Ban đại diện CMHS mới được thành lập là việc lên kế hoạch hành động cho năm học đó, còn đối với những Ban đại diện CMHS đã bước sang năm hai, năm ba thì lại là những chương trình nghị sự khen thưởng động viên học sinh, đánh giá công tác xã hội hóa giáo dục. Theo nhiều thầy cô giáo, tổ chức hội này đã và đang hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động của nhà trường, của lớp học.
Buổi họp đầu tiên của Ban đại diện CMHS lớp 12A4 Trường THPT Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có sự góp mặt đầy đủ các bậc phụ huynh. Việc đầu tiên là lấy ý kiến và bầu Ban đại diện học sinh. Ban đại diện học sinh có buổi làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường để cùng bàn về kế hoạch năm học, xây dựng quỹ hội và cùng thực hiện các hoạt động sao cho hiệu quả. Mong muốn của các bậc phụ huynh cũng như các thầy cô giáo là làm sao để trường lớp có điều kiện hoạt động tốt nhất, các em học sinh đạt kết quả cao nhất trong học tập.
Không khí buổi họp phụ huynh đầu năm giữa các cha mẹ và thầy cô trở nên gần gũi, thân mật. Những câu chuyện của con cái đã đưa họ lại gần nhau hơn. Họ cùng bàn việc đồng hành với nhà trường trong thời gian tới. Nhiều người với kinh nghiệm thực tiễn lại chia sẻ cách làm hay, cần quan hệ với thầy cô giáo ra sao, phối hợp với nhà trường để cùng giáo dục con cái thế nào.
Nhiều bậc cha mẹ với thế mạnh cá nhân, hết sức đồng cảm sẵn sàng chia sẻ với những khó khăn của nhà trường. Có lẽ hơn ai hết, họ hiểu sâu sắc rằng yêu thương con, muốn con học tập tốt thì việc phụ huynh đồng hành cùng nhà trường là việc không thể thiếu. Chính tổ chức hội và những bậc phụ huynh bằng việc gặp gỡ, trao đổi cùng các thầy cô giáo chủ nhiệm trên lớp, nắm bắt tình hình của con, cùng phối hợp với nhà trường đã và đang chung tay giáo dục trẻ..
Ở trường công lập đã vậy, còn với Ban đại diện CMHS ở trường tư, họ thể hiện rõ vai trò giám sát, trợ giúp cho nhà trường cụ thể hơn, nhất là trong việc huy động xã hội hóa. Ví dụ ở một lớp 7 Trường THCS & THPT Lômônôxốp, trong buổi họp cuối năm học 2018 – 2019, phụ huynh ngồi trong phòng học mà mồ hôi như tắm, họ thử bật các chế độ mát nhất của điều hòa, có cả quạt trần mà ai cũng tướp mồ hôi.
Ngay sau buổi họp, các cha mẹ đề nghị nhà trường xem xét, thay điều hòa để phòng học được mát hơn. Biên bản được ban phụ huynh lớp nhất trí, gửi đến Ban Giám hiệu nhà trường, cùng sự sát sao quan tâm của chị Khánh Chung - Trưởng Ban đại diện CMHS. Sau một mùa hè, buổi họp phụ huynh đã diễn ra trong cái mát lạnh, dễ chịu tỏa ra từ hai chiếc điều hòa mới tinh.
Nói vậy cũng không hẳn là ở trường tư nhất nhất Ban đại diện đồng ý với đề xuất của nhà trường. Các bậc cha mẹ trong lớp còn phải phân tích, cân nhắc, đóng góp ý kiến sôi nổi, sau khi thấy điều hợp lý thì ban phụ huynh mới thi hành. Tại cuộc họp phụ huynh đầu năm 2019 – 2020, lớp khối 8 ở Trường THCS&THPT Lômônôxốp được gợi ý nên lắp máy chiếu. Ban phụ huynh chủ trì thảo luận ngay có nên lắp máy chiếu không? Thời hạn sử dụng thế nào? Có bao nhiêu tiết học cần dùng máy chiếu?...
Kết luận cuối cùng: Chưa cần thiết lắp máy chiếu ngay, cần cân nhắc tình hình thực tế. Trong một diễn biến khác, mới đây, cũng ở trường này, một phụ huynh đã bỏ tiền mua cột bóng rổ cho thầy và trò, thêm vào những cột bóng rổ sẵn có để các em có điều kiện tập luyện tốt hơn.
Có thể nói, với mọi nhà trường mục đích đều hướng đến xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, bảo đảm các hoạt động dạy và học của thầy và trò đạt được chất lượng cao nhất. Để thực hiện việc đó rất cần có sự đồng hành, chung tay góp sức của Ban đại diện CMHS.
Việc huy động xã hội hóa ở trường công dường như khó hơn trường tư vì các gia đình của học sinh trường tư phần nhiều có điều kiện nên việc đóng góp dễ dàng hơn. Tuy nhiên, dù trường công hay trường tư, nếu các bậc CMHS đã tin tưởng vào sự minh bạch của nhà trường, họ cũng không ngần ngại hỗ trợ thầy cô, đầu tư cho cơ sở vật chất chung. Buổi họp phụ huynh đầu năm, rất cần đề cao vai trò của Ban đại diện CMHS trong việc độc lập, giám sát việc thực hiện các cam kết về đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng dạy – học, để tổ chức hội thực sự là cánh tay nối dài của nhà trường với xã hội.