Đưa cổ phục Huế vào hoạt động giáo dục

GD&TĐ - Lan tỏa cổ phục Huế trong đời sống đương đại và đưa vào hoạt động giáo dục ở các trường THCS là đề tài được nghiên cứu bởi nhóm HS TP Huế.

2 cô giáo cùng nhóm nghiên cứu đến tham khảo ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa.
2 cô giáo cùng nhóm nghiên cứu đến tham khảo ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa.

Tuổi nhỏ, việc lớn

Cổ phục Việt Nam là một nét đẹp văn hóa của dân tộc, được gìn giữ và lưu truyền đến ngày nay. Trong đó, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương tiêu biểu trong việc lan tỏa mạnh mẽ cổ phục, trở thành nét đặc sắc trong Di sản văn hóa phi vật thể cần được lưu giữ và phát huy.

Nhận thức được giá trị của cổ phục và mong muốn lan tỏa trong đời sống, đồng thời đưa vào hoạt động giáo dục, Trịnh Thị Khánh Linh và Nguyễn Lê Vĩnh Khang, học sinh lớp 9 Trường THCS Chu Văn An (TP Huế, Thừa Thiên Huế) năm học 2023 - 2024 đã thực hiện đề tài “Lan tỏa cổ phục Huế trong đời sống đương đại và đưa cổ phục Huế vào hoạt động giáo dục ở các trường THCS TP Huế”.

Đề tài đã đánh giá thực trạng và đưa ra một số giải pháp lan tỏa cổ phục Huế để có thể đưa vào các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tăng cường kiến thức về giáo dục di sản văn hóa Huế cho học sinh, nâng cao nhận thức về lịch sử truyền thống.

Khánh Linh cho biết, Với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, số người sử dụng trang phục truyền thống không nhiều. Trong nhà trường, học sinh càng ít biết đến trang phục truyền thống. Những chiếc áo Nhật Bình, áo ngũ thân là trang phục truyền thống rất đẹp, tại sao không lan tỏa vẻ đẹp của cổ phục đến với mọi người?

Để giúp các bạn học sinh nâng cao nhận thức, bảo tồn, gìn giữ hình ảnh, giá trị và có thói quen mặc áo dài, cổ phục, Linh và Khang đề xuất nhiều giải pháp để các bạn có những trải nghiệm và hiểu biết phong phú về cổ phục.

Để thực hiện đề tài, Khánh Linh và Vĩnh Khang đã mất nhiều thời gian, công sức tìm hiểu kỹ về cổ phục Huế thông qua sách báo, ý kiến của cô giáo, các chuyên gia, tham khảo nhiều nguồn tài liệu,... Sau đó, nhóm lập ra mẫu khảo sát online gửi đi các trường ở TP Huế để lấy ý kiến hàng trăm học sinh, giáo viên nhằm có số liệu phục vụ đề tài.

Đề tài nghiên cứu có thể áp dụng vào thực tiễn, trong đó có các nội dung như xây dựng các kênh truyền thông (website, Facebook, YouTube,...), bản đồ điện tử hỗ trợ khách du lịch tìm hiểu cổ phục, bản đồ “Tuyến du lịch check-in cổ phục Huế” để cung cấp thông tin chi tiết, các địa điểm du lịch phù hợp có địa chỉ thuê/may cổ phục.

Với một lượng lớn tài liệu tham khảo, ban ngày thì đi học nên Linh và Khang chủ yếu làm việc vào ban đêm, cứ có thời gian rảnh là lại nghiên cứu đề tài. “Đôi lúc vất vả, mệt mỏi, gặp khó khăn trong việc chọn lọc tài liệu và kiến thức, tưởng chừng như dừng lại việc nghiên cứu, nhưng chúng em muốn đem giá trị tốt đẹp cổ phục Huế đến với các bạn, vì vậy nhóm đã không bỏ cuộc mà lại lấy đó làm nền tảng, động lực để cố gắng vượt qua”, Khánh Linh chia sẻ.

dua co phuc hue vao hoat dong giao duc (1).jpg
Nhóm nghiên cứu thuyết minh đề tài tại cuộc thi.

