Cô giáo dạy trò ngoài đảo biệt lập làm nghiên cứu khoa học

GD&TĐ - Nằm biệt lập ngoài đảo xa xôi với những chuyến tàu vội 2 lần trong ngày, nhưng học sinh tại xã đảo Bản Sen - Vân Đồn (Quảng Ninh) lại được các thầy cô chăm sóc tận tình, thậm chí còn có cả những giải thưởng nghiên cứu khoa học. Điều đó đối với học sinh ngoài đảo thật đáng học tập.

Cô giáo dạy trò ngoài đảo biệt lập làm nghiên cứu khoa học
Cô giáo dạy trò ngoài đảo biệt lập làm nghiên cứu khoa học ảnh 1Cô giáo dạy trò ngoài đảo biệt lập làm nghiên cứu khoa học ảnh 2Cô giáo dạy trò ngoài đảo biệt lập làm nghiên cứu khoa học ảnh 3Cô giáo dạy trò ngoài đảo biệt lập làm nghiên cứu khoa học ảnh 4

Học sinh ngoài đảo nhắc tên mãi cô giáo Nguyễn Thị Hợi - Giáo viên trường Phổ thông cơ sở Bản Sen - cô giáo có nhiều đóng góp cho trường cũng như hướng dẫn học sinh thi Học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và là một trong những giáo viên được tuyên dương trong chương trình chia sẻ cùng thầy cô do Bộ GD&ĐT, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Học sinh xã đảo làm nghiên cứu khoa học

Năm 2015, xã đảo Bản Sen mới có điện lưới, học sinh được đầu tư hơn về cơ sở vật chất và khang trang hơn, cô Hợi nhớ về những ngày mới ra đảo còn nhiều khó khăn, thách thức: Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, giáo viên trong trường đa phần đều là ở đất liền nên khi ra đảo đã phải thu xếp công việc gia đình, đường đi lại vất vả nhất là trong những mùa mưa lũ.

Mùa đông, thời tiết ngoài đảo còn khắc nghiệt hơn vì điểm trường nằm giữa thung lũng gió hun hút, lạnh cắt da cắt thịt. Mùa hè thì muỗi đốt không thể ngủ được, không có điện nóng oi bức khiến cô và trò đều thức qua đêm.

Nghĩ đến những khó khăn đã trải qua, cô Hợi nói: Nếu không có tình yêu nghề và tình yêu với học sinh ngoài đảo, có lẽ tôi cũng không thể vượt qua để gắn bó với nghề giáo suốt 29 năm kể từ khi ra trường.

Cô Hợi giảng dạy bộ môn Hoá - Địa, thường xuyên tổ chức cho học sinh ôn thi học sinh giỏi các cấp. Mới gần đây, cô và trò đã mất nhiều thời gian và công sức để tham gia nghiên cứu khoa học.

Suốt 2 tháng cô và trò tìm hiểu thực tế, nhờ giáo viên khác đi chụp ảnh cùng, thuê xuồng chở cô trò đi vào tận hang động để có những đo đạc chính xác nhất về hang động và những địa danh vốn có của Bản Sen để làm đề tài “ Quảng bá tiềm năng du lịch xã đảo Bản Sen”. Cô và trò cũng gặp không ít khó khăn bởi những hôm xuồng gỗ gặp sóng to gió lớn, hiểm nguy rình rập, hang động tối, trơn trượt, nhưng vẫn động viên nhau vượt qua thách thức.

Nhìn từng khuôn mặt học sinh tuy ở xa mà vẫn tranh thủ ngoài giờ học để tham gia nghiên cứu khoa học, cô Hợi cảm thấy có động lực lớn với nghề.

Với học sinh xã đảo, giải 3 nghiên cứu khoa học cấp huyện thực sự là một sự động viên, khích lệ lớn với cả cô và trò.

Gia đình chỉ đông đủ vào dịp tết

Cô Hợi sinh năm 1966, đã 29 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, cô Hợi đã có biết bao kỉ niệm với học trò và người dân xã đảo.

