Ngoài 50 tuổi vẫn miệt mài cống hiến
Dù đã 51 tuổi nhưng, cô Vi Thị Bình, giáo viên Trường Tiểu học Lương Năng (huyện văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) vẫn miệt mài với nghề mình đã chọn. Ngày cô giảng dạy chính khoá, tối cô lại lên lớp tham gia dạy xoá mù chữ cho bà con người dân ở xã Năng Lương.
Cô Bình tâm sự: “Người không biết chữ đặc biệt là phụ nữ thiệt thòi vô cùng. Họ không tự tin mua bán hay ra xã hội để tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao. Bởi vậy, khi Nhà nước, ngành Giáo dục có chủ trương mở các lớp xoá mù chữ, tôi đã không ngần ngại tham gia giảng dạy lớp này. Mặc dù, tôi và các đồng nghiệp biết dạy lớp xoá mù chữ sẽ vất vả”.
Thế rồi để có những bài giảng hay, giữ học viên ở lại với lớp học, cô Bình đã dành nhiều thời gian xây dựng kế hoạch bài dạy, tổ chức hoạt động cho học viên.
Cô Bình kể: “Với đặc thù về độ tuổi, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, đòi hỏi giáo viên phải khéo léo, luôn gần gũi, động viên, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của học viên. Họ chưa được học con chữ bao giờ, tôi luôn cố gắng để dạy làm sao họ không cảm thấy tự ti khi tập đọc, đánh vần, tập viết.
Riêng môn Toán, khi dạy cộng trừ ví dụ: 1+ 1 = 2 tôi phải dùng 2 cái bút để minh hoạ. Khi học nâng cao dần, tôi dùng những đồ vật hay dẫn chứng từ thực tế cuộc sống để họ hiểu”.
Nhiều học viên vừa đi học, vừa phải mang con theo. Ảnh NVCC. |
Lớp học xoá mù chữ cô Bình chủ nhiệm, học viên là người dân tộc số độ tuổi từ 35 đến 38 tuổi, đang là lao động chính của gia đình. Quỹ thời gian tự học không có nhiều, do vậy để tiện trao đổi bài vở, hướng dẫn học viên cô đã thành lập nhóm Zalo nhằm đôn đốc trò học ôn bài cũng như tiện cho chữa bài tập về nhà. Đặc biệt, những học viên nào tiếp thu bài chậm, cô lại dành thời gian để kèm cặp.
“Lớp học xoá mù chữ đối tượng học viên khác nhau, có những người bằng tuổi em gái, em trai mình. Ngày làm nương, đêm về lên lớp nhưng vì con chữ, vì muốn thay đổi cuộc đời dẫu cực nhọc, vất vả họ vẫn quyết tâm học.
Họ không ngần ngại hay xấu hổ, mạnh dạn chia sẻ mặc dù đã hơn 30 tuổi mới cầm bút, tập đánh vần. Đặc biệt, khi tự mình đọc hết một bài tập đọc hay làm được một phép tính ánh mắt hạnh phúc, sung sướng thể hiện rõ trên khuôn mặt”, cô Bình trải lòng.
Cô trò cùng nhau vượt khó
Biết cô Bình nhà cách xa trường, mùa đông ở xứ Lạng rất lạnh. Bởi vậy, để cô đỡ vất vả những ngày nhiệt độ xuống thấp, học viên lớp xoá mù chữ ở xã Lương Năng tự nhủ nhau cố gắng sắp xếp thời gian vào buổi trưa để học, thay vì học buổi tối để cô đỡ vất vả.
Cô Bình kể: “Lúc nghe tin học trò đề xuất học buổi trưa thay vì học buổi tối mưa rét tôi cảm động vô cùng”.
Tận dụng mọi thời gian để dạy cho học viên. Ảnh NVCC. |
Trong nghề giáo, cô Bình luôn tâm niệm người thầy phải luôn tận tâm, dùng nhiệt huyết, tình yêu để truyền kiến thức cho học trò. Bởi vậy không chỉ học sinh ở trường, mà học sinh tại lớp xoá mù chữ cô luôn lắng nghe, chia sẻ quan tâm đến. Qua đó, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như khi học viên gặp khó khăn có thể kịp thời giúp đỡ.
“Làm nghề giáo, bạn sẽ đón nhận những niềm vui bất ngờ, giản dị mà cảm động như một cuộc gọi điện hỏi thăm của một học trò cũ hay lời tâm sự dí dỏm mộc mạc. Trao đi và nhận lại, cuộc sống của mình sẽ luôn tràn ngập tình yêu thương… Cũng chính những điều bình dị đó, từ khi còn là học sinh phổ thông, tôi đã có ước muốn được trở thành cô giáo, được đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức và tình cảm cho học sinh”, cô Bình chia sẻ.
Theo chia sẻ của ông Ngô Văn Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn: “Giảng dạy cho học viên xoá mù chữ rất vất vả cũng như đòi hỏi những thầy cô kiên nhẫn, có kinh nghiệm lâu năm để đứng lớp. Bởi vậy, chúng tôi luôn chỉ đạo các trường lựa chọn thầy cô tâm huyết, nhiệt tình.
Cô Bình cũng vậy, mặc dù đã lớn tuổi nhưng mỗi buổi lên lớp cô luôn tận tâm, dành nhiều thời gian cho học viên. Khi học viên của mình gặp khó khăn hay không đến lớp được do bận việc gia đình, cô Bình sẵn sàng giảng lại bài học hôm đó để học viên theo kịp chương trình”.
“Niềm vui sướng nhất người giáo viên dạy lớp xoá mù chữ là học viên biết đọc, biết viết. Sau khi tham gia lớp xoá mù chữ, họ biết sử dụng điện thoại nhắn tin cho cô giáo. Hay những chia sẻ hết nổi bình dị “cô ơi em biết viết tên mình rồi. Biết chữ, viết tên mình không khó tí nào cả. Giờ em ký giấy tờ phải điểm chỉ bằng vân tay”, Vi Thị Bình, Trường Tiểu học Lương Năng chia sẻ.