Được bạn bè khuyến khích, Yong dạy tiếng Anh, tiếng Mã Lai và Lịch sử Đông Nam Á cho trẻ mồ côi, trẻ tị nạn.
Trước đó, cô từng có kinh nghiệm dạy tiếng Anh cho Hội người mù bang Sarawak, Malaysia. Từ tháng 7, Yong tổ chức các lớp học trực tuyến qua phần mềm Zoom tại nhà ở bang Sarawak. Nhờ máy tính có phần mềm đọc văn bản, cô có thể dạy và tương tác với học sinh sống tại thủ đô Kuala Lumpur.
Cô Yong cho biết: “Dạy một nhóm tốt hơn dạy gia sư một kèm một. Một số học sinh hưởng ứng bài giảng tích cực, kéo theo sự hào hứng của các bạn khác. Tôi cũng giao bài tập về nhà, các em đánh máy và gửi lại cho tôi”.
Yong nhận xét việc giảng dạy giúp cô chia sẻ kiến thức và xây dựng mối quan hệ với học sinh. Cô yêu thích dạy tiếng Anh vì đây là thế mạnh của Yong khi còn học ở trường.
Yong thường nghe học sinh chia sẻ rằng: “Thưa cô, chúng em yêu cô. Dù cô là người khiếm thị, cô đã động viên chúng em rất nhiều”. Những lời động viên, chia sẻ của học sinh giúp cô giáo vững tin vào con đường đã chọn.
Trong năm tới, Yong sẽ theo đuổi bằng Thạc sĩ TESOL (chứng chỉ quốc tế về kỹ năng giảng dạy tiếng Anh cho người không sử dụng ngôn ngữ này là tiếng mẹ đẻ). Cô dự định học bán thời gian trong khi tiếp tục công việc giảng dạy để giúp đỡ học sinh nghèo, trau dồi kinh nghiệm.
Bị mù từ khi sinh ra, Yong cho biết những lời động viên từ gia đình, bạn bè, thầy cô đã giúp cô có cái nhìn tích cực trong cuộc sống. “Khiếm thị không phải trở ngại để đạt được những gì tôi muốn. Tôi chỉ muốn cố gắng hết sức mình”, Yong cho biết.