Những ngày mới đầu mới ra đảo, điện lưới chưa có, nước sạch khan hiếm, giáo viên địa phương chiếm tỉ lệ nhỏ, đa số giáo viên đều là người dân đất liền, sinh hoạt tập thể thiếu thốn tiện nghi. Đầu tuần giáo viên ra đảo, cuối tuần lại về với gia đình. Do địa bàn xã không có chợ nên đầu tuần ra đảo các cô giáo lại mang theo gạo và thức ăn dự trữ cho cả tuần.

Nhiều năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục xã đảo khó khăn. Đứng trước những khó khăn ấy, chính sự hồn nhiên vô tư của các em học sinh và tình cảm thầy trò càng làm cho các thầy cô gắn bó với nghề. Dù điều kiện khó khăn, thiếu thốn thế nhưng tình cảm cô trò như mẹ con ruột thịt.

Nhiều năm công tác tại xã đảo, cô Hợi đã nhiều lần xuống các thôn xóm để tuyên truyền, vận động các em đến trường. Có những trường hợp học sinh muốn bỏ học để đi biển, cô Hợi đã vất vả đến nhà học sinh để không chỉ vận động cả bố mẹ mà còn khuyên bảo học sinh quay trở lại trường.

“Trong công tác chuyên môn tích cực trau dồi, thường xuyên có những phương pháp đổi mới như sáng tạo trong phương pháp bàn tay nặn bột. Cô Hợi còn thường xuyên giáo dục cho học sinh những kỹ năng sống cần thiết để tránh mưa, tránh bão, thú dữ, và chống đuối nước... Cô còn chịu khó học hỏi những cái mới để có tài liệu giảng dạy cho học sinh.

Tuy đã 50 tuổi nhưng ngay khi xã đảo có điện, cô Hợi đã tìm hiểu thêm và đi học khoá học ngắn hạn về Tin học để thành thạo trong việc soạn giáo án điện tử. Đây cũng là một giáo viên chuyên đào tạo và hướng dẫn nhiều học sinh tham gia thi học sinh giỏi các cấp đạt giải cao cho trường” - Cô Hoàng Thuý Phương - Hiệu trưởng trường PTCS Bản Sen chia sẻ.

Đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục giảng dạy cho trò ngoài đảo, đồng nghĩa với việc cô Hợi đã phải hi sinh nhiều cho gia đình. Nuôi 2 con học Đại học, với đồng lương không nhiều, chồng không có việc làm ổn định nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.

Cô Hợi tâm sự: Gia đình tôi chỉ đông đủ cả 4 thành viên là vào mấy ngày tết. 4 người ở 4 nơi khác nhau khiến nhiều lúc tôi nhớ nhà, nhớ con vô cùng. Nhưng gắn bó với học sinh xã đảo nhiều năm, tôi cũng không lỡ rời các em. Mỗi ngày nhìn học sinh đến trường, tôi lại coi đó là niềm hạnh phúc để quên vươn lên.

Giờ thì đã quen khi cuộc sống vào quỹ đạo nhưng tôi chỉ mong học sinh xã đảo được đầu tư nhiều hơn nữa về trang thiết bị, sơ sở vật chất, có điều kiện để tiếp xúc nhiều hơn với khoa học. Học sinh ngoài đảo nhút nhát, thiệt tòi nhiều lắm” - Cô Hợi rướm nước mắt khi nghĩ đến từng gương mặt của học sinh với làn da đen giòn, cháy nắng.

Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016 là năm thứ hai thực hiện để tuyên dương các thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Chương trình do Bộ GD&ĐT, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Năm 2015, chương trình đã tuyên dương các thầy cô giáo cắm bản miền núi. Năm nay, chương trình nhận 42 hồ sơ của các thầy cô để tuyên dương. Mỗi thầy cô nhận sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và quà tặng.

Ông Võ Văn Thành Nghĩa - Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long - cho biết: Chương trình còn tổ chức cuộc thi Nghĩ về thầy cô biển đảo để tất cả mọi người cùng viết lên những suy nghĩ của mình về các thầy cô ngoài đảo bám đảo, bám đất, dạy chữ, dạy trò yêu Tổ quốc. Chương trình đã nhận được rất nhiều bài dự thi và đó là sự động viên tinh thần lớn đối với các thầy cô, đồng thời thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.