Trường tư Malaysia ngập khó khi thiếu hụt sinh viên quốc tế

GD&TĐ - Trước đại dịch, nhiều cơ sở giáo dục tư thục bậc cao tại Malaysia đã gặp khó khăn trong vấn đề quản lý và tài chính.

Trường Đại học Công nghệ và Sáng tạo châu Á - Thái Bình Dương tại Malaysia.
Trường Đại học Công nghệ và Sáng tạo châu Á - Thái Bình Dương tại Malaysia.

Sự xuất hiện của Covid-19 đẩy các trường đến nguy cơ đóng cửa vì sụt giảm lượng sinh viên quốc tế và nguồn thu học phí.

Bộ Giáo dục Malaysia cảnh báo gần một nửa cơ sở giáo dục tư thục bậc cao tại quốc gia này liên tục thua lỗ trong ba năm kể từ 2016. Thống kê từ đầu năm 2020 của Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng tư thục Malaysia (MAPCU) cũng cho thấy gần 1/5 trong số 440 trường có nguy cơ đóng cửa trong năm nay.

Tuy nhiên, Williams, nhà kinh tế học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Malaysia (MUST) nhận xét tình hình của các trường tư đang trở nên nghiêm trọng hơn do tác động của Covid-19. Theo tính toán mới nhất được Williams công bố đầu tháng 12, ước tính khoảng 97% đại học tư thục và cao đẳng thuộc đại học (không bao gồm cao đẳng tư thục) sẽ thua lỗ trong năm 2020.

Mỗi năm, 440 trường đại học và cao đẳng tư tại Malaysia thu hút khoảng 25.000 sinh viên quốc tế, chiếm 30 - 40% lượng sinh viên theo học. Số sinh viên này đóng góp khoảng 40% tổng doanh thu của các trường.

Theo thống kê của MAPCU, năm 2020, chỉ có khoảng 7.000 sinh viên quốc tế đăng ký học tại Malaysia. Con số này giảm đáng kể so với 16.500 em vào năm 2019.

“Các trường tư thục đang gặp khó khăn rất lớn. Họ phải đối mặt với việc mất đi hai nhóm sinh viên, một nhóm tân sinh viên và một nhóm sắp tốt nghiệp. Vì vậy, họ chỉ giữ được 1/3 lượng sinh viên so với thông thường”, Williams cho biết.

Bên cạnh sự thiếu hụt sinh viên quốc tế, lượng sinh viên trong nước cũng giảm đáng kể do lệnh hạn chế đi lại. Lệnh hạn chế đi lại đầu tiên được Malaysia áp dụng vào tháng 3/2020, thời điểm giữa kỳ khiến hàng loạt sinh viên trong nước lùi kế hoạch học tập sang năm 2021. Ngoài ra, kỳ thi THPT quốc gia tại Malaysia đã bị hoãn sang năm 2021 nên tân sinh viên sẽ không nhập học vào năm nay.

Khi lượng sinh viên giảm, doanh thu của các trường cũng sẽ chịu thiệt hại. Dự tính, tác động từ lượng du học sinh giảm và lệnh hạn chế đi lại lên nguồn thu của các trường đại học tư thục có thể kéo dài ít nhất 3 năm. Việc phục hồi có thể mất thêm vài năm nữa.

Các trường liên kết với đại học nước ngoài và trường quốc tế đặt khu học xá tại Malaysia cũng đối mặt với mức khủng hoảng lớn. Dựa vào danh tiếng của các trường quốc tế để tuyển sinh, chi nhánh tại Malaysia rất thu hút sinh viên quốc tế.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, các cơ sở giáo dục bậc cao trên thế giới cũng đang phải cạnh tranh để giành và giữ sinh viên. Vì vậy, chi nhánh của họ đặt tại Malaysia sẽ trở nên kém nổi bật hơn trong mắt sinh viên quốc tế. Các em có thể trả tiền để online từ chính các trường quốc tế thay vì đăng ký học tại chi nhánh.

Nhiều trường đại học quốc tế đặt khu học xá tại Malaysia cũng đang bộc lộ vấn đề về quản lý yếu kém.

Chẳng hạn, chi nhánh của Đại học Reading, Anh, có số lượng sinh viên thấp, học phí cao và chi phí giảng dạy cao. Trước khi Covid-19 xuất hiện, Đại học Reading tại Malaysia đã cắt giảm một nửa nhân viên, tạm dừng các khóa học thạc sĩ sau khi báo cáo lỗ khoảng 27 triệu bảng Anh vào năm 2018. Covid-19 khiến trường lâm vào thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi không thu hút đủ lượng sinh viên.

“Các trường có yếu tố liên kết nước ngoài đang chịu thiệt hại nhiều nhất. Những gì họ có thể làm là áp dụng mô hình giảng dạy trực tuyến và phương án thay thế nhưng chúng không đạt hiệu quả”, Williams nhận xét.

Ngoài những tác động lên tài chính, Covid-19 còn ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý người lãnh đạo. Diễn biến nhanh của đại dịch khiến quản lý các trường đại học chưa kịp thích ứng nên không thể đưa ra biện pháp nhanh chóng, tích cực. Điều này cũng khiến họ đưa ra các quyết định chưa chính xác trong việc học trực tuyến, cắt giảm lương và đãi ngộ của nhân viên.

Tác động từ Covid-19 đã đẩy các cơ sở giáo dục bậc cao của Malaysia vào khủng hoảng. Với các trường tư thục, chính phủ chưa có bất kỳ sự trợ giúp cụ thể nào. Vì vậy, họ buộc phải tự tìm cách đối phó với thua lỗ.

Nhiều cơ sở giáo dục bậc cao xoay xở bằng cách cắt giảm nhân viên, chủ yếu là nhân viên làm việc tạm thời và bán thời gian. Với nhân viên chính thức, các trường thực hiện kế hoạch “cắt giảm lương tự nguyện”.

Một số trường có thể vay hoặc tận dụng các gói trợ cấp của chính phủ dành cho doanh nghiệp nhỏ nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