Bén duyên với nghề giáo
Sinh ra và lớn lên tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), Lê Thị Anh Minh đã tận mắt chứng kiến những vất vả, nhọc nhằn của người dân vùng nông thôn và đặc biệt là đồng bào sinh sống ở các xã miền núi. Đây cũng động lực để Anh Minh quyết tâm thay đổi cuộc sống bằng con đường học tập.
Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, gạt bỏ những cơ hội nghề nghiệp rộng mở ở nơi phố thị, Lê Thị Anh Minh trở về quê để hiện thực hóa ước mơ “truyền lửa” niềm say mê học tiếng Anh cho học sinh miền núi.
Năm 2013, Anh Minh đến nhận công tác tại Trường Tiểu học Thu Cúc 2 thuộc huyện vùng núi Tân Sơn, Phú Thọ. Khi đó, Trường Thu Cúc 2 là một đơn vị giáo dục còn nhiều khó khăn với học sinh 100% là đồng bào dân tộc Mường, Dao... Dạy học các môn văn hóa cơ bản còn nhiều trở ngại nên việc dạy học tiếng Anh ở đây còn khó khăn gấp bội.
Trường Thu Cúc 2 cách nhà cô giáo Anh Minh khoảng 60km, lúc mới đến nhận công tác, cũng như nhiều giáo viên khác Anh Minh phải ở trong khu tập thể của nhà trường.
Nhớ về những ngày đầu mới về trường dạy, do có sự khác nhau về phong tục, tập quán và sự bất đồng về ngôn ngữ nên việc làm quen và tìm phương pháp hiệu quả là điều rất quan trọng với một gaiso viên mới vào nghề. Nhưng cũng chính từ những trở ngại đó, cô nhận được sự quan tâm, chia sẻ và yêu thương của Ban giám hiệu nhà trường, của đồng nghiệp, của học sinh để làm tốt nhiệm vụ được giao.
“Trường Thu Cúc 2 lúc đó bắt đầu dạy học tiếng Anh cho học sinh tiểu học, các em nhỏ lần đầu tiếp xúc với ngoại ngữ nên rất bỡ ngỡ. Học sinh nhút nhát, ngại giao tiếp bằng tiếng Anh. Trang thiết bị ở trường lúc đó gần như chưa có gì phục vụ chuyên biệt cho công tác dạy ngoại ngữ. Tuy nhiên, mình xác định phải khắc phục khó khăn để đưa tiếng Anh đến gần với học sinh của mình hơn, giúp các em từ từ hiểu và hòa nhập với môn học”, Anh Minh tâm sự.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình “gõ đầu trẻ” tại trường Thu Cúc 2, cô Anh Minh cho biết: Đó là ngày 20/11, đầu tiên khi mình về dạy học tại trường, cũng hiểu là học sinh và phụ huynh rất khó khăn nên cũng không mong đợi gì quà tri ân của các em, chỉ mong các em chăm chỉ học tập là vui rồi.
Nhưng không ngờ mình cũng có quà, một món quà đặc biệt mà mình vẫn còn giữ lại đến bây giờ, đó là những bôm hua mào gà dại. Các em nhỏ hồn nhiên ngắt hoa trên đồi, ven đường đến trường tặng cho mình, tấm lòng của các em khiến mình rất xúc động. Đấy cũng là động lực để mình công tác tốt hơn.
Những cống hiến thầm lặng
Sau 2 năm công tác Trường Tiểu học Thu Cúc 2, cô Anh Minh chuyển về dạy học tại Trường Tiểu học Tân Phú. Nói là trường trung tâm của huyện nhưng học sinh của Tân Phú cũng hầu hết là người dân tộc thiểu số, mức độ quan tâm đến môn tiếng Anh của phụ huynh và các em lúc đó chưa cao.
Thời gian trên lớp quá ít để các em thực hành kỹ năng nói, đọc hay giao tiếp; ở nhà, phụ huỵnh lại không có kiến thức để kèm cặp thêm cho con môn ngoại ngữ, vì vậy nhiều học sinh thấy môn tiếng Anh khó học nên có phần e ngại.
Cô Anh Minh cho biết, quá trình dạy học tại một địa bàn miền núi với bất kỳ một giáo viên nào đều vấp phải những khó khăn đó. Chính vì vậy, để không bị rơi vào tình huống nói trên, cô không ngừng tìm tòi, đổi mới ý tưởng và lựa chọn cách dẫn dắt cho thật khéo léo, tự nhiên mà vẫn đạt được mục đích của bài giảng.
