Cô giáo Pa Cô nặng lòng với học trò vùng cao xứ Huế

GD&TĐ - Bén duyên với mảnh đất vùng cao xứ Huế, cô giáo Pa Cô vẫn miệt mài gieo chữ, lan tỏa nguồn cảm hứng và trao yêu thương cho học trò nơi đây.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền và các em học sinh vùng cao huyện A Lưới.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền và các em học sinh vùng cao huyện A Lưới.

Vượt lên nghịch cảnh

Không được may mắn như bạn bè đồng trang lứa, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1985) là người dân tộc Pa Cô, ba mẹ mất từ nhỏ, sau đó cô được nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Làng trẻ em SOS Huế).

Thời gian sống ở Trung tâm, cô Hiền không đơn độc mà luôn có sự đồng hành của bạn bè, những người cô nuôi đã động viên, chăm sóc, cho cô theo học. Đó cũng chính là động lực nuôi dưỡng trong tâm hồn, gieo ước mơ trở thành một nhà giáo của cô.

“Từ tiểu học cho đến cấp 3, ngày ngày trên chiếc xe đạp, tôi chăm chỉ đến lớp, tối về xem lại kiến thức đã học. Tôi đều cố gắng từng ngày, đặt ra mục tiêu phấn đấu thực hiện”, cô Hiền chia sẻ.

Hinh 5 - Co giao Pa Co ‘nang long’ voi hoc tro vung cao.jpg
Cô Hiền cùng người cô đỡ đầu (áo hồng) và bảo mẫu (đứng hàng sau, áo trắng, đeo kính) đã chăm sóc, nuôi dưỡng cô khi ở Trung tâm bảo trợ trẻ em.

Nở một nụ cười thân thiện, cô Hiền gợi tiếp lại những ký ức của một thời mà bản thân theo đuổi ước mơ. Sau khi tốt nghiệp THPT, cô đã thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Tại đây, cô ở ký túc xá của trường, vừa học, vừa đi làm thêm kiếm tiền trang trải và dồn hết tâm huyết của mình vào quá trình học tập, rèn luyện.

Tốt nghiệp đại học, cô trở về quê hương và bén duyên với mảnh đất vùng cao huyện A Lưới. Cô được phân công giảng dạy môn Địa lý tại Trường THCS Quang Trung (xã Hồng Quảng, huyện A Lưới).

Cũng trong khoảng thời gian đó, cô Hiền cũng đã lập gia đình, tuy nhiên vì nhiều yếu tố mà hôn nhân của cô cũng không trọn vẹn, để lại cô cùng 2 người con. Dù cuộc sống có bộn bề vất vả nhưng vì tình yêu dành cho các con và học sinh, cô không nản lòng và quyết tâm vượt qua để tiếp tục với cuộc sống, với ước mơ của mình.

Sau khoảng 8 năm công tác, cô giáo Hiền đã được chuyển đến tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện A Lưới. Thấy hoàn cảnh khó khăn của cô khi một mình nuôi 2 con nhỏ, không có nhà để ở, Ban Giám hiệu cùng các thầy, cô trong trường đã đồng cảm, hỗ trợ và tạo điều kiện cho mẹ con cô ở tại khu nội trú của trường.

Hinh 3 - Co giao Pa Co ‘nang long’ voi hoc tro vung cao.jpg
Khoảnh khắc cô Hiền cùng các em học sinh trong giờ ra chơi.

Được biết, ngoài thời gian đứng lớp, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, cô Hiền lại bán thêm một số mặt hàng mỹ phẩm online để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống của 3 mẹ con.

Nặng lòng với học trò vùng cao

Với tinh thần vượt khó, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền đã lan tỏa tinh thần học tập, “truyền lửa” cho các con và học sinh vùng cao của huyện A Lưới.

Đối với các con, cô luôn là một người mẹ gương mẫu, hết mực yêu thương, chăm sóc con. Cô có 2 người con là Khăm Si Hà Mi năm nay học lớp 7 và Khăm Nguyễn Sĩ Minh năm nay học lớp 2.

Cô Hiền chia sẻ, hai con rất ngoan ngoãn nghe lời, ngoài thời gian học, lúc rảnh rỗi, Hà Mi còn giúp mẹ nấu cơm, quét nhà,... trong học tập, nếu con không hiểu, cô sẽ giảng bài, hướng dẫn cho các con như các em học sinh trên lớp vậy.

