tìm hiểu được lịch sử vườn trường, lịch sử các loài cây, đó là là một trải nghiệm thú vị”, cô Diệp đưa ra một ví dụ thực tế trong quá trình giảng dạy.
Từ đam mê đọc sách đến cây viết truyện ngắn trẻ với những thành công bước đầu
Điều đặc biệt trong câu chuyện này là không chỉ có nhiều đóng góp trong việc giảng dạy môn Toán mà cô Diệp còn là một cây bút trẻ với niềm say mê viết Văn và đã có những tác phẩm được nhiều người biết đến.
Cô Diệp vinh dự nhận giải thưởng trong buổi Lễ tổng kết cuộc thi bút ký và phóng sự "Hà Tĩnh trên đường phát triển" (Ảnh: NVCC). |
Bắt đầu viết Văn từ năm 2014, đến nay cô giáo Trần Thị Diệp đã có nhiều truyện ngắn và bút ký đăng trên các tạp chí Trung ương và địa phương, người ta có thể bắt gặp một tác giả Trần Ngọc Diệp với những dòng văn đầy thổn thức, đi sâu vào tận đáy lòng người.
Năm 2019, cô tham gia cuộc thi truyện ngắn “Lửa mới” trên tạp chí Văn nghệ quân đội và có tác phẩm lọt vòng chung khảo. Cô cũng có tác phẩm được lựa chọn in trong tuyển tập “Truyện ngắn hay 2020” của Nhà xuất bản Văn học, tuyển tập truyện ngắn hay cuộc thi Lửa mới của Nhà xuất bản Hội nhà văn và đạt giải Tư cuộc thi “45 năm rực rỡ tên vàng” do Báo Người lao động tổ chức.
Tháng 6 vừa qua, cô giáo Trần Thị Diệp vinh dự là một trong hai đại biểu của tỉnh Hà Tĩnh được dự hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X tại Đà Nẵng.
Trần Ngọc Diệp vinh dự được gặp Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị viết Văn trẻ toàn quốc lần thứ X diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 6/2022 (Ảnh: NVCC). |
Chia sẻ về đam mê viết văn của mình, cô Diệp nói: “Tôi đến với văn chương có lẽ trước cả khi đến với khoa học, Toán học. Tình yêu với văn chương bắt đầu từ những quyển sách trên giá sách của cha mẹ ngày xưa.
Tôi rất cảm ơn cha mẹ vì đã truyền cho chúng tôi niềm say mê với việc đọc từ khi còn rất nhỏ. Hồi nhỏ chúng tôi đọc sách mỗi ngày, đọc dưới gốc cây, đọc trên cánh võng, đọc sách mỗi khi rảnh. Và chính niềm say mê đó đã dẫn lối tới đam mê viết văn bây giờ".
Cô giáo trẻ bộc bạch: “Với tôi viết văn là niềm đam mê. Tôi dự định xuất bản một tập truyện ngắn trong thời gian tới".
Những tác phẩm của cô Diệp được chọn lựa xuất bản trong nhiều ấn phẩm nổi tiếng. |
Chia sẻ về bí quyết để có thể vừa dạy Toán, vừa theo đuổi viết văn và cân bằng cuộc sống gia đình, cô Diệp tâm sự: “Tôi luôn tìm thấy niềm vui trong công việc. Khi dạy học, nghiên cứu khoa học hay viết Văn, tôi đều cảm thấy hạnh phúc. Đó có lẽ là lí do quan trọng nhất giúp tôi hoàn thành mọi thứ một cách rất nhẹ nhàng.
Tôi bắt đầu giải một bài toán khó hay gõ những dòng đầu tiên của bản thảo văn chương đều bằng tâm thế say mê và háo hức, như thể mình sắp sửa mở ra một cánh cửa với rất nhiều điều thú vị đang chờ. Ngoài ra tôi cũng cảm thấy may mắn khi mình nhận được nhiều sự yêu thương hỗ trợ từ người thân và bạn bè đồng nghiệp nữa".
Với những đóng góp của mình trong sự nghiệp giáo dục, nhiều năm liền, cô Diệp đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” của toàn ngành.
Dự định về thời gian tới, cô Diệp nói: “Khi chương trình giáo dục phổ thông mới đã bắt đầu từ năm học này ở lớp 10, tôi mong muốn nghiên cứu kỹ hơn về chương trình này cũng như tìm tòi nhiều phương pháp mới hơn để kích thích sự sáng tạo của học sinh phù hợp với thực tiễn mới".
Thầy Hồ Đức Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Trạch cho biết, cô Trần Thị Diệp có phẩm chất đạo đức nhà giáo mẫu mực; một trong những tấm gương năng động sáng tạo; luôn tích cực tham gia trong các hoạt động văn hóa văn nghệ, điển hình như tham gia viết văn.
Ở trường cô giáo Trần Thị Diệp luôn thân thiện, quan tâm, chia sẻ những khó khăn với đồng nghiệp. Cô cũng được nhà trường tin tưởng và phân công chủ nhiệm lớp chọn, hàng năm các khóa của cô khá thành công cả về kiến thức và kỹ năng sống.