Lan tỏa giá trị văn hóa

Khánh Linh và Vĩnh Khang ngày đêm cố gắng không ngừng để hoàn thiện sản phẩm. Được biết, cả 2 đều có thành tích học tập tốt, nhiều năng khiếu, trong đó môn tiếng Anh và công nghệ thông tin là một thế mạnh. “Chúng em xây dựng 3 cuốn cẩm nang bằng tiếng Việt và tiếng Anh, thể hiện các thông tin quan trọng và hấp dẫn phục vụ hữu ích cho các hoạt động giáo dục và quảng bá du lịch, với mục đích không chỉ lan tỏa đến học sinh trong nước mà còn hướng đến du khách nước ngoài”, Vĩnh Khang nói.

Cô Nguyễn Phước Thư Quỳnh là giáo viên hướng dẫn đề tài chia sẻ, việc thực hiện đề tài của Khánh Linh và Vĩnh Khang nhận được sự ủng hộ của nhà trường vì tính sáng tạo, mới mẻ. Cô đã cùng đồng nghiệp Ngô Quang Bảo Ngọc hướng dẫn các em thực hiện đề tài cấp trường.

“Áo dài không chỉ là văn hóa ăn mặc mà còn là một quá trình lịch sử và rất phù hợp để học sinh được tiếp cận. Sau khi thi cấp trường, chúng tôi đưa các em đi gặp gỡ các chuyên gia hàng đầu về áo dài để tham khảo, hỏi ý kiến và nhận được sự hỗ trợ, quan tâm rất nhiệt tình.

Có thể thấy rằng, quá trình thực hiện đề tài của các em gặp nhiều thuận lợi. Tôi cũng hy vọng rằng, các giải pháp của đề tài có thể có mặt ở nội dung của chương trình giáo dục địa phương lớp 9 trong thời gian gần nhất, để cô trò cùng nhà trường tiếp tục phát triển thêm các giải pháp hay hơn nữa”, cô Quỳnh nói.

Với những hoạt động và giải pháp của đề tài, trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu mong muốn đề tài không chỉ phù hợp với giáo dục ở Huế mà còn lan tỏa đến các tỉnh thành trong cả nước về giá trị, nét đẹp của cổ phục. Có thể thấy rằng, sự thành công của đề tài chính là nhờ sự chủ động, sáng tạo của nhóm nghiên cứu, 2 em học sinh đã lên ý tưởng, triển khai thực hiện, giáo viên hướng dẫn chỉ mang tính chất định hướng, phần còn lại là các em chủ động thực hiện.

Cô Lê Thị Hồng Giang - Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An đánh giá rằng, đây là một đề tài mang tính thời sự, gắn với thực tiễn, nhất là giai đoạn Thừa Thiên Huế phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc thù là đô thị di sản. Bên cạnh đó, đề tài còn giúp cho học sinh trong thời kỳ hội nhập giữ được nét văn hóa dân tộc trước nhiều nguồn văn hóa ngoại lai độc hại xâm nhập vào nước ta.

“Song song với việc giáo dục kiến thức, nhà trường luôn chú trọng tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa nghệ thuật, hoạt động giao lưu, trải nghiệm di sản văn hóa, tổ chức ngày hội giáo dục, xây dựng các câu lạc bộ của học sinh...

Với đề tài trên, trải qua nhiều cuộc thi, các em đang tiếp tục phát huy giá trị của đề tài trong thời gian tới thông qua các hoạt động: Vẽ, viết, thiết kế áo dài, phối hợp với thư viện tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao tổ chức các lễ hội,... để quảng bá hình ảnh, nét đẹp của cổ phục Huế; từ đó tạo thêm sân chơi cho học sinh cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và với Huế nói riêng”, cô Giang nhấn mạnh.

Với sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng của nhóm nghiên cứu, đề tài “Lan tỏa cổ phục Huế trong đời sống đương đại và đưa cổ phục Huế vào hoạt động giáo dục ở các trường THCS TP Huế” được hoàn thiện dần theo thời gian và trải qua nhiều cuộc thi, đoạt được nhiều giải ở các cấp gồm:

Giải Nhì cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp trường; giải Nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp TP Huế và cấp tỉnh; giải Đặc biệt cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng cấp TP Huế; giải Nhất về lĩnh vực đồ dùng học tập Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVII năm 2024.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Diễn sâu kịch bản vụng

GD&TĐ - Ukraine càng thêm khó khăn trong cuộc chiến với Nga thì quyết định cho phép của Mỹ và Anh sẽ càng đến nhanh.