Ninh Thuận: Quỹ Hỗ trợ giúp nông dân thoát nghèo, con cái đều được đến trường

GD&TĐ - Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Anh Võ Doãn Phùng chăm sóc đàn dê của gia đình. (Ảnh: Duy Quan).
Anh Võ Doãn Phùng chăm sóc đàn dê của gia đình. (Ảnh: Duy Quan).

Quỹ Hỗ trợ nông dân chìa khóa mở ra cánh cửa thoát nghèo

Cách đây 2 năm, gia đình anh Võ Doãn Phùng, thôn Trà Co 2, xã Phước Tiến nguồn thu nhập chính chủ yếu từ việc làm thuê, nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy là hộ có ý chí trong lao động, Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện cho gia đình anh Phùng vay 25 triệu đồng từ Quỹ HTND để đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi dê sinh sản.

Được tiếp thêm động lực, anh Phùng đã tích cực học hỏi kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi và mua 7 con dê cái từ nguồn Quỹ HTND về chăm sóc. Sau thời gian nỗ lực lao động, đàn dê của gia đình phát triển và sinh sản tốt. Từ đó, nguồn thu nhập của gia đình đã ổn định khoảng 30 – 35 triệu đồng/năm từ đàn dê.

Khi đã có nguồn thu nhập ổn định, anh Phùng đã hoàn thành việc trả vốn trước thời hạn khoảng 1 năm. Đối với anh, nguồn vốn từ Quỹ HTND chính là chìa khóa mở ra cánh cửa để gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Anh Võ Doãn Phụng, thôn Trà Co 2, xã Phước Tiến hồ hởi nói: “Trước kia 2 vợ chồng đều đi làm thuê, ở nhà nhờ của người thân, thu nhập thì bấp bênh bữa đủ bữa thiếu. Nhưng khi được Hội Nông dân xã tạo điều kiện vay vốn, tôi đã mua dê về nuôi. Sau 2 năm tôi kinh tế gia đình cũng ổn định hơn. Tôi có 3 đứa con hiện đều được đến trường, đứa lớn năm nay học lớp 6, đứa kề thì lớp 4 và đứa thứ 3 đang học mẫu giáo”.

Ngoài ra, anh Phụng cho biết thêm, hiện, giá dê đang ở mức khá cao. Cụ thể, đối với dê 12 – 14 kg bán với giá 165.000 đồng/kg, còn dê 18 – 20 kg, giá 140.000 đồng/kg. Mỗi năm tôi sẽ bán 2 đợt, mỗi đợt bán như vậy khoảng 17 – 18 triệu đồng. Nuôi dê tôi thấy có lãi hơn”.

Còn gia đình bà Lê Thị Kim Dung, thôn Trà Co 2, xã Phước Tiến, huyện Bác Ái, thuộc diện cận nghèo, nguồn thu nhập chính của gia đình cũng từ việc làm thuê, vì vậy mà cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Khi tiếp cận nguồn Quỹ HTND bà Dung cũng được vay 25 triệu đồng để mở rộng mô hình chăn nuôi dê sinh sản. Lúc đầu bà mua 9 con, hiện đã phát triển đàn lên đến 16 con.

Mô hình nuôi dê sinh sản đã giúp các hộ dân phát triển kinh tế ổn định hơn. (Ảnh: Duy Quan).
Mô hình nuôi dê sinh sản đã giúp các hộ dân phát triển kinh tế ổn định hơn. (Ảnh: Duy Quan).

Mỗi năm bà Dung cũng có nguồn thu nhập ổn định từ 35 – 40 triệu đồng. Đến nay, gia đình bà Dung đã thoát nghèo và hoàn thành việc trả vốn trước thời hạn. Các con được đến trường học tập mà không phải lo nghĩ chuyện bỏ học.

Không chỉ giúp các hộ nghèo, hộ có điều kiện kinh tế khó khăn vươn lên phát triển, nâng cao thu nhập, Quỹ HTND còn góp phần thay đổi dần tập quán, phương thức trong lao động, sản xuất của hội viên, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như giá trị của sản phẩm làm ra.

Hơn 60% hộ dân thoát nghèo

Theo Hội Nông dân huyện Bác Ái, nguồn Quỹ HTND được triển khai từ năm 2013. Nguồn vốn được thực hiện theo hình thức xoay vòng, trong chu kỳ vay từ 1-3 năm, hội viên vừa tập trung phát triển các mô hình, dự án kinh tế, vừa tích góp hoàn trả vốn và phí để các hộ khác tiếp tục sử dụng. Vì thế, các hội viên khi đăng ký vay vốn Quỹ đều tập trung vào lao động, sản xuất, không chông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của các cấp, các ngành.

Để phát huy hiệu quả vốn vay, trong quá trình bình xét, Hội Nông dân tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu tham gia vay vốn, trong đó ưu tiến các hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, có tinh thần trách nhiệm trong sử dụng vốn vay. Đến nay, nguồn Quỹ đã hỗ trợ triển khai 17 dự án cho gần 120 hội viên, với tổng số tiền 2,8 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bác Ái cho biết: “Theo thống kê, đến thời điểm này trên địa bàn huyện đã có trên 60% hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ vào Quỹ HTND. Ngoài ra, nhiều mô hình được bà con duy trì, nhân rộng triển khai như: mô hình trồng chuối sứ tại xã Phước Bình, mô hình nuôi dê sinh sản tại xã Phước Trung, nuôi bò vỗ béo ở xã Phước Chính. Các hội viên được hưởng lợi từ nguồn Quỹ HTND có ý thức và tinh thần trách nhiệm cao trong duy trì và phát triển hiệu quả mô hình để trả vốn đúng và trước kỳ hạn”.

Ngoài ra, ông Nghĩa nói thêm, thời gian tới Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục đề nghị Trung ương Hội, Tỉnh Hội xây dựng và phát huy tiềm năng tại địa phương. Đặc biệt là nâng mức vay vốn cao hơn để áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để đáp ứng sản lượng tốt hơn. Bên cạnh đó, sẽ nhân rộng những mô hình hay và kịp thời tuyên dương, khen thưởng các nông dân làm giỏi để tạo động lực sản xuất trong cộng đồng.

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo, hộ khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Bác Ái còn chiếm tỷ lệ khá cao. Do đó, những nguồn vốn ưu đãi như Quỹ HTND đã trở thành nguồn động lực, "đòn bẩy" thúc đẩy các hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển, mở rộng các mô hình sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của hội viên cũng như xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.

Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư tỉnh Yên Bái thăm và chúc mừng ngành GD-ĐT nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Giáo dục Yên Bái vượt khó

GD&TĐ - Còn nhiều trở ngại do điều kiện kinh tế, thiên tai nhưng ngành GD-ĐT Yên Bái vượt khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.