Cô giáo biến giờ Tin học thành môi trường giáo dục kĩ năng sống

GD&TĐ - Với những sáng tạo trong quá trình dạy học, cô Phan Thị May- giáo viên Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) đã biến những giờ Tin học trở thành môi trường học tập hấp dẫn để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Cô Phan Thị May.
Cô Phan Thị May.

Giáo dục toàn diện trong môn Tin học

Cô May cho biết, ở Trường THPT Yên Hòa, việc dạy học không chỉ là dạy kiến thức mà chú trọng giáo dục kĩ năng, đạo đức lối sống cho học sinh. Đối với môn Tin học mọi người nghĩ là khô khan và rất khó cơ hội áp dụng yêu cầu trên. Vậy, có thực hiện được không?

"Một thực tế là học sinh sử dụng CNTT rất nhiều nhưng kĩ năng về CNTT lại không tốt. Các em chơi game giỏi, lướt Tiktok giỏi nhưng kĩ năng tìm kiếm thông tin phục vụ công việc lại không nhiều. Các em có thể bảo vệ nhân vật trên game nhưng lại không thể bảo vệ mình khỏi cám dỗ của mạng, khỏi những hiện tượng lừa đảo", cô May nói.

Trăn trở với mục tiêu giáo dục toàn diện, cô May đã xây dựng sáng kiến làm thế nào giáo dục toàn diện trong môn tin học. Ngoài việc dạy kiến thức, cô đã lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức, kĩ năng, lối sống cho học sinh. Đây là kế hoạch dài hạn xuyên suốt cả năm học. 

Trên nền tảng đổi mới phương pháp, cô  tìm kiếm phương pháp dạy học mới, áp dụng đa dạng các hoạt động trong giờ dạy, bổ sung nguồn học liệu như tự thiết kế các video, phim hoạt hình...; làm sao bài giảng trở nên nhẹ nhàng, học sinh có thể tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng, hiệu quả nhất.

Trong giáo dục đạo đức lối sống, cô May quan niệm rằng người thầy là tấm gương. Chính vì thế, thầy cô gương mẫu, có lối sống tích cực thì học sinh mới tin yêu, làm theo. Bởi vậy, cô luôn tạo ra nguồn năng lượng tích cực để truyền đến học sinh trong mỗi giờ lên lớp.

Năm học này, học sinh phải học trực tuyến. Thông điệp sống tích cực được cô May truyền đến học sinh trong nội dung tiết học online đầu tiên.

Cô cho học sinh chia sẻ câu chuyện về đại dịch Covid-19, ảnh hưởng của đại dịch với bản thân mình và nghe các em chia sẻ  về việc làm, thái độ với sự việc... Qua các thông điệp, cô giáo dục học sinh cần có thái độ sống tích cực.

Có khi nội dung giáo dục được đưa ra ở tình huống tạo vấn đề trong các bài giảng về ảnh hưởng của Tin học đối với xã hội.  Học sinh được phản biện về ưu và nhược của game online, mạng xã hội, từ đó rút ra bài học về kỹ năng sử dụng mạng xã hội và các hình thức giải trí online.

Cũng có khi học sinh khảo sát và báo cáo về thực trạng sử dụng Internet trong giới trẻ hay ở trường học của mình. Từ đó, các em thấy xu hướng nào tốt, xu hướng nào cần phải được cảnh báo để nhắc nhở lẫn nhau.

Để giáo dục đạo đức cho học sinh, cô May quan tâm đến việc giáo dục tình yêu quê hương đất nước, đồng cảm với người khác. Cô đã thiết kế các chủ đề như làm album ảnh, sản phẩm sáng tạo như cẩm nang du lịch để học sinh chọn địa điểm nào đó để tìm hiểu thêm, thể hiện thông qua sản phẩm của mình. 

Một vấn đề mới là giáo dục quy tắc ứng xử trên môi trường mạng. Học sinh cần biết nên giao tiếp trên môi trường mạng như thế nào? Khi nào được phép, khi nào không?

