Cô giáo Mai Thị Chi Thoa: Yêu nghề là không ngừng sáng tạo

GD&TĐ - 17 năm làm giáo viên mầm non, tình yêu trẻ thơ và lòng say mê công việc đã giúp cô Mai Thị Chi Thoa luôn có những giải pháp, sáng kiến để hoàn thành tốt sứ mệnh vừa giáo dục, vừa chăm sóc nuôi dưỡng trẻ.

Cô giáo Mai Thị Chi Thoa.
Cô giáo Mai Thị Chi Thoa.

Kích thích sự sáng tạo của trẻ

Các bé lớp Lá, Trường Mầm non Quy Nhơn, TP Quy Nhơn (Bình Định) trở nên chăm chú hơn khi cô Mai Thị Chi Thoa mở bài hát Hoa cúc vàng. Trên nền nhạc sôi động của bài hát, các bé được ngắm hình ảnh các loại hoa cúc nên rất dễ thuộc bài thơ Hoa cúc vàng. Cuối giờ học, cô Thoa chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ rồi tổ chức chơi trò rung chuông vàng, trả lời nhanh các câu hỏi liên quan đến hoa cúc.

Cô Thoa chia sẻ: “Ngoài bài giảng, chúng tôi sử dụng phần mềm Kidsmart để hỗ trợ trò chơi hoặc tạo ra những hoạt động trải nghiệm cho trẻ làm lính cứu hỏa, công an, nông dân, nội trợ... giúp trẻ phát triển tư duy. Chúng tôi còn sử dụng phần mềm trình chiếu các trò chơi, bài giảng lên màn hình lớn như ti vi hoặc máy chiều, giúp trẻ tiếp thu bài giảng tốt hơn”.

Nhiều năm đảm nhiệm dạy lớp Lá, cô Thoa đã suy nghĩ nhiều về các phương pháp dạy học mới để chuẩn bị tâm thế tốt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Sáng kiến “Phát triển tư duy cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi thông qua phương pháp học dựa vào vấn đề” của cô trong năm học 2020 – 2021 đã giúp trẻ có được vốn từ phong phú, khả năng diễn đạt tốt.

Cô Chi Thoa luôn nhớ những căn dặn của Bác Hồ: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt, dạy trẻ tốt thì sau này các cháu thành người tốt...”. 

Để áp dụng phương pháp học dựa vào vấn đề, theo cô Thoa, đòi hỏi GV phải theo dõi, quan sát xem trẻ thích tập trung vào những sự vật hoặc trò chơi gì.

Ví dụ, khi ra sân chơi, nếu thấy một nhóm trẻ thích thú với các món đồ chơi được làm từ lá cây, GV sẽ dựa vào đó để hướng dẫn trẻ dựa trên sự hiểu biết đang có của trẻ, cộng thêm sự dẫn dắt của GV để trẻ nắm tốt hơn về vấn đề trẻ đang quan tâm. Hay để phân biệt màu sắc của các loại lá cây, tên gọi, cách tạo hình một số con vật từ lá cây...

Giờ học sinh động và vui nhộn lớp Lá do cô Mai Thị Chi Thoa đứng lớp.
Giờ học sinh động và vui nhộn lớp Lá do cô Mai Thị Chi Thoa đứng lớp.

Cô Chi Thoa chia sẻ: “Trẻ lớp Lá bắt đầu làm quen với chữ cái, số đếm. Theo yêu cầu của chương trình, ở độ tuổi này, trẻ chỉ tập tô, nhận diện chữ cái, số... Thế nhưng rất nhiều phụ huynh mong muốn trẻ phải biết viết thành thạo, biết ghép vần, đọc tiếng... nghĩa là học trước chương trình lớp Một.

Giáo viên vì vậy vừa đảm bảo sao cho trẻ đạt chuẩn đầu ra của chương trình phổ cập 5 tuổi, vừa phải giải thích, tư vấn cho phụ huynh chuẩn bị tốt những kỹ năng cần thiết cho trẻ trước khi vào lớp Một”.

Khi yêu thương được nói thành lời

Cô giáo Mai Thị Chi Thoa thường xuyên chia sẻ, trao đổi thông tin với phụ huynh để có thể phối hợp tốt trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.

Và từ câu chuyện của một phụ huynh về điều kiện gia đình, buộc phải gửi con cho hàng xóm sau giờ đón trẻ do nhà neo người, nhưng chắp nối qua lời kể của con trẻ, có vẻ như bé không được an toàn, dù sự việc chưa phải ở mức nghiêm trọng.

Một mặt, cô Chi Thoa tư vấn cho phụ huynh cố gắng sắp xếp công việc để đảm bảo thời gian chăm sóc con, mặt khác, cô Thoa bắt đầu triển khai các tiết học giáo dục giới tính để trẻ có những kỹ năng nhằm phòng tránh xâm hại.

Sự gần gũi, trao đổi thông tin giữa giáo viên và phụ huynh đã giúp cô Thoa có nhiều sáng kiến trong dạy học và chăm sóc trẻ
Sự gần gũi, trao đổi thông tin giữa giáo viên và phụ huynh đã giúp cô Thoa có nhiều sáng kiến trong dạy học và chăm sóc trẻ

“Ở độ tuổi mầm non, để hướng dẫn trẻ có những hiểu biết về giới tính, GV phải có cách truyền đạt thật dễ hiểu nhưng cũng phải khéo léo và đặc biệt làm sao để trẻ không tò mò mà vẫn đảm bảo được sự an toàn của bản thân. Đó là thách thức không nhỏ đối với GV” – cô Thoa kể.

Được sự ủng hộ của phụ huynh cũng như sự tiếp nhận tốt của trẻ, trẻ biết khi thay quần áo phải chọn nơi kín đáo, cách giữ gìn vệ sinh thân thể, đặc biệt là quy tắc “5 vòng tròn giúp trẻ an toàn”, cô Chi Thoa  đúc rút thành sáng kiến “Một số biện pháp nâng cao nhận thức giáo dục giới tính cho trẻ trong trường mầm non” ở năm học 2019 – 2020.

Với những sáng tạo không ngừng, mỗi giờ lên lớp của cô Chi Thoa thật sự sinh động và hấp dẫn. Cô đã trở thành gương mặt tiêu biểu của nhà trường và là cộng tác viên tích cực tham gia dạy các hoạt động minh họa chuyên đề chuyên môn do Sở GD&ĐT Bình Định, Phòng GDĐT thành phố Quy Nhơn tổ chức.

Nhiều năm liền cô Mai Thị Chi Thoa đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp thành phố và đạt giải Nhì Hội thi Giáo viên dạy giỏi mầm non cấp tỉnh năm học 2020-2021.

Ghi nhận sự nỗ lực và đóng góp của cô giáo Mai Thị Chi Thoa, UBND thành phố đã công nhận cô là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 3 năm liền (2018-2019, 2019-2020, 2020-2021); UBND tỉnh tặng Bằng khen đạt thành tích xuất sắc năm học 2020-2021. Đây chính là phần thưởng quý báu, là nguồn động viên to lớn để cô có thêm niềm tin và nghị lực tiếp tục bước về phía trước bằng tất cả tình yêu thương dành cho con trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…