Khi nguồn vốn ưu đãi được sử dụng đúng mục đích…
Theo chân đoàn cán bộ Hội Nông dân xã Ẳng Cang và đoàn cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) chúng tôi có dịp ghé thăm mô hình kinh tế của một số hộ gia đình nông dân trong xã. Những cán bộ đi giám sát hiệu quả nguồn vốn vay lần này phấn khởi lắm bởi đa số bà con sau khi vay đã chắt chiu làm ăn và đầu tư hiệu quả.
Mô hình kinh tế của gia đình anh Lò Văn Tiên, bản Huổi Sứa, xã Ẳng Cang là một điển hình về xóa đói giảm nghèo, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của NHCSXH huyện để làm giàu chính đáng. “Bản thân được sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, cuộc sống gia đình khó khăn. Năm 2014, thấy mấy hộ người ta cứ bảo đi vay tiền về làm thêm. Cán bộ hội nông dân xã cũng phổ biến thế. Hai vợ chồng mới bàn bạc với nhau là sẽ vay vốn làm ăn. Tính mãi thì cũng chẳng biết làm gì. Thế rồi xác định sẽ đầu tư theo hướng chăn nuôi vì đất của nhà cũng rộng. Hai vợ chồng tôi mới vay 30 triệu đồng để đầu tư vào chăn nuôi”, anh Lò Văn Tiên chia sẻ.
Thấy quỹ đất vườn của gia đình rộng rãi, không làm thì bỏ hoang lại thành ra lãng phí, anh Tiên đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Phần quỹ đất còn lại dành để đào ao thả cá, trồng cỏ và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp nuôi nhốt trâu, bò. Đây cũng là cách làm mới đối với bà con xã Ẳng Cang nói riêng và huyện Mường Ảng nói chung.
Cũng chỉ từ số vốn ít ỏi vay được, anh Tiên cứ tích lũy, kết hợp thêm với số ít tiền vay được từ bạn bè, người thân, dần dần mở rộng quy mô. Quanh đi, ngoảnh lại đã 6 năm sau ngày vay vốn, đến nay gia đình anh Tiên duy trì hàng trăm con gia cầm; nuôi gần 20 con trâu, bò, vừa cung ứng trâu, bò thịt ra thị trường. Ngoài ra, vợ chồng anh còn bán con giống cho bà con trong bản, trong xã. Ðến nay, mô hình kinh tế của gia đình anh Tiên cho thu nhập trên 150 triệu đồng mỗi năm.
Trường hợp của gia đình anh Vàng A Lồng ở bản Huổi Lướng, xã Nặm Lịch tương tự như vậy. Cũng chỉ từ số vốn ít ỏi 30 triệu đồng vay được từ NHCSXH huyện, gia đình anh Vàng A Lồng, đã đầu tư nuôi dê. Nhờ sử dụng đồng vốn đúng mục đích cùng với sự cần cù, chịu khó ham học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đàn vật nuôi phát triển tốt. Sau mấy năm nuôi dê, số tiền dành dụm được từ việc bán dê thịt và dê giống, anh Lồng tích lũy để đầu tư thêm mua trâu, bò giống để nuôi sinh sản. Đến nay gia đình anh Lồng đã có đàn trâu, bò trên 20 con, đàn dê trên 30 con. Có vốn gia đình anh Lồng còn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, mô hình chăn nuôi đã mang lại thu nhập cho gia đình anh gần 200 triệu đồng mỗi năm.
Đổi mới từ hình thức tiếp cận…
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc NHCSXH huyện Mường Ảng cho biết: Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Ảng đã xây dựng được 16 chương trình tín dụng chính sách, vận động linh hoạt các nguồn vốn huy động để bố trí đủ cho các nhu cầu vay.
Ðể đồng vốn giải ngân phát huy hiệu quả, NHCSXH huyện phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ðoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh xây dựng hợp đồng ủy thác, triển khai rà soát, xác định đối tượng để cho vay vốn. NHCSXH huyện cũng phối hợp với các tổ chức hội, chính quyền thôn, bản xây dựng, hình thành mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn từng bản, tổ dân phố. Từ đó, đưa vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận vốn vay một cách thuận lợi.
Theo thống kê của NHCSXH huyện Mường Ảng, thời điểm hiện tại, tổng dư nợ cho vay ủy thác tại các hội, đoàn thể đạt trên 300 tỷ đồng. Không chỉ đơn thuần là giải ngân cho vay, thu nợ, để đồng hành cùng người dân, NHCSXH huyện cũng phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, tham gia tư vấn, phổ biến, hướng dẫn các hộ vay vốn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tìm mô hình làm ăn phù hợp để bà con học tập, áp dụng. Từ đó, hiệu quả nguồn vốn vay được phát huy, nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm cho người dân.
Phải khẳng định rằng, bằng các giải pháp hiệu quả và thiết thực, nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện Mường Ảng đã được người dân đầu tư đúng hướng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.