Những tiết học sinh động
Sinh năm 1991, đam mê học tiếng Anh và yêu thích nghề dạy học từ khi còn nhỏ, Cúc mong muốn tiếp tục theo đuổi đam mê với môn học còn nhiều mới mẻ ở vùng nông thôn. Ước mơ truyền niềm đam mê học ngoại ngữ cho các em nhỏ nơi quê hương đã chắp cánh khi cô thi đỗ Trường Cao đẳng Hải Dương.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Hải Dương, cô Cúc về dạy học tại Trường Tiểu học Tiền Tiến. Những ngày đầu giảng dạy cô gặp nhiều bỡ ngỡ với môi trường thực tế, nhưng những áp lực trong thời gian đầu dạy học cũng là bước đệm để cô vững bước vào nghề
Trường Tiểu học Tiền Tiến thuộc khu vực nông thôn nên hầu hết các em học sinh chưa được tiếp cận với tiếng Anh từ trước, nhất là kỹ năng nghe, nói của học trò khi học tiếng Anh còn hạn chế. Phải mất 2, 3 tiết đầu thì các em mới làm quen các khẩu lệnh ngắn mà giáo viên đưa ra.
Trăn trở trước thực trạng kỹ năng nghe nói tiếng Anh của học sinh nông thôn, cô luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học như: Thường xuyên sử dụng tiếng Anh, những khẩu lệnh trong lớp học; Kích thích học sinh nói tiếng Anh trong và ngoài lớp học:
Ví dụ như HS chào thầy cô giáo bằng tiếng Anh bất cứ nơi nào. Dạy học sinh những trò chơi mà các em thích bằng tiếng Anh: “rock, paper, scirssors”, trò chơi màu sắc...
Đồng thời, cô cho học sinh đóng kịch ngắn, kể chuyện, sáng tác bài hát theo từng bài học phù hợp với trình độ của học sinh, sử dụng các trò chơi trong các tiết dạy để tạo hứng thú cho học sinh. Mỗi giờ học tiếng Anh của cô là một giờ học với những trải nghiệm thú vị.
Cô Nguyễn Thị Cúc chia sẻ: Với đối tượng là học sinh tiểu học đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp riêng, phải đưa ra các ý tưởng làm sao cho lớp học càng sinh động, vui vẻ càng tốt.
Nếu chỉ ngồi học không thì học sinh rất nhanh chán, mất tập trung. Việc lồng ghép kiến thức vào các trò chơi, bài hát tập thể, kể chuyện giúp học sinh năng động hơn, chứ không thể đi theo lối dạy truyền thống với các lý thuyết về từ vựng, ngữ pháp quá khô khan.
Khi sử dụng phương pháp này, học sinh được luyện tập, áp dụng kiến thức đã học để nói mà không hề cảm thấy áp lực.
Truyền lửa bằng đam mê và sáng tạo
Học sinh trao đổi trong giờ học tiếng Anh |
Từ khi áp dụng các phương pháp dạy học đóng kịch, kể chuyện, những tiết học của cô giáo Cúc luôn sôi nổi, học sinh ngây thơ nói những câu tiếng Anh rất đơn giản, dễ thương. Các em yêu thích môn Tiếng Anh, đồng thời kĩ năng nghe, nói tiếng Anh của học sinh được cải thiện, vốn từ vựng của các em cũng trở nên phong phú hơn.
Là một giáo viên trẻ, cô luôn chú ý đổi mới phương pháp, học hỏi từ đồng nghiệp. Cô thường xuyên dự giờ, học hỏi, trao đổi phương pháp dạy học với các giáo viên tiếng Anh trong và ngoài trường.
Cô Cúc cho rằng, tự học trên mạng Internet cũng là một phương pháp không thể bỏ qua đối với các giáo viên dạy tiếng Anh. Đặc biệt, cô thường xuyên cập nhật thông tin về các tiết dạy tiếng Anh do thầy Lê Thanh Cường (Sở GD&ĐT Hải Dương) dự giờ các tiết dạy tiếng Anh của các giáo viên tiếng Anh trong tỉnh và chia sẻ trên Facebook để các GV khác học hỏi.
Cô thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt chuyên môn do Sở và Phòng GD&ĐT thường xuyên tổ chức cho các giáo viên tiếng Anh trao đổi phương pháp dạy học.
Năng động, sáng tạo cộng với sự ham học hỏi, cô giáo trẻ từng bước khắc phục khó khăn, nhanh chóng hòa nhập với môi trường giáo dục và trở thành một trong những giáo viên giỏi của trường.
Cô Cúc tâm sự: Để dạy tốt, trước hết phải nắm được tâm lý học sinh tiểu học, tạo ra môi trường thân thiện, cởi mở để các em có hứng thú với môn học. Trong quá trình giảng dạy cô luôn trăn trở, suy nghĩ làm cách nào để giúp các em học sinh tiếp thu bài một cách hiệu quả.
Chia sẻ về những yếu tố làm nên thành công của mình, cô Cúc cho biết: “Đối với nghề giáo viên, ngoài trình độ năng lực chuyên môn, rất cần thêm lòng đam mê, nhiệt huyết với nghề.
Từ đam mê ấy mà giáo viên luôn tự tìm tòi học hỏi nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ và giáo viên sẽ luôn luôn trăn trở trước những tình huống gặp phải trong quá trình dạy học như làm thế nào để bồi dưỡng học sinh mũi nhọn? Làm thế nào để giúp đỡ học sinh có tiến độ học chậm? Làm thế nào để giáo dục những em có tính cách đặc biệt?...
Trả lời cho những câu hỏi ấy, mỗi người giáo viên mới hết lòng vì học trò, vì sự nghiệp “trồng người” cao cả”.