Cô đã lồng ghép các bài học giúp học sinh nhận biết bắt nạt trên mạng là hành vi phi đạo đức, dù bất cứ lúc nào cũng không được chấp nhận. Các em biết like, biết share có văn hóa, không bình luận khiếm nhã trên mạng.

Cô Phan Thị May và các em học sinh Trường THPT Yên Hòa
Cô Phan Thị May và các em học sinh Trường THPT Yên Hòa

Tin học để phục vụ đời sống

Trong giờ học, cô May luôn cố gắng làm bài giảng trở nên hấp dẫn, quan tâm đến việc giáo dục học sinh kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin phục vụ đời sống. Đối với môn Tin học, học sinh không chỉ học được kiến thức mà phải có khả năng vận dụng vào đời sống, hay các kĩ năng ứng phó với tệ nạn xã hội, lừa đảo mạng, khả năng ứng phó với virus, tin tặc...

Cô đã lựa chọn những chủ đề gần gũi với học sinh để khơi gợi hứng thú cho các em. Ví dụ, chuẩn bị đón học sinh mới, cô đưa ra chủ đề thiết kế poster cho sự kiện này. Sau đó, những sản phẩm này được sử dụng trong quá trình học tập và giải trí cho học sinh.

Với quan niệm không chỉ dạy để học sinh biết kiến thức mà còn phải biết vận dụng được kiến thức đó vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, tạo được các sản phẩm có tính ứng dụng cao, cô thường chọn các vấn đề mang tính thực tiễn, gần gũi, gắn với sở thích học sinh hay các sự kiện chuẩn bị diễn ra để khởi động, tạo động lực cho học sinh bắt đầu giờ học.

Ví dụ, khi nhà trường tổ chức hội xuân chào năm mới, học sinh đều rất hào hứng tham gia, cô nêu yêu cầu thiết kế các poster, infographic phục vụ sự kiện. Cô cũng hướng sự chú ý của học sinh vào bài dạy bằng cách giới thiệu các sản phẩm mà học sinh có thể tạo ra nhờ nội dung kiến thức bài học.

Hay sau khi học sinh tạo được sản phẩm, cô khuyến khích các em chia sẻ sản phẩm của mình trên mạng hay hội nhóm, vừa để ghi nhận, vừa tạo thi đua đồng thời lan tỏa ý nghĩa sản phẩm.

Quan niệm kĩ năng thiết lập mục tiêu là rất quan trọng, vì thế trong tiết học đầu năm cô May đã xây dựng chuyên đề Xây dựng mục tiêu. Chuyên đề cho học sinh thấy tại sao phải xây dựng mục tiêu? Xây dựng mục tiêu là thế nào?. Kết quả là học sinh đã xây dựng mục tiêu ngắn hạn cũng như dài hạn. Những gì các em viết ra được là kim chỉ nam cho các em sau này.

Để phát triển toàn diện cho học sinh, cô May đã xây dựng dự án Tin học và Xã hội. Nội dung chính là học sinh được đặt câu hỏi Tin học có ảnh hưởng thế nào với xã hội? Đối với học sinh Yên Hòa, chúng ta cần làm gì để sử dụng đúng cách?

Nhận xét về đồng nghiệp, cô Nguyễn Thị Nhiếp- Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa cho biết: Qua những bài học hấp dẫn, bổ ích, cô May đã giúp học sinh thực sự yêu môn Tin học, có kĩ năng tốt sau khi hoàn thành bài học.

Với những thay đổi về phương pháp giảng dạy, cô May đã truyền động lực, cảm hứng học tập cho học trò. Từ yêu đến đam mê, từ đam mê đến tìm tòi sáng tạo, từ những tìm tòi sáng tạo đạt hiệu quả giúp cô May có thêm nhiều động lực để tiếp tục trên con đường mình đã chọn.

Trong quá trình công tác, cô Phan Thị May đã đạt được nhiều phần thưởng như: Giáo viên dạy giỏi cấp trường; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Giải nhất hội thi giáo viên giỏi cụm Thanh Xuân- Cầu Giấy;  Giải nhì hội thi giáo viên giỏi cấp thành phố. Cô Phan Thị May là một trong 40 giáo viên được nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.