Nhưng khi nhìn vào những gương mặt ngây thơ, non nớt với tương lai rộng mở phía trước của các em thì Trân lại can đảm vượt qua chính mình, tự trang bị kiến thức để đưa các em hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa.
Lớp học đặc biệt
Vào một buổi sáng giữa tháng 11, chúng tôi ghé thăm Trường mầm non tư thục Thiên Nga (đường Lý Thái Tổ, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Mặc dù đã hẹn trước nhưng cô Võ Đắc Bảo Trân (SN 1993, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) phải cố gắng lắm mới sắp xếp được cho chúng tôi chút thời gian. Vừa trò chuyện với chúng tôi, cô Trân vừa phải để ý “lớp học đặc biệt” của mình bởi những đứa trẻ này tăng động và có những cử chỉ, hành động, suy nghĩ không giống những đứa trẻ bình thường khác.
Cô Trân bắt đầu ngược dòng kí ức, quay lại những năm trước và kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên gắn với lớp học đặc biệt này. Vào năm 2013, sau khi tốt nghiệp ngành Giáo dục Tiểu học của Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk cô Trân đã đi dạy nhiều môi trường khác nhau. Sau đó, do được người thân giới thiệu nên cô bắt đầu về giảng dạy ở một trường giành riêng cho những “đứa trẻ đặc biệt”.
Sau khi được nhận vào trường, cô Trân bắt đầu công việc của mình như bao giáo viên khác. Tuy nhiên, cô gái 9x ấy chưa bao giờ có thể tưởng tượng mình phải làm quen, hàng ngày giảng dạy những đứa trẻ tăng động, khác thường…
Từ những đứa trẻ chậm phát triển, giờ đây các em có thể làm chủ được hành vi, tô điểm thêm sắc màu cuộc sống. |
“Khi mới đứng lớp, bản thân tôi tận mắt chứng kiến các em mắc bệnh Down, tự kỷ, bại não… la hét, gào khóc hoặc có những em chỉ ngồi một góc phòng nhìn vẩn vơ nên cảm thấy rất áp lực. Khi đó tôi không biết mình phải làm gì, phải đối xử và tiếp xúc với các em như thế nào.
Không những thế, có những lúc các em không làm chủ được trong vệ sinh cá nhân, hay giật tóc, đánh tôi thì lúc đó tôi cảm thấy bất lực thật sự. Khi đó, tôi đã có suy nghĩ buông bỏ, nhưng khi được các anh chị đi trước động viên, an ủi. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng nếu các em không được quan tâm, chữa trị sớm thì sau này sẽ thiệt thòi và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Sau khi bình tĩnh lại, tôi bắt đầu tìm hiểu về hội chứng tự kỷ và đã hiểu ra nhiều điều về nó, tôi quyết định đồng hành cùng các em để chiến đấu với chứng bệnh này.”, cô Trân bộc bạch.
Dạy trẻ tự kỷ bằng tình thương
Cô Trân với những bài học đơn giản nhưng gần gũi để dạy cho những trẻ khiếm khuyết, tự kỷ hòa nhập với cộng đồng. |
Sau một thời gian giảng dạy tại đây, cô Trân chuyển về Trường mầm non tư thục Thiên Nga để tiếp tục giảng dạy, gắn bó với những đứa trẻ đặc biệt này. Ngoài giờ dạy trên lớp cô Trân còn tìm hiểu thêm cách tiếp cận và dạy những đứa trẻ tự kỷ, khiếm khuyết này.
Cô Trân tâm sự, qua các bài kiểm tra, nhận thấy sự không bình thường của các em thì giáo viên, nhà trường sẽ gặp và thông báo cho các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, bên cạnh những phụ huynh chấp nhận căn bệnh của con mình thì nhiều phụ huynh không chấp nhận con mình mắc căn bệnh “đặc biệt” này. Do đó, nhiều trường hợp cô phải bỏ ra thời gian riêng để quan tâm, giảng dạy đặc biệt cho các em với hi vọng bố mẹ các em có thể thấu hiểu, chấp nhận để đồng hành cùng nhà trường.
Tuy nhiên, do mỗi trẻ một chứng, một biểu hiện khác nhau nên cô phải thường xuyên quan sát, ghi chép hành vi để theo dõi và có cách can thiệp phù hợp. Những lúc trẻ lên cơn, cô thường nhẹ nhàng, tìm cách xoa dịu các “cơn” của trẻ bằng cách ôm chúng vào lòng rồi vỗ về, nói lời yêu thương.
Theo cô Trân, để dạy những đứa trẻ đặc biệt này thì cũng cần có phương pháp và cách thức đặc biệt. Do nhận thức của các em chậm nên rất cần sự kiên trì, nhẫn nại, đặc biệt là tình thương của người giáo viên. Trước hết cô kiểm tra xem các em đang ở mức độ nặng hay nhẹ để có phương pháp và cách thức dạy dỗ khác nhau.
Thời gian đầu, cô tập cho các em có thể nghe lời, tiết chế hành động quá khích và tự chăm sóc bản thân. Dần dần cô tập cho các em biết cách chào hỏi, lễ phép với mọi người và dần hình thành cho các em có những kỹ năng sống cần thiết. Tuy nhiên, cô vẫn để cho các em học chung với các bạn khác. Mỗi ngày cô chỉ dành 30-45 phút để dạy những bài học “đặc biệt”.
Sau hơn 5 năm gắn bó với trẻ tự kỷ, cô Trân đã giúp trẻ không biết nói bật ra được những âm ê, a, biết dạ với bố mẹ. Hay giúp những em chưa biết bất cứ điều gì có thể cảm nhận được cuộc sống, thế giới xung quanh, biết tiết chế hành vi và biết nhận thức.
Nói về dự định sau này của mình, cô Trân nở nụ cười hiền và cho biết, hiện giờ tuổi còn trẻ, chưa có gia đình nên cô sẽ cố gắng tiếp tục gắn bó với các em để giúp những đứa trẻ kém may mắn có thể hòa nhập với cộng đồng và có trách nhiệm với bản thân, xã hội. Bên cạnh đó, cô cũng mong muốn các phụ huynh quan tâm, gần gũi với con em mình hơn. Bởi các em khiếm khuyết, tự kỷ cũng có tình cảm, rất thích được yêu thương nhưng không biết thể hiện tình cảm ra bên ngoài.
Cô Lê Thị Lý, Chủ trường mầm non tư thục Thiên Nga – nguyên là bác sĩ về chuyên ngành Nội – Nhi – Nhiễm – Xét nghiệm cho biết, bệnh tự kỷ là căn bệnh không có thuốc chữa. Đối với căn bệnh này các bậc phụ huynh nếu thấy con mình có dấu hiệu không bình thường thì phải có biện pháp can thiệp càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó các giáo viên cần có giáo án riêng, áp dụng cách dạy riêng và sự kết hợp, đồng hành cùng phụ huynh mới có thể thành công.