Nữ Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra bị đình chỉ chức vụ khi vừa được phê chuẩn nội các mới, khiến bà không thể tổ chức lễ tuyên thệ cho các thành viên như kế hoạch.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan trưa ngày 1/7 ra quyết định đình chỉ chức vụ Thủ tướng đối với bà Paetongtarn Shinawatra trong lúc chờ điều tra xét xử vụ kiện yêu cầu bãi nhiệm bà. Động thái này của tòa đã được dự đoán từ trước nên bà Paetongtarn và Chính phủ Thái Lan đã có sự chuẩn bị bằng cách đề cử một nội các mới và được Hoàng gia Thái Lan phê chuẩn chỉ vài giờ trước khi tòa án ra quyết định.
Trong nội các mới được phê chuẩn, bà Paetongtarn đã tự đề cử mình giữ thêm ghế mới là Bộ trưởng Văn hóa. Điều này đồng nghĩa là dù bị Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức vụ Thủ tướng, bà Paetongtarn vẫn có mặt trong nội các Thái Lan với vai trò một bộ trưởng. Theo Hiến pháp Thái Lan, khi một nội các mới được đề cử sẽ có một lễ tuyên thệ được tổ chức dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng.
Tuy nhiên, do quyết định đưa ra rất nhanh của Tòa án Hiến pháp chỉ vài tiếng sau khi nội các được phê chuẩn nên bà Paetongtarn không thể điều hành lễ tuyên thệ này với tư cách Thủ tướng và sẽ chỉ được tham gia với tư cách một bộ trưởng thành viên nội các. Người được chỉ định thay bà làm Thủ tướng tạm quyền Thái Lan là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông Vận tải Suriya Jungrungreangkit.
Quyền Thủ tướng Suriya sẽ thay bà Paetongtarn dẫn dắt các thành viên nội các mới làm lễ tuyên thệ vào ngày 3/7 tới và một trong những cấp dưới của ông chính là “sếp cũ” của mình - bà Paetongtarn. Nữ Thủ tướng mới bị đình chỉ chức vụ này cũng đã tuyên bố bày tỏ sự tôn trọng và chấp nhận phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan.
Diễn biến tiếp theo của chính trường Thái Lan là bà Paetongtarn sẽ có thời gian 15 ngày kể từ 1/7 để trình bày và làm rõ mục đích thực sự của cuộc điện đàm với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.
Đây là sự kiện đã dẫn đến việc bà bị cáo buộc là có hành vi gây tổn hại quốc gia và bị đình chỉ chức vụ thủ tướng, dù bà khẳng định động cơ của cuộc điện đàm chỉ để bảo vệ chủ quyền quốc gia và không mang động cơ cá nhân nào.
Về mặt lý thuyết, bà Paetongtarn vẫn có thể quay trở lại ghế thủ tướng nếu chứng minh với Tòa án Hiến pháp mình vô tội. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là một số đảng phái từng tham gia liên minh cầm quyền với bà như đảng Bhumjaithai đang thúc đẩy Quốc hội Thái Lan bỏ phiếu bất tín nhiệm với bà Paetongtarn và nội các.
Bà Paetongtarn đối mặt với việc Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) đang điều tra xem bà có vi phạm bất cứ hành vi nào phát sinh từ cuộc điện đàm hôm 15/6 và bị tung lên mạng xã hội.
Nhóm 36 thượng nghị sĩ Thái Lan sau đó đã đệ trình đề nghị Tòa án Hiến pháp điều tra để bãi nhiệm với cáo buộc bà Paetongtarn đã vi phạm các chuẩn mực và lạm dụng quyền lực. Các cuộc điều tra nhằm vào bà Paetongtarn hiện chưa rõ khi nào sẽ kết thúc nhưng việc này có thể dẫn đến kịch bản bà bị phán quyết cấm tham gia chính trường.
Dù kết quả cuối cùng ra sao thì đây cũng là cuộc khủng hoảng lớn nhất của cá nhân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra và là một trong những biến cố lớn nhất trên chính trường Thái Lan trong những năm gần đây.