Đối với công việc, cô Hiền là một người năng nổ, tâm huyết với nghề và dành nhiều tình cảm cho học sinh. Tại vùng cao A Lưới, các em chủ yếu là người dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi, Vân Kiều,... cuộc sống nhiều thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần, có em nhà xa không có xe đạp đi học, có em phải đi bộ trong thời tiết khắc nghiệt để đến lớp, mùa đông không có áo ấm mặc,... vì vậy mà nhiều em đã phải nghỉ học, rời xa “con chữ”.

Là người vừa đứng lớp giảng dạy, vừa tham gia công tác chủ nhiệm, cô Hiền đã đến nhà vận động, chia sẻ cùng gia đình và các em; đồng thời quyên góp thêm sách vở, khăn quàng,... tìm mọi cách cho các em được đến trường.

Nói về kỷ niệm với nghề, nhớ lại vài năm trước, lớp chủ nhiệm của cô có học sinh tên Q. bị bệnh hiểm nghèo, vì tự ti về bản thân mà có ý định nghỉ học, nhưng cô Hiền và tập thể lớp đã không để cho Q. bị bỏ lại phía sau, luôn động viên, an ủi và tất cả đều cùng mong muốn cho em được mạnh khỏe, xóa bỏ mặc cảm bản thân, tiếp tục đồng hành trên con đường học tập.

Là giáo viên dạy Địa lý, cô Hiền cũng luôn chú ý đến phương pháp giảng dạy để tạo nguồn cảm hứng cho học sinh. Thay vì chỉ dạy lý thuyết, cô còn đan xen các câu chuyện về tấm gương vượt khó, những vị anh hùng dân tộc hay đặt ra các tình huống, câu hỏi mở cho học sinh thảo luận, đưa ra các quan điểm và gợi ý cách giải quyết vấn đề,... nhằm giúp các em có phương pháp học hiệu quả hơn.

Với đặc trưng của huyện A Lưới, học sinh nơi đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên khả năng tiếp cận kiến thức cũng khác nhau, những lúc giảng dạy, cô Hiền luôn lấy các em là trung tâm, em nào chưa hiểu bài thì đến từng em cố gắng truyền đạt, giải thích để các em hiểu và nắm được bài.

Hinh 1 - Co giao Pa Co ‘nang long’ voi hoc tro vung cao.jpg
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền với học sinh tại lớp học.

Cuối cuộc trò chuyện, nói về mong muốn của mình, cô Hiền bộc bạch: “Tôi chỉ mong các con lớn nhanh để tôi được yên tâm và có thể được gần gũi nhiều hơn với học trò của mình, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, tôi muốn được đến đó để tiếp tục đồng hành cùng các em.

Tôi cũng rất biết ơn nhà trường cùng các đồng nghiệp đã tạo điều kiện cho tôi, và cũng mong rằng, mạnh thường quân có thể quan tâm nhiều hơn nữa đến các em học sinh ở vùng cao, bởi đến thực tế mới thấy được các em tội nghiệp và đáng thương như thế nào”.

Dù gian nan, vất vả nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền luôn nỗ lực hết mình, dành trọn tình yêu thương cho học trò, tiếp tục cống hiến, ươm mầm tri thức đến vùng cao.

Chia sẻ về người đồng nghiệp của mình, thầy Hoàng Trọng Nho – Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện A Lưới cho biết, cô Nguyễn Thị Thu Hiền là một giáo viên năng nổ, nhiệt huyết, luôn dành trọn niềm đam mê với nghề và có ý chí và nghị lực vươn lên. Hoàn cảnh của cô hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, nhà trường cũng đã ưu tiên cho 3 mẹ con cô ở tại khu nội trú của trường; đồng thời mỗi dịp lễ, tết, nhà trường cũng luôn có những suất quà hỗ trợ, động viên tinh thần cho cô.

“Trong công tác chuyên môn, chúng tôi cũng ưu tiên sắp xếp các tiết dạy hợp lý phù hợp cho cô, những lúc cô hay con cái ốm đau, chúng tôi cũng hết sức tạo điều kiện để cô có thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc con cái.

Ngoài ra, nhà trường cũng có quỹ tham quan của giáo viên đóng góp nhưng cũng sẽ ưu tiên sử dụng số tiền đó cho cô Hiền vay để trang trải cuộc sống”, thầy Nho chia sẻ thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.