Cô giáo 9X và 300 ngày làm “đôi chân” của trò khuyết tật

GD&TĐ - Đều đặn mỗi ngày, khi ánh sáng đầu tiên xuyên qua khe hở của những tấm liếp quanh nhà, Ly A Dơ lại thức dậy, bò ra trước mái hiên ngồi chờ sẵn.

Một buổi cô Huyền đưa Dơ vượt suối đến trường vào đầu năm học 2020 – 2021. Ảnh do người dân chụp lại
Một buổi cô Huyền đưa Dơ vượt suối đến trường vào đầu năm học 2020 – 2021. Ảnh do người dân chụp lại

Hướng mắt về phía bên kia bờ suối, Dơ ngóng cô giáo Huyền còn hơn trẻ mong mẹ về chợ… 

Lần gặp gỡ đầu tiên

Cô giáo Lò Thị Huyền tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên vào tháng 6/2019. Đến tháng 12/2020 cô về nhận công tác tại Trường Mầm non Mường Tùng (ngày đó là Nậm He), thuộc huyện Mường Chà.

Huyền ở cùng bố mẹ tại thị xã Mường Lay, cách trường chỉ hơn chục cây số. Song vì đặc thù giáo dục vùng khó khăn, nên mỗi tuần cô chỉ sắp xếp về nhà được một lần.

“Nửa năm đầu mới nhận công tác, tôi dạy ở điểm trường trung tâm. Đến năm học 2020 – 2021, về nhận nhiệm vụ cắm điểm bản Nậm Chua – Nậm Piền. Đây là nơi tôi gặp Ly A Dơ – học sinh đặc biệt đầu tiên” – cô Huyền cho biết.

Cậu bé Ly A Dơ (sinh năm 2017) không may mắn bị liệt cả 2 chân khi vừa chào đời. Bố mẹ Dơ, ngày lại ngày “say sưa” trong “làn khói trắng” (nghiện ma túy), bỏ mặc 3 đứa trẻ tự chăm nhau.

Dơ là con út trong gia đình có ba anh chị em. Anh trai và chị gái của Dơ đều đang học tiểu học. Thiếu đi vòng tay chăm sóc của người lớn, bọn trẻ cứ lay lắt sống qua ngày. Riêng Dơ, vì đôi bàn chân không lành lặn, nên chẳng thể di chuyển, cả ngày lặng lẽ ngồi yên trong góc nhà.

Cô Huyền gặp Dơ trong một lần đi chiêu sinh vào đầu năm học 2020 – 2021. Ánh nhìn sợ hãi của đứa trẻ miền sơn cước trong khoảnh khắc đầu tiên đã chạm đến trái tim của cô giáo trẻ mới ra trường.

Cô Huyền tâm sự: “Nhìn Dơ khi ấy tội lắm, người gầy gò, xanh xao, bụng chướng to, đôi chân thì teo lại không thể vận động. Vừa gặp người lạ, Dơ dúm dó rồi khóc thét lên. Phải mất một lúc làm quen, dỗ dành thì Dơ mới ngoan ngoãn ngồi vào lòng tôi, nhưng vẫn còn chút e dè. Lúc ấy chỉ thấy thương bé và nghĩ sẽ cố gắng để Dơ được đến lớp như các bạn”.

Sau một năm học được chăm sóc, Dơ béo khỏe nhiều hơn trước.
Sau một năm học được chăm sóc, Dơ béo khỏe nhiều hơn trước.

300 ngày vượt suối

Nhà Dơ cách điểm trường mầm non một con suối, cộng thêm đoạn đường đất chừng hơn 1km.

Con suối Nậm He mỗi năm chỉ có hai mùa nước lên và xuống. Nhưng dẫu có mùa nào thì người dân ở đây cũng chỉ có cách duy nhất là trực tiếp lội qua vì chưa có cầu kiên cố. Đường đến trường mỗi ngày của chị em Dơ cũng vậy.

“Bố mẹ cháu Dơ nghiện ma túy, bỏ mặc con cái tự tìm cái ăn, cái chơi, nên chẳng mong họ đưa con đến trường. Hai đứa lớn thì còn dễ, chứ cháu Dơ vừa nhỏ, vừa khuyết tật. Người trong bản giúp cũng không thể đều đặn mỗi ngày được, nên phải nhờ các cô giáo thôi” – ông Giàng A Sử, Trưởng bản cho hay.

Tình nguyện trở thành “đôi chân” của Dơ, mỗi ngày không kể mưa, nắng, cô Huyền dậy từ gà gáy. Cô đi bộ ngược dốc chừng 1km, rồi lội qua suối Nậm He rộng vài chục mét để sang bờ bên kia. Cõng Dơ quay ngược chặng đường về trường cũng vừa kịp giờ đón trẻ.