Bằng tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, cô giáo Anh Minh tìm hiểu, nghiên cứu các tiết học mẫu qua các kênh thông tin đại chúng, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp đi trước để từ đó tìm ra cách dạy phù hợp cho học sinh miền núi. Từ thực tiễn đó, để nâng cao hiệu quả, chất lượng của tiết học tiếng Anh, quan trọng nhất phải tạo cho các em sự hứng thú chứ không phải là bắt buộc.
Theo cô Anh Minh: Tiếng Anh không chỉ là ngôn ngữ để giao tiếp với thế giới, mà nó còn là phương tiện để nhận thức và tư duy trong cuộc sống. Vì vậy mình cố gắng dành thời gian để tìm hiểu tâm lý học sinh để thấu hiểu các em, từ đó tìm cách truyền thụ kiến thức cho học sinh một cách linh hoạt và phù hợp. Thông qua các hoạt động vui chơi của học sinh, những mẩu giấy dán trên bảng, đồ vật... qua đó có thể tiếp nhận kiến thức một cách nhẹ nhàng.
Địa bàn huyện Tân Sơn không có nhiều người nước ngoài sinh sống, làm việc, cũng không tiện đường để khách du lịch nước ngoài đến, mà trong học ngoại ngữ việc được giao tiếp với người nước ngoài rất quan trọng. Anh Minh đã khắc phục khó khăn đó bằng cách kết hợp dạy và học thông qua các lớp học không biên giới, cộng đồng giáo dục.
Cô Anh Minh kết nối với giáo viên cả các nước như Anh, Mỹ, Ấn Độ hoặc các giáo viên và học sinh trong nước... thông qua các phương tiện như Skype, Zoom...để cho các em được tiếp xúc. Những lần đầu kết nối các em rất ngại giao tiếp hay cầm hình để xuất hiên sau nhiều lần được giao lưu thì dần dần các em đã tự tin lên rất nhiều khi giao tiếp bằng ngoại ngữ đối với nhau và với người nước ngoài.
“Điểm may mắn cho mình là nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện dạy học của Phòng GD&ĐT huyện cùng Ban giám hiệu nhà trường. Mỗi khi tổ chức kết nối giao lưu, lãnh đạo nhà trường đều dự giờ để động viên và đánh giá hiệu quả hoạt động dạy và học tiếng Anh. Sau khi nhận thấy sự hiệu quả các hoạt động nhà trường lại cổ vũ, động viên các giáo viên có sự đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, cô Anh Minh chia sẻ.
Sau thời gian công tác tại Trường Tiểu học Tân Phú, cô giáo Anh Minh đã thắp lên niềm đam mê và đồng hành cùng học trò trong chặng đường chinh phục môn học tiếng Anh. Với sự đồng hành của cô giáo Anh Minh, thành tích học sinh giỏi môn tiếng Anh của nhà trường ngày càng được nâng cao. Nhiều học sinh được cô dìu dắt đã đạt kết quả cao trong các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp huyện, cấp tỉnh và quốc gia.
Nói về mong muốn cho những học trò nhỏ tại trường của mình, cô Anh Minh chia sẻ: Học sinh miền núi hoàn toàn có thể học tốt tiếng Anh nếu các em được quan tâm và tạo điều kiện học trong trong môi trường giáo dục phù hợp. Vì vậy cũng mong các cấp, ngành tiếp tục có sự quan tâm đến công tác giáo dục cho học sinh vùng núi, vùng khó khăn, nhất là với môn học tiếng Anh. Bên cạnh đó, cũng mong các gia đình tạo điều kiện để các em có những thiết bị hiện đại hơn, có khả năng kết nối internet tốt hơn nhằm giúp cho việc học tập tiếng Anh một cách hiệu quả.
Từ năm 2016 đến nay, đã có 8 học sinh của cô Anh Minh đạt giải cấp quốc gia ở cuộc thi Olympic tiếng Anh thông minh trực tuyến (OSE), đoạt 10 giải cấp huyện, 5 giải cấp tỉnh cuộc thi Olympic tiếng Anh qua internet (IOE). Ở cuộc thi Future Intelligence Students Olympiad - FISO Việt Nam, học sinh của cô cũng đã đoạt giải vàng vòng loại quốc gia...
Mới đây, cô Lê Thị Anh Minh đã vinh dự là 1 trong 2 giáo viên của tỉnh Phú Thọ được Bộ GD&ĐT tuyên dương tại chương trình vinh danh các nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021.