Cô giáo 9X bám trường vùng phum sóc

GD&TĐ - Rời xa thành phố, cô Thạch Thị Kim Thuyên về công tác tại Trường Tiểu học Ngãi Xuyên A (huyện Trà Cú, Trà Vinh) có hơn 90% học sinh dân tộc Khmer. Ở ngôi trường nằm trong vùng phum sóc này, cô Thuyên vừa là cô giáo vừa là mẹ hiền của nhiều học trò có hoàn cảnh khó khăn.

Cô giáo Kim Thuyên trong lớp học
Cô giáo Kim Thuyên trong lớp học

Đùm bọc học trò như con

Trường Tiểu học Ngãi Xuyên A nằm sâu trong con hẻm nhỏ. Ngôi trường này có hơn 90% học sinh là đồng bào dân tộc. Những bài học vỡ lòng của lớp 1 được cô Kim Thuyên chậm rãi truyền đạt vì đa phần các em học sinh chưa hiểu được tiếng Việt. Thậm chí, nhiều khi các em không hiểu “con gà” là gì vì từ nhỏ đến lớn các em chỉ dùng tiếng dân tộc mình nên phải diễn tả trực quan bằng hình ảnh, các em mới nhận biết được.

Cô Thuyên tâm sự, gần 60% học trò có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng các em rất ngoan và chăm chỉ, nhiều khi theo cha mẹ đi làm đồng, các em cũng mang sách theo để tập đọc. Đó là may mắn của những em được sống cùng cha mẹ, phần đông còn lại đều sống với ông bà vì cha mẹ đi làm ăn xa ở Bình Dương, Đồng Nai. Cái ăn hằng ngày phải có mới tính đến chuyện đến lớp, đó là vấn đề chung của nhiều gia đình nơi đây, và đó cũng là khó khăn để duy trì sĩ số học sinh của trường. Do cha mẹ chủ yếu là làm nông, nhà nào không có đất đai thì buộc phải xa con, xa làng đi làm thuê khắp nơi. Những đứa trẻ nghèo đã đến với cô Thuyên trong tình cảnh ấy.

“Tôi coi bọn trẻ là con của mình”, cô Thuyên chân thành chia sẻ. Cô luôn dành sự quan tâm đặc biệt với từng học sinh nơi đây. Những em nhỏ xa cha mẹ nên thiếu thốn mọi bề về vật chất, tinh thần. Nhiều em nhà rất xa nhưng phải đi bộ đến trường, như em Thái Vinh vượt gần 7km, mất 2 tiếng đi bộ mỗi ngày. Thái Vinh chỉ còn bà đã hơn 80 tuổi là chỗ dựa. Cô Thuyên cho biết, Vinh chăm chỉ lại học rất giỏi nên cô đã xin được một chiếc xe đạp cho em (từ Câu lạc bộ tình nguyện Tương Lai Xanh, Cần Thơ). Hoàn cảnh của các em trong lớp, cô Thuyên đều nắm rõ. Mỗi học sinh có câu chuyện riêng nhưng các em đều chung niềm say mê học tập và tình yêu dành cho người mẹ thứ hai này.

Lớp học ở Trường Ngãi Xuyên A

Lớp học ở Trường Ngãi Xuyên A

Dùng tình thương để ngăn trò bỏ học

Thương các em, cô Kim Thuyên luôn cố gắng làm hết sức mình để giúp đỡ học sinh. Có những lúc ngày tựu trường đã đến mà cả lớp hơn 20 học sinh không có sách để học, cô Thuyên xin sách cũ cho các em từ những người bạn đồng nghiệp. Cô và nhiều giáo viên khác ở trường thường tặng cho học sinh bút viết, sách và quần áo. Đồ dùng để học tập, cái nào làm được giáo viên đều tự làm cho các em. Không được gần cha mẹ, khi gặp buồn vui gì các em đều tâm sự với cô Thuyên.

Cô Thuyên nhớ mãi câu chuyện bi hài về quyển sách giáo khoa lớp 1: “Lần đó sách được tặng về, có một quyển chỉ còn nửa cuốn thôi. Tôi đưa cho một học sinh quyển sách ấy và hứa sang học kỳ hai sẽ đưa thêm phần sau cho em học. Nhưng rồi tôi quên mất. Khi thấy quyển sách tơi tả quá, tôi trách em sao không giữ cẩn thận, em bật khóc kể lại. Tôi thấy mình có lỗi với em nhiều”.

Trường Tiểu học Ngãi Xuyên A còn xây dựng “Hũ gạo tình bạn”, mỗi học sinh quyên góp một ít gạo rồi tặng lại cho bạn khó khăn nhất của lớp. Mỗi đợt phụ huynh đi làm ăn xa về, cô Thuyên rất vui vì học trò có cha có mẹ bên cạnh để yêu thương. Nhưng rồi chứng kiến các con lại phải xa cha mẹ, cô giáo trẻ không khỏi chạnh lòng.

Cô Kim Thuyên vui đùa và chăm sóc trẻ
Cô Kim Thuyên vui đùa và chăm sóc trẻ

Nhà trường và đồng nghiệp là môi trường để cô Kim Thuyên cố gắng. Cô cho biết, nhiều giáo viên tiêu biểu của trường chính là nguồn động lực để cô nỗ lực hơn nữa. Cô Thạch Thị Na Ly, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/1, cho biết: “Khi cô Thuyên xin sách về, tôi thấy vui lắm vì học trò ở đây thiếu rất nhiều. Thấy cô nhiệt tình, đồng nghiệp ai cũng thương”.

Thầy Diệp Thành Tâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngãi Xuyên A, nhận định: “Cô Kim Thuyên là giáo viên trẻ nhất trường, về nhận nhiệm vụ dạy học ở địa bàn học sinh nghèo khá đông. Để giúp đỡ học trò, cô Thuyên đã vận động các nhóm thiện nguyện hỗ trợ các em, đặc biệt là học sinh khuyết tật. Cô cũng vận động tập thể giáo viên, bạn đồng nghiệp trao những phần quà nhỏ cho các em. Trước đây, nhà trường rất lo các em sẽ bỏ học giữa chừng để theo cha mẹ đi làm xa. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, nhà trường đã cố gắng giảm tỉ lệ học sinh bỏ học xuống chỉ còn 1%”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.