Mỗi ngày cô trò có 4 lượt đi - về như thế cũng ngốn của Huyền không ít thời gian. Nhưng vất vả nhất là vào mùa đông. Hết giờ lên lớp cũng là lúc trời nhập nhoạng tối. Vừa phải dầm mình dưới nước, trước cái lạnh “cắt da cắt thịt” của vùng cao, cô Huyền phải mò mẫm lần đường qua suối đưa Dơ về nhà.

Sớm hôm sau, khi sương mù còn bao phủ, cô lại ngược đường qua suối đón trò. Hôm nào tranh thủ về điểm trường trung tâm lấy thực phẩm thì việc đón Dơ thuận tiện hơn, chỉ còn có một chiều.

Thế nhưng, đó chỉ là câu chuyện mùa khô, nước suối cạn, ra đến giữa dòng chỉ cao qua đầu gối. Một năm, mất khoảng 2 tháng mùa mưa, nước suối dâng cao khiến việc đi lại của cô trò trở thành nỗi ám ảnh.

“Nước suối dâng cao, đục ngàu, chảy siết nhìn rất sợ. Ở đây người dân cũng tự làm chiếc cầu. Nói là cầu, nhưng thực chất chỉ là vài sợi dây thừng, buộc vài tấm ván cách nhau cả mét lủng lẳng qua suối. Đi một mình thôi đã khó lắm rồi, nhưng vì cõng theo Dơ nên em không cho phép mình sợ hãi” – cô Huyền kể.

Huyền bảo, vất vả là thế, nhưng có một điều rất đặc biệt là Dơ rất ý thức và tự lập. Vì thế, các cô giáo không phải vất vả chăm sóc em. Ở lớp Dơ tự chơi, đến bữa tự xúc ăn, không cần ai giúp. Chỉ có việc vệ sinh thì cần có người hỗ trợ.

“Dơ chưa nói được nhiều, nhưng nhìn ánh mắt của em là tôi hiểu bé cần gì. Dơ rất thích các cô giáo mát xa, xoa bóp chân mỗi ngày. Có lẽ, bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn nên thỉnh thoảng cứ lại gần cô giáo, rồi kéo tay cô, chỉ vào chân mình” – Huyền nói.

Cô giáo Lò Thị Huyền.
Cô giáo Lò Thị Huyền.

Điều kì diệu

Cô giáo Huyền cũng tâm sự, có lẽ vì mới ra trường, đối diện với quá nhiều áp lực, khó khăn do đặc thù vùng miền mang lại, nên đôi lúc em cũng thấy nản. Nhưng mỗi sáng thức dậy, nghĩ đến hình ảnh Dơ đang ngồi hiên nhà đợi, cô Huyền không cho phép mình bỏ cuộc.

Mỗi ngày trôi qua, được đến lớp với bạn bè, tham gia nhiều trò chơi hấp dẫn và dưới bàn tay chăm sóc của các cô, Dơ hòa nhập, trở nên dạn dĩ, vui vẻ hơn. Em dần hứng thú với mỗi bài học mới mà cô giáo giới thiệu.

Để tiếp bước con đường đến trường cho Dơ, cô Huyền cùng các giáo viên Trường Mầm non Mường Tùng đã kêu gọi, kết nối sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm. Trong đó, có nhà từ thiện duy trì hỗ trợ em 1 triệu đồng/tháng.

Cô giáo Huyền chia sẻ: “Dơ ăn rất khỏe, nên bé đến lớp chúng em hoàn toàn yên tâm”.

Còn theo cô giáo Lò Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Tùng cho hay, thì mới chỉ sau một năm đi học, nhiều người không nhận ra Dơ vì trông bé bụ bẫm, khỏe mạnh và hồng hào hơn hẳn.

Song, điều khiến cô Huyền và các giáo viên Trường Mầm non Mường Tùng phấn khởi nhất, chính là từ đây Dơ đã tự đứng được bằng đôi chân của mình.

“Cuối năm học vừa rồi giáo viên chúng em phải ngỡ ngàng khi thấy Dơ tự đứng lên được. Ai cũng bảo đúng là điều kì diệu” – cô Huyền bộc bạch.

Tôi hiểu nỗi vui mừng, phấn khởi của cô Huyền. Bởi, với một cô giáo mầm non, trẻ cứ ngoan ngoãn, khỏe mạnh, phát triển bình thường đã là thành công. Còn trong hoàn cảnh này, đúng là điều kì diệu. Song tôi biết, niềm hạnh phúc đó không ngẫu nhiên mà có, nó phải được vun đắp từ những yêu thương và nghị lực phi thường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.