Thương học trò nghèo, cô thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ cho các em có áo ấm, đồ dùng học tập đến lớp.
Đất đỏ, sình lầy không cản được tâm huyết
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm giáo viên nên từ nhỏ cô Hà Thị Mai Hương (SN 1990, trú tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) luôn ước mong trở thành cô giáo để dạy cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
"Gia đình mình có nhiều thế hệ làm giáo viên, từ bố mẹ đến cô chú, anh chị. Khi thấy bố mẹ giảng dạy các em học sinh mình vô cùng thích thú và ước mong lớn lên cũng sẽ mang kiến thức đến cho các em. Mình luôn nghĩ giáo viên là một nghề cao quý. Giáo viên không chỉ dạy các em biết kiến thức mà còn rèn luyện cho học sinh kĩ năng sống, tình yêu thương con người với con người. Đến khi lớn hơn, ước mơ trở thành cô giáo lại càng thôi thúc mình mãnh liệt", cô Hương chia sẻ.
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm tiểu học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cô Mai Hương trở về quê nhà. Cô bắt đầu xin dạy hợp đồng ở một số trường tiểu học thuộc vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện. Trong quá trình giảng dạy, cô chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le của học sinh. Có những hôm cô cùng đồng nghiệp lặn lội đến các thôn, làng để tuyên truyền, vận động học sinh không bỏ học giữa chừng. Thương trò nghèo, cô cùng một số tình nguyện viên kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ gạo, quần áo, sách vở… để các em vững bước đến trường.
Năm 2014, cô Hương xin về dạy hợp đồng tại Trường Tiểu học Trưng Vương (buôn Kron H’ring, xã Ea H’Đing, huyện Cư M’gar). Cách trung tâm huyện hơn 20km, đường vào trường lởm chởm đất, đá. Những ngày trời nắng con đường đến trường đất đỏ, bụi mù trời. Khi mưa xuống, con đường trở nên sình lầy, trơn trượt.
"Những ngày đầu mới đến trường dạy mình bị ám ảnh bởi con đường đất đỏ. Trời mưa xuống, bánh xe dính chặt với mặt đường. Chạy một đoạn chiếc xe lại quay bánh do trơn tuột. Chuyện té ngã, quần áo lấm lem bùn đất trước khi vào lớp là chuyện thường xuyên xảy ra. Những đoạn khó, không chạy được mình lại đi bộ, dắt xe qua hoặc nhờ người dân chạy giúp. Cực lắm, nhưng đi mãi cũng thành quen", cô Hương tâm sự.
"Các em học sinh đa số là người dân tộc thiểu số, gia đình vô cùng khó khăn. Mặc dù thế nhưng nhiều nhà có đến 5 - 7 con. Có hộ sinh tới 10 người con nên kinh tế ngày càng kiệt quệ. Bố mẹ các em làm quần quật cả ngày cũng chẳng đủ lo cho các con ăn học.
Không những vậy, việc dạy cho các em học sinh lớp 1 biết tiếng phổ thông vô cùng khó khăn. Các em ít giao tiếp, không được bố mẹ quan tâm nên giáo viên phải giảng nhiều lần", cô Hương nói.
Hết lòng vì học trò
Để gần gũi, hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của học trò của mình, cô Hương thường xuyên xuống các buôn làng. Cô trò chuyện, học tiếng bản địa để dễ dàng giao tiếp với phụ huynh và học sinh. Không những vậy, để tạo động lực, khích lệ học sinh đến lớp, cô Hương bỏ tiền ra sơn lại tường, trang trí lớp học bằng chính những nét vẽ của mình.
Cô Hương kể, các em học sinh nơi đây hoàn cảnh khó khăn nên đa số buổi sáng đến lớp học trong tình trạng bụng đói. Nhiều em không có bộ quần áo tươm tất để đi học. Có những hôm trời lạnh, các em run cầm cập trong gió với chiếc áo mỏng tanh.
"Vào những ngày trời lạnh giá, bản thân mình khoác trên người 3 - 4 cái áo vẫn cảm thấy buốt giá. Thế nhưng, nhiều học sinh nghèo không có nổi cái áo ấm để mặc ngoài một cái áo cộc tay mỏng manh và cái quần đùi rách tả tơi. Có trường hợp hai anh em thay nhau mặc chung một bộ đồ khi lên lớp. Thấy học trò của mình co ro trong lớp học với chiếc bụng đói mình thương lắm. Các em được sinh ra và lớn lên nhưng thiếu thốn, bất hạnh hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Khi đó mình trằn trọc suy nghĩ nhiều ngày và tự hỏi bản thân "Tại sao không giúp các em vững bước đến trường? ", cô Hương nhớ lại.
"Cũng có người can ngăn nói mình lo việc bao đồng nhưng mình không quan tâm. Việc làm của mình luôn được gia đình ủng hộ và giúp đỡ. Từ ngày lập gia đình, chồng mình luôn là người sát cánh mang những phần quà đến với buôn làng. Khi nhận được quà nhiều người bắt tay, ôm chầm lấy mình cảm ơn rối rít. Mình thấy họ vui, thấy các em phấn khởi đến trường mình hạnh phúc lắm.
Mình hy vọng nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân sẽ hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, mình cũng mong các bậc phụ huynh quan tâm tới con em mình hơn, để các em học con chữ, thoát khỏi cái nghèo, cái khổ. Mình sẽ cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ các em đến khi nào không thể nữa mới thôi", cô Hương cho hay.
Cô Hương khoe rằng, chỉ vài ngày nữa sẽ có một đoàn từ thiện hỗ trợ 500 bộ quần áo mới cho các em học sinh đến lớp. Không chỉ vậy, trong thời nghỉ hè này cô sẽ tiếp tục vận động các mạnh thường quân, bạn bè gần xa để hỗ trợ đồ dùng học tập cho các em học sinh trong năm học mới.
Cô Trần Thị Thu Trang - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Vương cho hay, cô Hương đã về giảng dạy tại trường được nhiều năm nay. Tuy là giáo viên hợp đồng nhưng cô Hương rất nhiệt tình trong việc giảng dạy và công tác xã hội.
Không những vậy, khi thấy những học sinh của mình chậm tiếp thu bài giảng thì cô Hương sẵn sàng phụ đạo thêm cho các em. Bên cạnh đó, thương học trò khó khăn cô Hương vẫn thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân giúp đỡ quần áo, đồ dùng học tập…
Theo đó, đầu năm học 2019 - 2020, cô đã vận động quyên góp được hơn 1.000 cuốn vở và rất nhiều quần áo ấm, đồng phục cho học sinh trong trường. Ngoài ra, cô còn tích cực tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa cho buôn, làng, như quyên góp quần áo cũ, gạo cho người dân nghèo…
Thân thiện, phúc hậu là ấn tượng mọi người cảm nhận khi tiếp xúc với cô giáo Hà Thị Mai Hương; cô là một giáo viên luôn dành tình yêu thương đặc biệt cho các học trò thân yêu của mình là nhận xét không làm ai bất ngờ. Cô giáo Hà Thị Mai Hương tâm sự: “Em như có duyên với các trường vùng, sâu vùng xa, ở trường đa số học sinh đều là người dân tộc thiểu số như Ê Đê, Xê Đăng. Nhìn cảnh các em học sinh mà rơi nước mắt, phần lớn nhà đông con, có nhà có tới 10 đứa con trong độ tuổi đi học, cái ăn còn không có lấy đâu ra cái mặc”.
“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.